18/08/2020 08:02 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Bảo tàng nghệ thuật Nicolas Ibrahim Sursock có niên đại từ năm 1912 vẫn trụ vững qua 15 năm nội chiến nhưng đã bị phá hủy sau vụ nổ kinh hoàng ở Beirut (Lebanon) vào hôm 4/8.
Và rộng hơn, đời sống nghệ thuật của thành phố này đang phải chật vật để tồn tại, trong khi các công trình lịch sử của Beirut có nguy cơ sụp đổ và bị san bằng.
Nỗi đau của bảo tàng Sursock
Thực tế, mặt tiền màu trắng của Bảo tàng Nicolas Ibrahim Sursock vẫn còn nhưng vụ nổ đã làm mất các ô cửa sổ màu xanh, vàng và đỏ.
Bà Elsa Hokayem, Phó Giám đốc bảo tàng, cho biết nội thất bên trong bảo tàng gần như bị phá hủy hoàn toàn. “Gỗ, đèn, cửa và 25 tác phẩm nghệ thuật đã bị hư hại. Bức chân dung của người sáng lập bảo tàng, Nicolas Sursock, do nghệ sĩ Hà Lan Kees van Dongen vẽ đã bị “xé nát từ góc này sang góc kia”.
Trước khi bị phá hủy, Bảo tàng Sursock trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật Lebanon có niên đại từ cuối những năm 1800, cũng như các tác phẩm nghệ thuật đương đại và hiện đại. Bảo tàng cũng được biết đến là nơi tổ chức các cuộc triển lãm tạm thời thường xuyên của cả các nghệ sĩ Lebanon và quốc tế.
Nhưng sau vụ nổ, nhiều tác phẩm từ bộ sưu tập vĩnh viễn của bảo tàng đã bị hư hại. Theo Zeina Arida - Giám đốc Bảo tàng Sursock - các cửa sổ kính màu trang trí ở mặt tiền đã cứu được nhiều tác phẩm khác khỏi bị phá hủy.
“Có lẽ sẽ phải mất 1 năm nữa chúng tôi mới có thể mở cửa trở lại” - Hokayem nói với DW - “Bảo tàng Sursock thường được sử dụng làm bối cảnh chụp ảnh phổ biến của công chúng. Thật may là khi thảm họa xảy ra, bảo tàng đã đóng cửa và các nhân viên đã rời khỏi tòa nhà. Nhân viên bảo vệ đã kết thúc chuyến kiểm tra vào buổi tối hôm đó và cũng đã về nhà”.
Ziad Olleik lại không may mắn được như vậy. Người quản lý của Plan Bey - tổ chức chuyên hỗ trợ các nghệ sĩ Lebanon bằng việc bán tranh, ảnh và bản vẽ của họ với giá cả phải chăng - đã nói chuyện với một người bạn và một khách hàng trong cửa hàng khi hợp chất hóa học ammonium nitrate phát nổ ở cảng Beirut vào lúc 6h08 chiều.
“Chúng tôi cảm nhận được áp suất rất lạ thường và tôi bảo họ xuống sàn” - Olleik kể. “Sau đó, toàn bộ cửa sổ của cửa hàng đổ xuống chúng tôi”. Những mảnh vỡ cứa sâu vào tay anh.
Olleik hiện đang sống cùng gia đình ở ngoại ô Beirut, cho biết những hình ảnh của vụ nổ vẫn hằn sâu trong tâm trí anh, ngay cả khi không xem lại những thước phim đầy bi kịch trên truyền hình.
Tuy nhiên, bảo tàng chỉ là một phần của những thiết chế văn hóa và nghệ thuật từng rất sôi động của Beirut trước khi xảy ra vụ nổ. Trong số đó, các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Gemmayzeh và Mar Mikhael.
Các khu phố Gemmayzeh và Mar Mikhael là nơi có nhiều quán cà phê, nhà hàng, phòng trưng bày và địa điểm tổ chức các buổi hòa nhạc và thơ ca, cũng như các studio thiết kế đồ nội thất, trang sức và quần áo. Nhiều người lo lắng khung cảnh sôi động vốn có của thành phố sẽ không thể phục hồi sau thảm họa này.
Vụ nổ phá hủy mọi thứ trong những khu phố "có rất nhiều phòng trưng bày nghệ thuật, trung tâm văn hóa, phòng tập yoga, nhiều nơi tuyệt đẹp nơi bạn có thể uống cà phê và đọc sách. Giờ tất cả đã biến mất. Khi tôi trở lại Beirut và đi bộ xuống Rue Gouraud, chắc chắn tôi sẽ khóc” - Olleik xúc động chia sẻ.
Nguy cơ “phân lô bán nền”
Thực tế, đời sống nghệ thuật của Beirut đã gặp khó khăn từ lâu. Ngay cả trước khi thảm họa xảy ra, nhiều người đã lo lắng về việc họ sẽ kiếm sống bằng cách nào do cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước. Đó là câu chuyện diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát ngày càng cao, doanh nghiệp nhỏ hoạt động về văn hóa khó tồn tại khi nguyên vật liệu ngày càng đắt đỏ.
“Giấy thì phải nhập khẩu và rất đắt vì chúng tôi phải trả bằng USD. Đó là lý do tại sao chúng tôi không thể in hoặc sản xuất bất cứ thứ gì mới” - Salim Naffah (28 tuổi) cũng là quản lý của Plan Bey, giải thích.
Với thiệt hại do vụ nổ gây ra ước tính lên tới 5 tỷ USD, người ta còn lo ngại về việc làm thế nào để bảo vệ các di sản kiến trúc của thành phố. Các khu vực gần vụ nổ nhất có một số kiến trúc thời Ottoman (đế chế Thổ Nhĩ Kỳ đã tồn tại từ năm 1299 đến năm 1923).
Cụ thể, Cung điện Sursock, dinh thự tư nhân gần Bảo tàng Sursock, được xây dựng vào năm 1860, đã được trùng tu một cách cẩn thận hơn 20 năm sau khi cuộc nội chiến kết thúc. Tuy nhiên, nội thất của ngôi biệt thự 3 tầng đã bị vụ nổ xé toạc. Trần nhà bằng gỗ sơn từ thời Ottoman được trang trí công phu đã bị sụp đổ, nhiều đồ đạc cổ bị đập vỡ và chôn vùi dưới gỗ, đống đổ nát và thủy tinh.
Gregory Buchakjian - nhà sử học nghệ thuật kiêm nghệ sĩ đã dành 10 năm để ghi lại các tòa nhà bị bỏ hoang của Beirut - tin rằng còn quá sớm để dự đoán vụ nổ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền văn hóa của Beirut trong thời gian dài. "Mọi người vẫn chỉ đang dọn dẹp đống đổ nát, đánh giá thiệt hại" - ông nói.
Thực tế, nhiều nhà văn hóa lo sợ các công trình văn hóa sẽ bị san bằng và sau đó “phân lô bán nền” cho các nhà đầu tư. Từ đó, họ lo lắng khung cảnh sôi động vốn có của thành phố sẽ không thể phục hồi và sự quyến rũ của các khu vực có thể bị mất đi khi tái thiết.
Trong bối cảnh hiện tại, nhiều cư dân và chủ cửa hàng đã treo những tấm biển ghi “Chúng tôi đang ở” bằng chữ đỏ tươi để chứng tỏ khu phố họ yêu thích không phải để bán.
UNESCO cam kết bảo vệ di sản ở Lebanon sau vụ nổ Theo UNESCO, rất nhiều các tòa nhà bị ảnh hưởng do vụ nổ tập trung ở các quận Gemmayzeh và Mar Mikhael của Beirut. Tổ chức văn hóa của Liên hiệp quốc còn cho biết thêm, khoảng 640 tòa nhà lịch sử đã có tổn hại, trong đó 60 tòa nhà có nguy cơ sụp đổ. “Cộng đồng quốc tế đã gửi tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ tới Lebanon sau thảm kịch này” – theo Ernesto Ottone, trợ lý văn hóa của Tổng Giám đốc UNESCO - “UNESCO cam kết sẽ đi đầu trong các nỗ lực tái thiết và phục hồi văn hóa tại đây”. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất