Thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: 'Khỏe dần dần, cứ yếu mãi cũng nguy'

12/12/2020 07:57 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Cách đây chừng chưa đầy năm, vào dịp cận kề Tết Âm lịch, tôi gọi điện hỏi thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Anh có khỏe không ạ?”. Ông cười hờ hờ trong máy, bảo: “Yếu dần dần ông ạ”. Tôi chưa kịp đáp lời, ông giải thích luôn: “Đúng thế, yếu dần dần là hợp quy luật; chứ ông tính cứ khỏe mãi là nguy chứ. Ông thấy không, lúc đó sẽ rắc rối to chứ lại…”. Nói xong ông cười rất vui.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Từ 'Tuổi 20 yêu dấu' đến tuổi 20 thời 4.0

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Từ 'Tuổi 20 yêu dấu' đến tuổi 20 thời 4.0

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sau một thời gian “ở ẩn để tu thân” đã xuất hiện trở lại trong buổi tọa đàm “Chúng ta nói gì khi nói về tuổi 20 yêu dấu” và ra mắt tiểu thuyết đầu tay "Tuổi 20 yêu dấu" của ông tại Hà Nội tối 4/10 vừa qua.

1. Sau khi dừng máy, tôi cứ bị ám ảnh bởi câu nói này. Tôi ngồi thần ra thử hình dung, không phải về ai đó, mà là chính bản thân mình, nếu mà khỏe mãi thì sẽ như thế nào nhỉ? Trong khi đó xung quanh vợ con mình, bạn bè mình... cả người yêu xưa của mình nữa, cứ thế nhất loạt già đi từng ngày, từng ngày, đến lúc rất già, trong khi đó mình cứ khỏe mãi… thì thật rõ dơ! Khỏe lúc ấy thì… để làm gì? Sự khủng hoảng thừa của sức khỏe khi đó sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng không có chỗ sử dụng, thế rồi đem sức khỏe đi sử dụng bừa, sử dụng liều…Thế thì rõ ra là bi kịch chứ còn gì nữa.

Nghĩ chán, cuối cùng tôi cũng đi đến quyết định biểu đồng tình: Yếu dần dần là tốt nhất, chứ khỏe mãi thì thật lố bịch.

Nhưng cũng lại nghĩ thêm: Yếu dần dần là rất quan trọng. Chứ giả dụ đang khỏe bỗng yếu ngay lập tức, ngã ra thập tử nhất sinh ngay lập tức thì cũng lại đáng lo. Lúc ấy sinh ra bệnh tật, chữa chạy, thuốc thang, bệnh viện, và có thể… hai năm mươi trong cái lúc tuổi đang còn trẻ, khi lòng khát sống đang còn mãnh liệt.

Vậy thì, đời người ta cứ yếu dần dần, cho đến một ngày nào đó ra đi một cách lặng lẽ, sạch sẽ, thanh thản là sướng nhất. Dân gian hiện đại chả đã từng nói: “Sống khỏe, chết nhanh, không của để dành, nhiều người thương nhớ” là người hạnh phúc nhất đó sao!

Chú thích ảnh
PGS - TS Ngô Văn Giá, tác giả bài viết (bìa trái), thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại nhà riêng hồi Tết Âm lịch 2020

2. Hôm rồi, tôi đi công tác xa Hà Nội. Biết tin chị Trang, vợ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mất, tôi không kịpvề đưa tiễn. Nay tôi mới sang nhà, vừa là để thắp nén hương cho chị, vừa thăm anh xem sức khỏe thế nào…

Một bàn thờ đang nghi ngút khói hương đặt ở nhà chính. Ngôi nhà dưới, vợ chồng con trai anh ở. Nay các cháu chuyển anh xuống đây nằm cho yên tĩnh, cũng là muốn xa cái bàn thờ chị để cho đỡ đau buồn.

Qua lời kể của cậucon trai anh, tôi mới biết, chị Trang không có bệnh gì đặc biệt. Trước khi anh Thiệp tai biến (tháng 3/2020), chị còn bình thường, vẫn chợ búa, cơm nước, nấu nướng, chăm sóc cả nhà. Từ ngày anh Thiệp đổ bệnh, sức khỏe của chị suy giảm theo. Có lẽ do chị nghĩ ngợi, lo lắng nhiều. Nhất là khoảng 1 tháng gần đây, khi thấy sức khỏe chồng ngày càng nặng, chị cũng trở nên suy sụp.

Đến mấy ngày cuối, thấy thần sắc của mẹ không tốt, các con đưa đi bệnh viện khám, xác định thiếu máu, thiếu sắt, rồi cho mua thuốc về uống. Vào buổi trưa, khi các con đánh thức để dùng bữa, chị đã đi rồi. Một cuộc ra đi nhẹ nhàng, lặng lẽ, như thể không muốn làm khổ lụy tới ai…

Anh con trai thứ của nhà văn kể: “Hôm đưa tiễn mẹ cháu, bố cháu hầu như mê man, không biết gì. Hôm sau, bố cháu tỉnh hơn. Lúc bấy giờ chúng cháu mới thông báo cho bố cháu. Và bố cháu đã hiểu, đã chấp nhận sự thật này”.

Thì ra, chị Trang, phu nhân nhà văn đã chọn một cách thế tồn tại: Yếu dần dần, rồi lặng lẽ nhẹ nhàng rời cõi thế.

Chú thích ảnh
Cùng bạn bè văn chương (từ trái qua): Nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhạc sĩ Phạm Duy, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ dân gian Bảo Sinh. Ảnh: Tư liệu

Sinh thời, chị là người lịch thiệp, tinh tế, khéo tay. Không ít lần, chúng tôi đến chơi, chị chạy ra đầu ngõ mua khi thì mấy cái bánh giò, bánh dợm; khi mấy phiên đậu mơ đem rán lên, tẩm hành, cùng đĩa lạc luộc để mấy anh em tôi nhâm nhi chén rượu… Chị ít nói, không mấy khi tham gia vào câu chuyện của chồng lúc tiếp bạn. Nếu được hỏi, chị cũng chỉ nói vắn tắt gọi là cho có thôi…

Vẫn lời cậu con trai: “Mẹ cháu không có nỗi buồn gì cụ thể, mà có lẽ buồn về kiếp người nói chung thôi. Nên mẹ cháu gần như buông xuôi, không còn động lực để vực sức lên được nữa…”.

3. Trước, cứ đều đặn hàng ngày, các con chở bố Nguyễn Huy Thiệp đi chữa ở nhà thầy thuốc. Cách đây 2 tháng, gia đình đã đón được một thầy đông y trẻ đến tận nhà ăn ở cùng để chăm sóc nhà văn. Thầy thuốc trông rất hiền lành, chịu khó, nàogiục bệnh nhân dậy khi có khách đến thăm, luôn hỏi chuyện nhà văn như là cách kích hoạt tâm trí, hỏi xem thức hay ngủ, có nhớ tên ai đó không, rồi cho chạy máy trị liệu, theo dõi huyết áp, cho uống nước, uống sữa, đút cháo, ăn thêm trái cây…

Lúc chúng tôi đến thăm, nhà văn đang thiêm thiếp. Thầy đông y bảo bác ấy cũng đã ngủ đủ rồi, để cháu đánh thức dậy. Lúc sau, nhà văn từ từ mở mắt. Tôi chào to, hỏi có nhận ra em không, em đây. Anh gật gật, cố gắng cất lời: “Có!”.

Chúng tôi hỏi han, nói chuyện vui. Ánh mắt anh nhìn thẳng vào mắt tôi, thỉnh thoảng gật đầu ý chừng đã hiểu.

Chú thích ảnh
Tác giả “Tướng về hưu” với bữa cơm ngày thường: Canh cua, bầu luộc, đậu rán, và một quả trứng luộc. Có khách, ông lấy rượu của con ra để tiếp đãi. Ảnh chụp năm 2013 tại nhà riêng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Tôi bảo: “Trong một hồi ký gần đây của một nhà văn nổi tiếng, khi nhắc lại báo Văn nghệ quãng năm 1987-1988, ông ấy ca ngợi anh nhiều lắm”. Tôi lại bảo: “Anh mau khỏe lên, để rồi sắp tới còn đi lĩnh Giải thưởng Nhà nước. Chúng em sẽ tháp tùng”. Nghe thế, mắt anh có vẻ lấp lánh cười. Tôi thầm nghĩ, cái giải thưởng này lẽ ra anh đã có từ lâu rồi mới phải. Nhưng cuộc sống đâu chờ những tình thế “lẽ ra”…

Cách đây chừng vài ba tháng, khi tôi đến thăm anh, lúc này anh còn tương đối tỉnh táo, rất ham nói, nói nhiều. Anh khuyên tôi nhiều thứ lắm. Anh bảo: “Cậu cố mà giữ cái trường Viết văn. Nghề viết văn không dạy được đâu, nhưng tạo cho chúng một môi trường, cho chúng cảm nhận được cái đạo - đạo của người viết. Viết văn cũng phải học. Làm anh nhà văn cũng phải có tiền. Không có tiền bọn nó khinh cho. Mà trước khi làm thằng nhà văn, anh phải biết kiếm tiền nuôi vợ con anh đã chứ. Nếu không, anh có tội, anh vô đạo…”.

Anh lại bảo: “Tôi có một tay bạn giàu lắm, tay ấy có khu đất rộng mênh mông trên Sơn Tây, lại có mỗi thằng con trai nó sống bên Tây, không thèm về, bây giờ tay ấy sống một mình, rất muốn rủ tôicùng sử dụng khu đất ấy. Tôi nghĩ, cậu với lại thằng con họa sĩ nhà tôi lên trên ấy, mở ra một cái trường thực hành nghệ thuật, cả viết cả vẽ, có thể thành một cái gì đó đáng kể…”.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói nhiều điều, với một cái giọng thật tâm huyết. Riêng tôi, không biết câu chuyện thực hư đến đâu, nhưng trong lòng thật cảm động. Thì ra, trong thẳm sâu nhà văn vẫn đau đáu một khát vọng gây dựng nền nghệ thuật hay ho, lương thiện và tử tế ở xứ này.

***

Khi tôi cầm tay anh chào ra về, anh bắt tay khá chặt. Một cái bắt tay ấm nóng.

Tiễn chúng tôi ra cổng, anh con trai bảo: “Bố cháu ngày nào cũng có người đến thăm. Hôm qua cũng có người đến mang quà từ bên Paris về cho bố cháu...”. Thấy chúng tôi im lặng, anh nói to như an ủi chúng tôi, một việc mà lẽ ra chúng tôi phải làm đối với anh mới phải: “Bố cháu vẫn còn khát sống lắm!”…Ừ, người bệnh có khát sống mới có thể hồi phục được.

Xin mượn cách nói của anh, mong anh: “Khỏe dần dần. Cứ yếu mãi cũng nguy chứ!”.

PTS - TS Văn Giá

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm