18/11/2019 19:26 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Định mệnh chiến tranh (tên tiếng Anh: Destined for War) là cuốn sách viết về mối quan hệ Mỹ-Trung sử dụng khái niệm bẫy Thucydides để làm lăng kinh soi chiếu. Cuốn sách được viết bởi Graham Allison, một nhà khoa học và giáo sư chính trị người Mỹ tại Đại học Harvard.
Cụm từ "bẫy Thucydide" được đặt theo tên của một sử gia Hy Lạp cổ đại, người đã có những quan sát về cuộc chiến giữa Sparta và Athens ở thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Một khi một cường quốc đang yên vị lâu năm cảm thấy lo ngại hoặc bị thách thức bởi sự trỗi dậy của một quyền lực mới đang lên thì ắt hẳn chiến tranh sẽ nổ ra. Đó là khi họ đã rơi vào bẫy Thucydides.
Hai thế lực Mỹ - Trung trong thế đối đầu
Tác giả Allison đã dành phần lớn dung lượng cuốn sách để phân tích tình thế của Mỹ và Trung Quốc hiện tại, từ đó làm rõ động cơ, thực lực, các điều kiện quy định, sự toan tính chiến lược của mỗi bên…
Trong khóa học về an ninh quốc gia ở Harvard, khi ông đưa ra các bảng biểu số liệu từ năm 2015, các sinh viên của ông đều kinh ngạc nhận ra rằng, chỉ trong vòng một thế hệ, Trung Quốc chưa bao giờ xuất hiện trong bất cứ một bảng xếp hạng quốc tế nào, nay đã vọt lên vị trí đầu bảng. Vào năm 1980, tổng GDP của Trung Quốc ít hơn con số 300 tỷ đô la, năm 2015 con số này đã là 11 nghìn tỷ đô la; năm 1980 thương mại giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài ít hơn 40 tỷ đô la đến năm 2015, con số này đã gia tăng 100 lần, lên 4.000 tỷ đô la.
Allison, trong mọi chỉ số Trung Quốc đã vượt qua Mỹ. Là nhà chế tạo tàu biển, thép, nhôm, đồ nội thất, quần áo, dệt may, điện thoại di động lớn nhất, Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới.
Trung Quốc cũng đã trở thành quốc gia tiêu thụ lớn nhất của hầu hết mọi loại sản phẩm. Nước Mỹ là nơi sản xuất xe hơi, nhưng Trung Quốc hiện tại lại là nhà sản xuất và thị trường tiêu thụ xe hơi lớn nhất. Người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 25 triệu xe hơn trong năm 2015, hơn 3 triệu chiếc so với số xe đã bán tại Mỹ. Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ điện thoại di động và thương mại điện tử lớn nhất thế giới, đồng thời có số lượng người dùng internet lớn nhất. Năm 2016, kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Trung Quốc vẫn tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trên mọi lĩnh vực, Trung Quốc đều thể hiện tham vọng vượt lên cả sự tưởng tượng của người Mỹ. Họ đã từng xây dựng tổng cộng gần 4,2 triệu km đường, bao gồm gần 113.000 km cao tốc từ 1996 đến 2006, kết nối 95% làng mạc trên khắp cả nước, và vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có hệ thống đường cao tốc dày đặc nhất với chiều dài gần gấp rưỡi. Họ cũng đã sáng tạo ra siêu máy tính hàng đầu, nhanh hơn siêu máy tính hàng đầu của Mỹ gấp 5 lần.
Allison cũng đã dành hẳn chương 6 của cuốn sách để bàn về thế mạnh quân sự của Trung Quốc. Ông khẳng định rằng “đã quá đủ để nói rằng Trung Quốc có khả năng đảm bảo một số lợi thế trên chiến trường”.
Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, tác giả cuốn sách Định mệnh chiến tranh cũng đã đưa ra những luận điểm quan trọng để bàn về tác động của Trung Quốc, đối với Mỹ và trật tự toàn cầu. Liệu Mỹ và Trung Quốc có rơi vào bẫy Thucydides, và dẫn đến một cuộc chiến tranh nổ ra trên phạm vi toàn cầu hay không?
Chiến tranh không phải là điều tất yếu
Trong cuốn sách Định mệnh chiến tranh, tác giả Allison từ việc phân tích những cuộc chiến tranh đã xảy ra từ trong lịch sử, cũng đã có gợi ý những khả năng và các điều kiện cần để giải quyết vấn đề theo hướng để chiến tranh Mỹ - Trung không trở thành định mệnh. Ông tin rằng, chúng ta hoàn tòa có thể thoát khỏi bẫy Thucydides. Nhìn lại lịch sử 500 năm đã qua, chúng ta có ít những trường hợp mà trong đó các cường quốc đang trỗi dậy và thống trị đã thành công trong việc lèo lái đất nước của họ đi xuyên qua những bãi cạn đầy nguy hiểm mà không để chiến tranh xảy ra.
Ông đã phân tích rất chi tiết 12 bài học về hòa bình nhằm khẳng định việc chiến tranh có thể sẽ không xảy ra như một định mệnh.
Rất nhiều những lập luận sắc bén và hấp dẫn đã được trình bày trong chương 9 của cuốn sách, đưa ra những khả năng hạn chế bi thương cho lịch sử.
Với chủ đề mang tính thời sự nóng bỏng, có tầm bao quát rộng, được phân tích một cách sắc sảo, cuốn sách sẽ đưa đến cho độc giả cái nhìn cụ thể, sâu sắc về mối quan hệ giữa hai cường quốc đang nắm giữ vận mệnh phát triển của toàn cầu.
Có hay không một cuộc chiến tranh như bao nhiêu cuộc chiến tranh tàn khốc đã diễn ra trong lịch sử, chúng ta chưa khẳng định được, nhưng trên những trang viết của mình, tác giả Allison, bằng sự trăn trở, tâm huyết của một người nghiên cứu khoa học, tha thiết muốn gửi gắm đến độc giả, con người, những ý nghĩa của hòa bình, thắp nên ánh sáng của hòa bình.
Bởi thế, sau những lập luận, những dẫn chứng, phân tích từ lịch sử, ông kết thúc cuốn sách của mình bằng lời của Shakespeare: “Chúng ta nắm giữa vận mệnh của chính mình, chứ không phải các vì sao”. Vâng, chúng ta không biết trước được chiến tranh có thể xảy ra hay không, nhưng chúng ta có thể làm gì đó, để nó không xảy ra.
Tác giả Gramham Allison là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính trị tại trường Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông từng làm trợ lý và cố vấn cho các Bộ trưởng Quốc phòng từ thời Tổng thống Reagan tới thời Tổng thống Obama.
Bản tiếng Việt của cuốn sách được chuyển ngữ bởi dịch giả Nguyễn Thế Phương, do Công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam phát hành năm 2019.
Thủy Nguyệt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất