29/11/2018 07:27 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nhiều bộ phim truyền hình remake được khán giả hào hứng đón nhận trong năm 2017 và 2018. Và ngược lại, cũng có những bộ phim "đình đám" nước ngoài được Việt hóa lại không được khán giả yêu mến như mong đợi.
Nếu bỏ qua những “bí quyết” riêng, việc làm lại những bộ phim truyền hình đình đám không hề là chuyện dễ.
“Thắng” có, “thua” có
Kể từ năm 2006 đến nay, có nhiều phim truyền hình remake (làm lại) góp phần "đổi món" cho khán giả màn ảnh nhỏ như: Mùi ngò gai, Cô gái xấu xí, Cầu vồng tình yêu, Ngôi nhà hạnh phúc, Dù gió có thổi, Gia đình là số 1... Tiếp đó, năm 2017 là thành công rực rỡ của các bộ phim truyền hình remake Người phán xử (kịch bản gốc của Israel), Sống chung với mẹ chồng (chuyển thể từ tiểu thuyết của Trung Quốc) và Cả một đời ân oán (kịch bản gốc của Đài Loan, Trung Quốc)… Những trường hợp này đã góp phần giúp phim truyền hình lấy lại vị thế sau nhiều năm bị gameshow và truyền hình thực tế "lấn át".
Nối tiếp thành công, năm 2018 này, khán giả lần lượt được xem Cả một đời ân oán (phần 2), Ngày ấy mình đã yêu (remake kịch bản Tình yêu tìm thấy - Hàn Quốc)… của Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam (VFC). Và hiện tại, Gạo nếp gạo tẻ (phát trên sóng HTV2, bản Việt hóa của bộ phim Wang’s Family - Dòng tộc họ Wang ở Hàn Quốc) cũng gặt hái thành công bất ngờ.
Từ những tín hiệu tích cực ấy, đã có người lầm tưởng, phim truyền hình remake dễ làm, dễ thắng. Nhưng thực tế, vẫn có những trường hợp phim remake ít nhiều bị khán giả quay lưng, dù được đầu tư khá tâm huyết.
Trong số đó, dự án Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt (remake từ "bom tấn" truyền hình Hàn cùng tên) từngđược nhiều khán giả kỳ vọng ngay từ khi công bố những thông tin đầu tiên.
Thế nhưng khi ấy, cũng có những fan hoài nghi, thậm chí tiên đoán: sẽ rất khó để có bản Việt hóa hấp dẫn, mới mẻ hơn bản Hàn. Và thực tế chứng minh tiên đoán ấy là đúng. Bản phim Việt "đuối" về diễn xuất, có sự sáng tạo nhưng không đủ thuyết phục khán giả kiên nhẫn xem tới tập cuối cùng.
Hay, dự án phim Mẹ ơi, bố đâu rồi? được Việt hóa từ Last Man Standing của hãng 20th Century Fox cũng được nhiều fan kỳ vọng. Đâylà bộ phim truyền hình Việt Nam đầu tiên được làm theo thể loại dramedy (drama + comedy), kết hợp giữa những yếu tố tâm lý, kịch tính và hài hước. Nhưng, sau những phản hồi tích cực trong vài tập đầu, Mẹ ơi, bố đâu rồi? đuối dần và bị cho là chưa đủ sự hài hước, để lôi cuốn người xem.
Kể xa hơn, từ năm 2017, bản Việt hóa bộ phim đình đám Glee - từng được đề cử ở các giải Quả cầu vàng, Emmy... cũng không được khán giả trong nước đón nhận.
"Không bao giờ được sao chép"
Thực tế, việc Việt hóa một bộ phim đình đám đã có lượng fan quốc tế lớn quả là thách thức không nhỏ cho nhà sản xuất. Trong đó, sự khác biệt về văn hóa và khó khăn trong khâu lựa chọn diễn viên là những điểm dễ thấy nhất.
Ngay từ khi khởi đầu dự án Hậu duệ mặt trời bản Việt, đạo diễn Trần Bửu Lộc chia sẻ rằng anh gặp áp lực nhất ở khâu chọn diễn viên:"Diễn viên Hàn quá đẹp và ăn khách. Tôi không so sánh về thực lực diễn xuất, mà bởi bộ phim đã quá thành công, khán giả quá yêu thích nhân vật đó rồi và tôi biết khán giả Việt Nam sẽ trông đợi phiên bản Việt sẽ có được nhân vật như vậy".
Nhìn thấy trước những thách thức, Trần Bửu Lộc nói rằng phiên bản Việt sẽ tập trung thể hiện giá trị, vẻ đẹp của người lính, để khán giả sẽ hiểu, yêu thương người lính - hơn là để ý tới diễn viên.
Trong khi đó, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC, cũng không giấu diếm những khó khăn của VFC khi hợp tác với hãng 20th Century Fox trong việc Việt hóa phim Mẹ ơi, bố đâu rồi?. Theo đó, Giám đốc VFC cho biết, đơn vị này phải tuân thủ sự kiểm soát khá chặt chẽ về nội dung và những quy tắc truyền thông phim từ phía Mỹ.
"Chúng tôi nhận được những phản hồi tích cực, họ chấp nhận để chúng tôi thay đổi nội dung và cách thức làm. Vượt qua những tiêu chuẩn nhất định đó từ đối tác, chúng tôi vẫn thấy lo lắng với những câu hỏi: Liệu một bộ phim sitcom Mỹ có phù hợp với Việt Nam hay không?” - anh nói.
“Khán giả của chúng ta có cách xem phim, tiếp cận khác. Nhìn lại những thành công và thất bại chúng tôi đã từng có trong việc lựa chọn nội dung kịch bản nước ngoài, chúng tôi hiểu rằng, không bao giờ được sao chép tất cả những thứ đã có trong nội dung kịch bản gốc để biến nó thành của mình” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ - “Chúng tôi phải phân tích, thậm chí quá trình viết lại kịch bản còn khiến chúng tôi mất nhiều công sức hơn cả viết một kịch bản mới”.
"Dám thử nghiệm để trưởng thành" “Dù thành công hay thất bại, chúng tôi luôn coi đây là cơ hội để trưởng thành, để tiếp cận với quy trình làm phim hiện đại và từ đó nỗ lực đem đến những sản phẩm chất lượng hơn” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói về dòng phim remake. |
Anh Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất