15/01/2020 22:21 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ngày nay, khi tối giản đã trở thành một xu hướng thịnh hành thì Tết tối giản cũng không ngoại lệ. Bỏ đi những thủ tục rườm rà để giữ lấy cái hồn cốt của Tết, ấy là giữ nét xưa trong Tết hiện đại. Đó có lẽ cũng là câu trả lời xứng đáng nhất về việc có nên gộp Tết cổ truyền với Tết Dương lịch hay không – câu hỏi vẫn thường được dấy lên mỗi dịp cuối năm.
Nhìn lại lịch sử của Tết cổ truyền, có thể thấy Tết từng thời, từng hoàn cảnh có nhiều biến đổi. Dẫu rằng có những thay đổi về cách con người ứng xử với Tết nhưng tâm thức cốt yếu của Tết thì vẫn vẹn nguyên và được lưu giữ mãi. Đó là tâm thức hướng về cội nguồn, sự đoàn viên trong mỗi gia đình và những kỳ vọng cho một tương lai tốt đẹp.
Ăn Tết tối giản, “khoan thư với Tết”
Sống trong một xã hội hiện đại khi những thứ vật chất đã dư thừa thì tâm thế đón Tết của con người cũng chuyển biến và đổi khác. Mấy năm trở lại đây, khái niệm “Tết tối giản” xuất hiện và trở thành xu hướng ăn Tết hiện đại. Thế nhưng không phải ai cũng biết nên tối giản ra sao là đủ? Nên giữ và nên bỏ thứ gì trong Tết?
Đối với những thế hệ “lão thành kinh lịch”, ăn một cái Tết tối giản âu cũng là sự chấp nhận để cố giữ lấy những thứ đẹp đẽ nhất của Tết còn sót lại. Cái Tết tối giản với nhà văn Trung Sỹ, tác giả của Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu, là: “Trong nhà có một cành đào thì mùa Xuân đã đến, bánh chưng xanh, đôi khi một giỏ thủy tiên, một bức tranh Tết nho nhỏ trên tường cũng đã nhắc nhở cho chúng ta một cái Tết của dân tộc. Hoa của mùa Xuân, tấm lòng nhớ đến ông bà tổ tiên trên bàn thờ… người Việt không quên được”.
Trong khi đó, là một cây bút trẻ, nhà văn Uông Triều lại cho rằng nên “khoan thư” với Tết, ý là hãy từ từ, ăn Tết bằng sự thoải mái, không còn căng thẳng, áp lực. Trong một bài viết của mình trên mạng xã hội, nhà văn viết: “Tết truyền thống chắc chắn là không bỏ được nhưng khoan thư với Tết, giảm nhẹ gánh nặng với Tết có được không?… Hãy giảm mời nhậu nhẹt, hóa vàng… cũng giảm mừng tuổi, tin nhắn chúc mừng… Tết làm sao vui vẻ cho mọi người”.
Nhà văn cũng nhấn mạnh quan điểm của mình rằng, sự thay đổi trong Tết là quy luật tự nhiên, là sự mâu thuẫn chúng ta phải dần chấp nhận do bối cảnh khác, kinh tế đã khác.
“Ta đang thiếu những biểu tượng cho Tết. Tôi nghĩ rằng, sớm hay muộn để phát triển văn hóa chúng ta cần phải tạo những biểu tượng mới của Tết. Để Tết có cái gì đó để chờ”.
Công bằng mà nói việc một số người “chán Tết”, “sợ Tết” cũng là một lẽ rất tự nhiên từ những điều phiền lụy mỗi khi Tết đến như lãng phí thời gian, tiền của, đủ những thói xấu, biến tướng trong ngày Tết trong việc biếu xén quà cáp, mừng tuổi… Thế nhưng cần nhìn nhận những giá trị thuộc về bản chất của Tết cổ truyền để có cách ứng xử phù hợp trong xã hội hiện đại.
Theo nhà báo - nhà thơ Lữ Mai thì: “Những giá trị có sự trở đi trở lại, nó có thể đứt gãy ở thế hệ này nhưng hoàn toàn có thể hồi sinh ở thế hệ khác, cái chính là câu chuyện của tinh thần có được thể hiện đúng hay không và có được lan tỏa hay không. Rất cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố từ gia đình, nhà trường và cả những mối quan hệ khác thì mới có thể làm nên những giá trị cho Tết”.
“Tết cổ truyền xứng đáng… là một di sản văn hóa”
Xem xét Tết dưới góc độ một sự kiện của văn hóa thì Tết là tập hợp của những giá trị tinh thần bền vững của người Việt. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, cũng là chủ biên của cuốn Tết đoàn viên, cho rằng: “Những sự kiện văn hóa được sinh ra từ đời sống tinh thần của con người và những sự kiện văn hóa ấy quay lại làm nên đời sống tinh thần của con người. Tết chỉ diễn ra trong mấy ngày nhưng lại chứa đựng những giá trị tinh thần bền vững của văn hóa Việt. Tết không phải đơn giản là sự kết thúc một vòng thời gian tính theo năm mà như là một tiếng lay gọi làm cho con người thức tỉnh bao điều”.
Những giá trị của Tết khởi nguyên ít nhất cũng đã trải qua 2.000 năm, khi người Việt Nam xưa tiếp xúc với Âm lịch. Giống như những hình thái văn hóa khác, Tết được thực hành trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam với một hệ thống phong tục, tập tục được lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cho đến nay, nhìn nhận Tết ở chiều văn hóa, đã có một sự tích lũy dày dặn về cả lối ứng xử, cách sống, giá trị tinh thần của cộng đồng người Việt Nam. Hay nói cách khác, có thể coi Tết cổ truyền như một di sản văn hóa cần được thừa nhận.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ trong bài viết Tết Nguyên đán - Một di sản văn hóa dưới góc nhìn lễ hội in trong cuốn Tết đoàn viên chỉ ra rằng: “Cách đây dăm năm, Hàn Quốc đưa Tết Trung thu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của họ để UNESCO ghi danh. Tất nhiên là là vấp phải sự phản đối của nước khác. Với Tết cổ truyền của chúng ta cũng như nhiều nước phương Đông, hà cớ gì không xứng đáng là một di sản văn hóa, đóng góp cho thế giới một bản sắc văn hóa cần được thức nhận, thừa nhận”.
Nếu khi nhìn nhận Tết cổ truyền như một di sản văn hóa thì ắt rằng câu chuyện bảo tồn, phát triển và quảng bá là không thể bỏ qua.
(Còn nữa)
Hiền Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất