05/04/2018 08:11 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Truyền thông thế giới đang vô cùng háo hức khi chứng kiến nhà lãnh đạo Triều Tiền Kim Jong Un vỗ tay và hào hứng theo dõi buổi biểu diễn của các ca sĩ K-pop Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng. Nhưng, ông không phải là người duy nhất bị hấp dẫn bởi sức hút toàn cầu của “cỗ máy” này.
1. Tham gia chương trình hòa nhạc đặc biệt ở Bình Nhưỡng ngày 2/4 mới đây cùng nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc khác, nhóm nhạc nữ Red Velvet đã có một "superfan", đó là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho biết, đáng lẽ ông sẽ tham dự chương trình hòa nhạc ngày hôm sau nhưng ông đã chỉnh lịch trình làm việc của mình để tới xem Red Velvet trình diễn. Và ông cảm ơn nhóm nhạc nữ đã đưa món quà này tới các công dân Triều Tiên.
Danh tiếng của văn hóa Hàn Quốc ở nhiều nước khác trên thế giới thực sự không phải là điều mới lạ. Trong đầu những năm 2000, nhiều nhà báo Trung Quốc "rối bời" khi thấy công chúng địa phương "cuồng say" với những bộ phim truyền hình, như Bản tình ca mùa Đông (Winter Sonata), và ca sĩ trong "Làn sóng Hàn Quốc" (Hallyu).
Tuy nhiên, K-pop còn chinh phục được lượng khán giả lớn hơn và đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Nhóm nhạc K-pop thành công quốc tế lớn nhất hiện nay là BTS.
Nhóm nhạc gồm 7 chàng trai này không chỉ có hai ca khúc được Hiệp hội Thu âm Mỹ chứng nhận danh hiệu vàng (là nhóm nhạc K-pop đầu tiên đạt được thành tích đó) mà còn là nhóm K-pop có nhiều tương tác nhất trên trang Twitter năm 2017.
Hồi năm ngoái, album Love Yourself: Her của BTS, trong đó có cả đĩa đơn Mic Drop ăn khách ở Mỹ, đã lọt vào vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng Billboard – thành tích cao nhất đối với một nhóm nhạc Hàn Quốc.
Vậy K-pop làm thế nào để "gạt bỏ" được nhiều nền âm nhạc đại chúng khác ở châu Á để tạo dựng được danh tiếng trên khắp toàn cầu? Theo giáo sư Lee Dong Yeon, người giảng dạy về lý thuyết văn hóa tại trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc, lý do đến từ việc thị trường âm nhạc của Hàn Quốc tương đối nhỏ, do vậy nhiều công ty quản lý tìm mọi cách để “hướng ra” các thị trường hải ngoại.
"Các công ty sản xuất âm nhạc lớn của Hàn Quốc có giá trị sản xuất cao và đòi hỏi sự đầu tư lớn. Các công ty này không thể tồn tại bằng các nguồn thu trong khu vực, bởi vậy các nhà điều hành nhất thiết phải mở rộng hướng làm ăn ra thế giới bên ngoài để duy trì công ty" – Lee Dong Yeon nói.
Cụ thể, nhiều nhóm nhạc K-pop phát hành ca khúc bằng cả tiếng Hàn và tiếng Nhật, qua đó thể hiện việc sẵn sàng đón nhận các nền văn hóa khác nhằm mở rộng sức hút của họ.
Ngoài ra, cũng nhiều người nói về việc tại sao K-pop lại lôi cuốn hơn Canto-pop (nhạc pop tiếng Quảng Đông) trong bối cảnh Canto-pop đã có một lượng fan lớn.
"Các biểu tượng K-pop trông "bắt mắt" và gợi cảm hơn" - Vivian Lam Pui Sze, thành viên câu lạc bộ fan của nhóm nhạc nữ Girls’ Generation có trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc), nêu ra ý kiến - “Trong khi, các ca sĩ K-pop nam cũng có ngoại hình được chuẩn chỉnh hơn".
2. Ngoài các lý do nêu trên, giáo sư Lee Dong Yeon còn đề cập đến hệ thống các hãng quản lý được ví như "cỗ máy" sản xuất của nền K-pop. Những công ty lớn như JYP, SM và YG mang cả các chức năng thu âm, giải trí và quản lý và đây được gọi là "hệ thống tạo nên các thần tượng".
"Hệ thống" này mất khoảng từ 3 đến 5 năm để đào tạo nên các ngôi sao. Ngoài việc rèn thực tập sinh các kỹ năng liên quan đến âm nhạc, các công ty này còn cho "gà" của mình học ngoại ngữ (thường là tiếng Anh và Nhật) đồng thời ép họ phải chấp hành các quy định nghiêm ngặt để tạo dáng, như ăn kiêng để ép cân, và nhiều khi phải phẫu thuật thẩm mỹ để trông "bắt mắt" hơn.
Một báo cáo hồi năm 2009 của MTV Iggy, chi nhánh của tập đoàn âm nhạc khổng lồ MTV chuyên chú trọng tới âm nhạc nước ngoài, tiết lộ rằng các thực tập sinh K-pop thường phải chấp hành một kế hoạch thường nhật khắt khe, trong đó gồm 2 tiếng tập thể hình, 4 tiếng tập vũ đạo, 2 tiếng luyện thanh và sau đó là 3 tiếng học ngoại ngữ.
Theo Lee Dong Yeon, khi K-pop trở thành sản phẩm xuất khẩu chính của Hàn Quốc thì các "cỗ máy" như vậy sẽ càng mạnh mẽ hơn.
Mỗi năm, 3 công ty lớn JYP, SM và YG tổ chức các cuộc thử giọng để tìm kiếm các ngôi sao K-pop tiềm năng. Mỗi lần như vậy có khoảng 50.000 đối tượng tuổi vị thành niên tham gia.
SM Entertainment, công ty quản lý các ngôi sao nổi tiếng như BoA, Girls’ Generation và Shinhwa, còn sáng lập cả một trường đào tạo thần tượng mang tên Viện SM.
Có điều, không phải thực tập sinh nào khi "ra lò" cũng trở thành một ngôi sao. Theo Frances Cha, cây bút chuyên viết về K-pop, các ngôi sao thường được hướng dẫn cách hành xử như thế nào trước công chúng và được yêu cầu phải tránh xa chuyện yêu đương bởi nhiều người hâm mộ đã tỏ thái độ rất tiêu cực khi biết các thần tượng của mình có người yêu.
"Khi một tờ báo địa phương tiết lộ Jonghyun (thành viên của nhóm nhạc nam Shinee, đã tự vẫn hồi tháng 12/2017) có bạn gái, lập tức công chúng phản ứng rất dữ dội" – Frances Cha nói.
3. Song một số nhà phê bình cho rằng dù có thế nào thì cũng không thể phủ nhận được tài năng và các thế mạnh của các nghệ sĩ K-pop.
"Tôi nghĩ, các nghệ sĩ K-pop không cố gắng gì hơn ngoài việc mang lại những giây phút giải trí cao cho người hâm mộ, đó là những giai điệu lọt tai và màn vũ đạo bắt mắt. Có thể có nhiều nghệ sĩ không được phát triển tài năng từ nhỏ, song tôi tin họ vẫn xứng đáng được gọi là các nghệ sĩ" – chuyên gia K-pop Stawski nói.
Jose Wendell Capili, giáo sư văn học tại trường Đại học Philippines cũng bảo vệ K-pop.
“Nhiều nhà phê bình có thể nói rằng các ngôi sao K-pop được hình thành từ những lò đào tạo hoặc chủ yếu thu hút nhờ ngoại hình lôi cuốn. Có điều một số huyền thoại âm nhạc thế giới như Elvis Presley và ban nhạc The Beatles cũng từng bị nhìn nhận như vậy”- Capili nói – Nhưng các nghệ sĩ K-pop thực sự có tài và có khả năng trong những gì mà họ làm."
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất