Thanh Hóa: Ưu tiên đầu tư nhiều dự án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, danh thắng quốc gia

22/09/2019 10:51 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070. Trong đó có nhiều chương trình, dự án được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2019 - 2030, tập trung chủ yếu vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích và danh thắng gắn với phát triển du lịch.

Đã nắm vững thông số kỹ thuật quan trọng về Thành Nhà Hồ sau khi tu sửa

Đã nắm vững thông số kỹ thuật quan trọng về Thành Nhà Hồ sau khi tu sửa

Cổng Nam Thành Nhà Hồ xứng đáng đại diện quan trọng của quần thể di tích, nơi tập trung khách tham quan và là địa điểm thích hợp cho việc tổ chức các sự kiện văn hóa.

Cụ thể, định hướng không gian vùng được chia làm 2 tiểu vùng: Tiểu vùng I gồm 9 xã và thị trấn (phía Tây sông Bưởi); tiểu vùng II gồm 7 xã (phía Đông sông Bưởi). Trong đó tiểu vùng I sẽ tập trung phát triển các chức năng của thị trấn huyện lỵ và bảo tồn phát huy Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ và phát triển công nghệ cao và tạo ra các sản phẩm gắn với phát triển du lịch.

Chú thích ảnh
Thành Nhà Hồ. Nguồn: culturemagazin.com

Vùng cấm phát triển là khu vực các di tích, bao gồm tất cả các di tích đã được, chưa được công nhận; các khu vực núi có di tích, danh thắng như: núi Đún, núi Kim Sơn, núi Xuân Đài....; các khu vực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên sông núi.

Các khu vực cần bảo tồn gồm: khu vực núi đất, núi đá như: núi Cồm, núi Cửa Chùa xã Vĩnh Hòa; núi Vầu, núi Rằng Xay, núi Lăng, núi Báo xã Vĩnh Hùng; núi Mông Cù xã Vĩnh Tân; núi Bền xã Vĩnh Minh; núi An Sơn xã Vĩnh An; núi Vần, núi Lan xã Vĩnh Phúc; núi Bảo Sơn, núi Kẹm, núi Bót, núi Nhây, núi U bò, núi Mùi Ngai xã Vĩnh Thịnh; núi Phiêu Sơn, núi Lơn xã Vĩnh Hưng nhằm phục vụ cho phát triển du lịch của huyện. Đến năm 2030, thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng của các hộ tại khu vực núi Đún, núi Kiện, núi Công thuộc xã Vĩnh Thành nhằm phục vụ phát triển du lịch và tạo không gian xanh.

Về không gian phát triển du lịch được định hình thành các cụm: Cụm du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử Thành Nhà Hồ; cụm du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử thời chúa Trịnh; cụm danh thắng núi Kim Sơn; cụm danh thắng núi Xuân Đài; các làng nghề truyền thống....

Đặc biệt tập trung phát huy thế mạnh của di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, gắn với làm tốt công tác quy hoạch, tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn, tạo tính kết nối tour, tuyến, tăng cường quảng bá, phát huy giá trị các di tích, phát triển các sản phẩm địa phương phục vụ du lịch, tạo sự phong phú, đa dạng, bản sắc riêng cho du lịch của huyện Vĩnh Lộc.

Đồng thời hình thành tuyến du lịch nội huyện: Thành Nhà Hồ - đền Tam Tổng - chùa Tường Vân; Thành Nhà Hồ - Điểm du lịch Homestay nhà ông Nguyễn Hải Hưng - Đàn Nam Giao - chùa Thông - động Hồ Công; Thành Nhà Hồ - đền Trần Khát Chân - Phủ Trịnh; Thành Nhà Hồ - Danh thắng Quốc gia động Kim Sơn; Phủ Trịnh - Khu tượng đá Đa Bút - chùa Hoa Long - đền Trần Khát Chân; Phủ Trịnh - Nghè Vẹt - Danh thắng Quốc gia núi Kim Sơn...

Một số dự án trọng điểm về phát triển du lịch được ưu tiên đầu tư gồm: Tập trung cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch đã được UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành tại Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 01/02/2016; Hoàn thành đầu tư xây dựng Khu Di tích Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc gắn với phát triển du lịch; Phê duyệt và quản lý, đầu tư Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh quốc gia núi Kim Sơn, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc gắn với phát triển du lịch; Triển khai Đề án phát triển du lịch dựa vào cộng đồng huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 3480/QĐ-UBND, ngày 12/9/2016.

Phạm Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm