Thư gửi robot Citizen: Lì xì cho mẹ

07/01/2022 06:54 GMT+7

(lienminhbng.org) - Sophia thân mến!

Khởi nghiệp từ... lì xì

Khởi nghiệp từ... lì xì

Tiền mừng tuổi hay lì xì là món quà đầu năm mới, nhằm "chúc phúc" (sức khỏe, may mắn) cho mọi người, nhất là cho trẻ em và người già. Ở một số nơi, lì xì tiền đầu năm còn có ý nghĩa là tiền "mở hàng" hay "phát vốn" nhằm cầu chúc cho một năm buôn bán, làm ăn thuận lợi; đồng tiền may mắn ấy tiếp tục sinh sôi, nảy nở.

Hơn 20 năm trước, vào cái Tết năm 2000, vừa ra trường đi làm được mấy tháng, tôi mua cho mẹ một cái đầu đĩa. Biết mẹ mê cải lương nên sắm luôn một mớ đĩa các vở mùi mẫn, cùng nhạc Xuân. Số tiền lương còm cõi tôi cũng trích ra một ít lì xì cha mẹ.

Khoảnh khắc mẹ rơm rớm nước mắt, cầm trên tay những đồng tiền đầu tiên của đứa con trai, đến nay vẫn còn thổn thức trong tôi. Và những cảm xúc đó ùa về khi tôi nghe MV ca nhạc Mang tiền về cho mẹ của rapper Đen Vâu, với sự góp giọng của Nguyên Thảo, đang gây bão trên mạng xã hội.

Trong chúng ta, ai không từng phải đối diện với hình ảnh mẹ hiền lần giở “ruột tượng”, lọ mọ đếm những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi để tiễn con lên đường “nuôi chí lớn”.

Chú thích ảnh
Bài rap “Mang tiền về cho mẹ” chiếm được cảm tình của khán giả trẻ nhờ vào phần lời ý nghĩa về tình mẫu tử. Ảnh: chụp màn hình Youtube

Tôi nhớ thời học đại học ở Huế, thi thoảng nhận được thư của mẹ, trong đó gửi kèm theo tờ tiền 50 nghìn đồng. Những lúc đó, nỗi nhớ mẹ lại dâng lên, chẳng khác lúc nhỏ được mẹ lì xì tiền. Đấy là “quán tính” của mẹ dù biết gửi tiền cách đó có lúc không đến được tay con.

Mặc dù trong bối cảnh dịch giã khó khăn, bao đứa con trở về quê vui Xuân cùng cha mẹ, có phải ai cũng thành đạt để có thể “mang tiền về cho mẹ” đâu? Thậm chí, biết đâu mẹ phải cho lại tiền, để con tiếp tục bước vào cuộc mưu sinh đầy nghiệt ngã. Những đứa con đó có thể là tân sinh viên một trường đại học. Kém may mắn hơn, không đỗ đạt, thậm chí bỏ học để đi làm thuê làm mướn.

Nhưng, tình mẹ thì vẫn là mẫu số chung, vì thế mong ước bù đắp cho công lao của cha mẹ với những đồng tiền mồ hôi nước mắt do mình làm ra bằng chính sức lao động của mình vẫn luôn là khát khao cháy bỏng. Đúng như Đen Vâu bày tỏ, Mang tiền về cho mẹ như một lời nhắn nhủ tới gia đình hãy yên tâm về "những đứa trẻ đi xa nhà, có việc làm, có đóng góp".

Sophia thân mến!

Ai cũng hiểu rằng khi con cái ra đi, đã để lại cho mẹ nỗi nhớ mênh mông cùng sự âu lo phải đong bằng ngày tháng. Tin chắc cha mẹ nào cũng chỉ mong con cái thành người, trước khi mang tiền về giúp cha mẹ. Và, kiếm tiền bằng sức lao động chân chính, “tiền con không phải rửa”, như ca từ trong MV. Mẹ muôn đời vẫn thế, con cái cho tiền thì thường cất kỹ, không dám tiêu pha. Mẹ cũng thường dùng tiền đứa con (thành đạt) để chia sớt cho con kém may mắn hơn trong gia đình.

Cuộc sống hiện đại hối hả đã khiến những làng quê vắng dần thanh niên trưởng thành. 18 tuổi, trai gái đã phải ra đi, mang theo cả những “nhu mì, mộng mơ”. Để dung thân được ở chốn thị thành, nhưng để thành đạt là chuyện không đơn giản. Ngay cả những đứa trẻ thành phố giờ cũng gặp thách thức khi sự cạnh tranh lao động trí tuệ là rất lớn.

Mang tiền về cho mẹ đã làm xao xuyến có lẽ không chỉ giới trẻ, bởi ai mà không từng có tuổi đôi mươi, với những ngày đầu khởi nghiệp đầy chông gai. Nhiều người trong chúng ta khi thành công rồi, có tiền rồi, thì cha mẹ đã không còn nữa để cười móm mém khi được con lì xì tiền.

Dịch bệnh đã khiến bao người con trở về quê với cha mẹ, nhưng rồi đa số đều phải ra đi. Bởi quê hương dù đẹp nhưng nhiều nơi vẫn chưa được đánh thức để có thể sống khỏe được. Vì thế mỗi dịp cuối năm, người ta lại phải nhớ đến thông điệp “Mang tiền về cho mẹ”.

Cảm ơn Đen Vâu đã có một sản phẩm ca nhạc để đời, nói hộ cho nỗi lòng biết bao người.

Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm