Sử Việt đọc chậm (kỳ 2): Những điều ít biết về Thái úy Lý Thường Kiệt

15/06/2020 11:30 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Xét về võ nghiệp, ai cũng biết Thái úy Lý Thường Kiệt là danh nhân bậc nhất của nước Việt. Sự nghiệp cầm quân của ngài gắn liền với các chiến tích phá Tống, bình Chiêm - đặc biệt việc đánh sang tận châu Ung, châu Khâm, châu Liêm trên đất Tống nhằm bẻ gãy dã tâm xâm lược của nhà Tống vào Đại Việt và chỉ huy quân dân Đại Việt kháng cự đạo quân xâm lược của Quách Quỳ, Triệu Tiết ở phòng tuyến Như Nguyệt...

Sử Việt đọc chậm (kỳ 1): Hội thề & Lễ tuyên thệ nhậm chức của các vua đời Lý

Sử Việt đọc chậm (kỳ 1): Hội thề & Lễ tuyên thệ nhậm chức của các vua đời Lý

LTS: Kể từ số báo này, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin trân trọng giới thiệu loạt bài “Sử Việt đọc chậm” của tác giả Tô Như. Đây là các bài viết được xây dựng trên cơ sở bổ chú và tham chiếu các tư liệu lịch sử, từ đó có các kiến giải về một số vấn đề vẫn ít được chú ý trong sử Việt.

Nhưng thật ngạc nhiên, tên tuổi của Lý Thường Kiệt chưa từng được ghi chép lại trong sử sách Trung Quốc. Thay vào đó là cái tên Lý Thượng Cát. Và cái tên Lý Thượng Cát này cũng tuyệt nhiên không xuất hiện trong bộ chính sử của Trung Quốc là Tống sử.

Lý Thường Kiệt - Lý Thượng Cát

Sách Mộng Khê bút đàm của Thẩm Quát đời Bắc Tống viết:“Nhật Tôn mất, con là Càn Đức nối ngôi, lấy hoạn nhân Lý Thượng Cát và mẹ là Thái phi họ Lê tên Yến Loan cùng làm chủ việc nước”. Ở đây cầm nói rõ rằng, “Thái phi họ Lê tên Yến Loan” là do tác giả nhầm từ hai chữ “Ỷ Lan” mà ra.

Sách Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm đời Nam Tống viết: “Năm Thần Vũ thứ 5, Nhật Tôn chết, con là Càn Đức nối ngôi. Sang báo tang, chiếu sai sứ qua điếu, trao chức cho Càn Đức như lệ cũ. Càn Đức còn nhỏ, mẹ là Thái phi Lê Thị cùng hoạn nhân Lý Thượng Cát cùng làm chủ việc nước”.

Sách Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đảo viết: “Ban đầu, Triệu Tiết nói với Quách Quỳ: “Giao tặc sợ mưu của Lý Thượng Cát, Lý Kế Nguyên nên làm phản”. (Nhà Tống coi việc nước ta đánh qua châu Ung, châu Khâm, châu Liêm là "làm phản" nên gọi là Giao tặc - giặc Giao Châu)!

Lý Thượng Cát là ai? Liệu có phải là Thái úy Lý Thường Kiệt không?

Ở chùa Linh Xứng ở Thanh Hóa nước ta vẫn còn một tấm bia cổ, trên đó có bài minh, thường gọi là Ngưỡng sơn Linh Xứng tự bi minh, trên đó khắc công đức của Thái úy Lý Thường Kiệt, có hàng chữ: “Đầu niên hiệu Thái Ninh, đức kim thượng Minh Hiếu Hoàng đế lên ngôi, ông lấy tư cách là Y Doãn, Hoắc Quang được nhà vua giao phó nhiếp chính và gửi gắm công việc xã tắc”.

Vậy là trong khoảng thời gian Linh Nhân Thái hậu nhiếp chính, giáng Thái sư Lý Đạo Thành làm Tả gián nghị Đại phu cho ra coi Nghệ An, thì Lý Thường Kiệt thế vào chỗ đó lo việc triều chính. Kết hợp với ghi chép trong Mộng Khê bút đàm, Văn hiến thông khảo, thì biết Lý Thượng Cát trong các sách đó cũng chính là Lý Thường Kiệt trên bia chùa Linh Xứng, mà cũng là Thái úy Lý Thường Kiệt trong sử sách nước ta.

Chú thích ảnh
Đền thờ Lý Thái Úy ở xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa – một trong những ngôi đền thờ lâu năm nhất gắn với Lý Thường Kiệt

Sử chép thái úy Lý Thường Kiệt là Thái giám?

Nhiều người vẫn nhắc tới việc Thái úy Lý Thường Kiệt là hoạn quan. Thực tế, các pho sử nước ta chép về chuyện này như thế nào?

Đại Việt sử ký toàn thư Khâm định Việt sử thông giám cương mục đều chép: “Khi còn ít tuổi, vì vẻ mặt tươi đẹp được sung làm Hoàng môn chi hậu theo hầu Thái tông”.

Đúng là đoạn này cũng như toàn bộ phần Lý kỷ không chép rõ Lý Thường Kiệt là Thái giám. Tuy nhiên, bên dưới vẫn có nhắc lại tường minh.

Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷKhâm định Việt sử thông giám cương mục - Chính biên chép việc Phạm Ứng Mộng:

“Mùa Đông, tháng Mười, ban tiền cho Phạm Ứng Mộng, bảo tự hoạn để vào hầu. Trước đó, vua nằm mơ đi chơi thấy thần nhân chỉ một người bảo vua: Người này có thể làm Hành khiển.

Tỉnh dậy, không biết là người nào. Một hôm tan buổi chầu, vua ngự ra ngoài thành, thấy một người con trai theo học ở cửa Nam thành, hình dáng giống hệt người trong mộng, vua gọi đến hỏi, người đó ứng đối giống như những lời trong mộng.Vua muốn trao cho chức Hành khiển, nhưng thấy khó, mới cho 400 quan tiền bảo tự hoạn, ban tên là Ứng Mộng. Sau này thăng dần đến chức Hành khiển. Đó là bắt chước lệ cũ của triều Lý, dùng Lý Thường Kiệt và Lý Thường Hiến vậy”.

Thế đủ thấy sử chép việc Lý Thường Kiệt, Lý Thường Hiến tịnh thân nhập cung là có thực. Đúng như Đại Việt sử ký tiền biên chép: “Khi còn ít tuổi, vì tướng mạo đẹp, tự thiến, sung chức Hoàng môn chi hậu”.

Lại nữa, chức quan Hoàng môn chi hậu lại là cách viết khác của chức Chi hậu hoàng môn. Đây là chức quan của hoạn quan đời nhà Tống bên Trung Quốc, chức quan ban đầu gọi là Chi hậu điện đầu, đến năm Chính Hòa thứ hai thì đổi thành Chi hậu hoàng môn.

Không chỉ có vậy, khi chép việc Lý Đạo Thành mất vào năm 1081, Đại Việt sử ký tiền biên lại ghi nhận: “Trước kia bà Thái hậu Linh Nhân rủ mành (tức nhiếp chính cho vua bé), Lý Thượng Cát là Ngự trụ (nguyên chú: Ngự trụ là tên riêng của Hoạn quan triều Lý) được vua thân yêu cho tham dự chính sự”. Lý Thượng Cát chính là cách sử sách Trung Quốc gọi Lý Thường Kiệt. Câu này cho thấy Lý Thường Kiệt chính là Ngự trụ - Hoạn quan thời nhà Lý.

Sử triều Nguyễn cũng đề cập tới vấn đề này. Đại Nam thực lục chép lời bàn của vua Minh Mệnh: “Ất Mùi, Minh Mệnh năm thứ 16... Tựu trung Lý Thường Kiệt nhà Lý tuy ưu việt về phần võ lược, nhưng xuất thân từ hoạn quan”.

Thế thì việc Lý Thường Kiệt là Thái giám/hoạn quan, sử sách các đời đều chép rất kỹ.

Chú thích ảnh
Tượng đài và đền thờ Lý Thường Kiệt tại xã Tam Giang (Yên Phong, Bắc Ninh), nơi được cho là phòng tuyến Như Nguyệt khi xưa

Thái úy Lý Thường Kiệt đánh Tống?

Từ lâu nay, hễ cứ có tác phẩm văn học, sân khấu nghệ thuật viết về sự kiện Lý Thường Kiệt đánh Tống, là y như rằng xây dựng một viên Thái úy chỉ huy quân đội tấn công Ung Châu, Liêm Châu.

Đúng mà lại sai!

Đúng là Lý Thường Kiệt đem quân ta đánh Tống, nhưng khi đó, có vẻ ông không phải Thái úy.

Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷ chép: “Ất Mão [1075]... Tháng Hai... Vua biết tin, sai Lý Thường Kiệt, Tông Đản đem hơn 10 vạn binh đi đánh. Quân thủy, quân bộ đều tiến. Thường Kiệt đánh các châu Khâm, Liêm; Đản vây châu Ung”. Tuyệt không có hai chữ “Thái úy”.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục - Chính biên cũng chép: “Ất Mão [1075]... Tháng Mười một, mùa Đông. Sai bọn Lý Thường Kiệt đem đại binh sang đánh nhà Tống, phá được Khâm châu và Liêm châu”.

Đại Việt sử ký tiền biên cũng chép: “Ất Mão [1075]... Mùa Đông tháng Mười một, sai bọn Lý Thường Kiệt chia đường sang đánh Tống, đánh hạ châu Khâm, châu Liêm”.

Tuy ba bộ sử chép có chênh lệch về ngày tháng (tháng Hai và tháng Mười một), nhưng tựu trung đều không chép Lý Thường Kiệt là Thái úy.

Sự thực thì phải sau lần đánh Chiêm Thành (không thắng) và vẽ lại địa đồ ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính trở về thì Lý Thường Kiệt mới được phong Thái úy. Toàn thư chép việc này là vào tháng Tám năm Ất Mão [1075], nửa năm sau trận đánh Ung Liêm.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép sự kiện này vào tháng Tám năm Ất Mão, tức là trước khi đánh Ung Liêm.

Còn Đại Việt sử kí tiền biên chép sự kiện phong Thái úy vào khoảng tháng Giêng, tháng Hai năm Bính Thìn [1076]. Sử gia Ngô Thì Sĩ bàn rằng: “Xét theo sử cũ, Thường Kiệt đánh Chiêm Thành xảy ra sau tháng Tám mùa Thu năm Ất Mão. Nay tham khảo sử nhà Tống, Thường Kiệt đánh châu Khâm, châu Liêm vào mùa Đông năm Ất Mão, đánh châu Ung vào mùa Xuân năm Bính Thìn, vậy không có lẽ quãng giữa lại gây sự với Chiêm Thành. Sử Bị lãm cho rằng quân ở châu Ung, châu Liêm đã về, Thường Kiệt mới bắt đầu mở chiến dịch đánh Chiêm Thành, có thứ tự hơn, hãy theo như thế”. (Bị lãm: Tức bộ Việt sử Bị lãm do Nguyễn Nghiễm đời Lê làm).

Quả đúng như các sử gia Nguyễn Nghiễm và Ngô Thì Sĩ bàn, nếu quân nhà Lý đánh Chiêm Thành là một nước yếu trước, mà không giành được thắng lợi, thì làm sao dám dẫn binh ngay sau đó qua đánh Tống là một nước mạnh hơn rất nhiều. Đại Việt sử ký toàn thư tuy chép không đúng ngày tháng, nhưng thứ tự trước sau cũng hợp với Đại Việt sử ký tiền biên. Ý rằng thừa cái quân uy vừa thắng được nước Tống mạnh mà chuyển tới đánh Chiêm Thành. Chiến trận không thuận lợi mà lại nghe tin nhà Tống sai Quách Quỳ, Triệu Tiết đem quân sang đánh, nên vội ngưng đánh Chiêm mà quay về phòng mặt Bắc.

Chính vì vậy mà từ Chiêm Thành trở về, tuy không lập được công nhưng vẫn được phong Thái úy, ấy là thưởng cho công lao đánh Ung Liêm vậy.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục đoạn này có lẽ chép lầm, thành ra đánh thua được phong mà thắng trận lại chẳng được thưởng gì.

Vậy thì khi đánh Tống, Lý Thường Kiệt mang chức quan gì? Đại Việt Sử ký toàn thư chép về sự nghiệp của ông có câu: “Đến khi vua thân đi đánh Chiêm Thành, ấy làm tướng tiên phong, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Vì có công, được phong làm Phụ quốc Thái phó, diêu thụ chư trấn tiết độ, Đồng trung thư môn hạ, Thượng trụ quốc, thiên tử nghĩa đệ, Phụ quốc Thượng tướng quân, tước Khai quốc công, sau lại có công nữa, được phong làm Thái úy, rồi chết”. Chức Thái úy là phong do có công đánh Tống, vậy thì trước đó, Lý Thường Kiệt có chức văn ban là Phụ quốc Thái phó, mà chức võ ban là Phụ quốc Thượng tướng quân.

Tô Như

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm