Tiến sĩ Hậu ‘khảo cổ’ góp thêm viên gạch nhỏ xây dựng Sài Gòn

09/07/2017 20:58 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - "Đi một ngày đàng học một sàng khôn", người Sài Gòn/ Nam bộ từ nhiều quê hương bản quán đã liên tục "đi" ba trăm năm có lẻ, tầm mắt được mở rộng, tinh thần tự do, phóng khoáng hơn. Hình như khi tự do thì con người trở nên khoan dung và nhân hậu hơn’ – tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu.

Chiều 9/7 tại Đường sách TP.HCM, tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu hay còn có tên thân mật là Hậu "khảo cổ" đã có buổi giao lưu ra mắt sách Nghĩ ngợi đường xa do NXB Văn hóa Văn nghệ vừa ấn hành. Cuốn tản văn này chi làm hai phần: Mưa nắng Sài Gòn Khóc một dòng sông được viết trên cảm hứng và tinh thần… khảo cổ trong tương quan so sánh xưa và nay.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

Hậu "khảo cổ" tự nhận do đặc thù nghề nghiệp nên chị thuận tay với thể loại tùy bút, vừa thể hiện được cảm xúc vừa đưa ra góc nhìn chi tiết của một nhà khoa học. Trong các cuốn sách Hậu "khảo cổ" đã ấn hành, phần nhiều thuộc thể loại này, như: Đi và tìm trong đất (2008), Quay qua quay lại (2010), Buổi trưa trong quán cà phê (2012), Thế giới mạng và Tôi (2014), Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau (2016)…

Nhà văn Nguyễn Đông Thức tham gia giao lưu với Hậu "khảo cổ" cho rằng: “Từ những bài viết đầu tay mà tôi đọc được, tôi nhận thấy tùy bút là thế mạnh của Nguyễn Thị Hậu. Bởi muốn viết truyện thì phải có khả năng hư cấu, nói vui là bịa chuyện. Còn Hậu hiền lành, nếu không muốn nói là chân chất như những người phụ nữ Nam bộ, nên tùy bút cho chị diễn đạt được cảm xúc nhiều hơn”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Đông Thức và Hậu "khảo cổ" tại buổi giao lưu

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu sinh tại Hà Nội, năm 1975 tròn 17 tuổi chị theo gia đình về Sài Gòn sinh sống đến nay. Nói là về Sài Gòn, vì cha chị là soạn giả, nhà nghiên cứu cải lương Nguyễn Ngọc Bạch tập kết ra Hà Nội rồi sinh chị ở đây. Với 17 năm ở Hà Nội, Thủ đô luôn có những kỷ niệm khiến chị muốn trở về. Tuy nhiên, Sài Gòn mới là vùng đất mà Nguyễn Thị Hậu không thể rời bỏ.

Chú thích ảnh
Nghĩ ngợi đường xa, tác phẩm mới xuất bản của Hậu 'khảo cổ'

“Số phận đã dịch chuyển tôi từ Hà Nội vô Sài Gòn, ở đây tôi học về lịch sử và theo đuổi nghề khảo cổ hơn 30 năm nay tuy có lúc phải tạm xa nó để làm một công việc khác. Tôi yêu công việc khảo cổ và lịch sử dù làm việc gì và ở cương vị nào. Nhờ kiến thức có được từ nghề nghiệp tôi hiểu thêm nhiều về vùng đất Sài Gòn nơi tôi đang sống. Hiểu tận nguồn gốc chứ không phải là Biết những biểu hiện bên ngoài” – Hậu "khảo cổ" bộc bạch.

Chú thích ảnh
Độc giả xin chữ ký của tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM, nhấn mạnh: “Không ít lần tôi tự hỏi, nếu được bắt đầu một lần nữa tuổi trẻ, nghề nghiệp, các cơ hội thay đổi cuộc sống… tôi có chọn Sài Gòn không? Và câu trả lời là có! Bởi vì tôi hiểu rằng, Sài Gòn là nơi chốn của tôi, chỉ ở nơi đây tôi mới thật là tôi. Sài Gòn đã dành cho tôi một số phận. Vậy thì có cần chăng một nơi khác để bắt đầu một cuộc đời khác”.

TS Nguyễn Thị Hậu: Nhìn lại vốn cổ để biết rõ hơn về hiện tại

TS Nguyễn Thị Hậu: Nhìn lại vốn cổ để biết rõ hơn về hiện tại

Trên bình diện sáng tác, đến nay nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu dư sức để làm một nhà văn, cả về chất lượng lẫn số lượng (6 sách sáng tác).

Hậu "khảo cổ” xem cuốn sách Nghĩ ngợi đường xa như một viên gạch nhỏ góp phần xây dựng Sài Gòn trên con đường dài mà các bậc tiền nhân đã xây dựng bằng những viên gạch không lồ. Nguyễn Thị Hậu ví von, nếu chúng ta xây dựng và giữ gìn Đường sách của thành phố thật đẹp, thì mai này con cháu của chúng ta có trách nhiệm bảo tồn các giá trị của Đường sách này, cũng như chúng ta đã bảo tồn những công trình giá trị mà tiền nhân để lại.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm