Toni Morrison tung ra tác phẩm mới rất đúng lúc

08/11/2008 07:47 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - A Mercy, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nhà văn đoạt giải Nobel Toni Morrison trong 5 năm qua sẽ được phát hành ở Mỹ vào ngày 11/11 tới. Việc phát hành A Mercy vào đúng thời điểm ông Barak Obama vừa trở thành vị tổng thống da mầu đầu tiên của nước Mỹ hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, bởi trong A Mercy nữ văn sĩ 77 tuổi này lại viết về chế độ nô lệ Mỹ sau khi bà giành giải Nobel Văn học vào năm 1987 với tiểu thuyết Beloved cùng chủ đề.

Tác phẩm A mercy của Morrison
Toni Morrison nói rằng cuốn tiểu thuyết có bối cảnh từ thế kỷ 17 này là một nỗ lực nhằm tách rời chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ra khỏi cảnh nô lệ “để nhìn xem nó đã được gây dựng, gieo trồng một cách đầy cân nhắc như thế nào để bảo vệ tầng lớp thống trị từ “tầng lớp lao động không được trả công” mà nền văn minh mới và sự thịnh vượng của họ dựa vào. Vì vậy khi nước Mỹ vừa diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống thì nhà văn Mỹ gốc Phi xuất chúng này đã đưa ra một nhãn quan riêng của mình về một nước Mỹ chưa bị thối nát – hay mới bắt đầu bị thối nát - bởi tư tưởng phân biệt chủng tộc.

Trong sự nghiệp trải dài 4 thập kỷ, tung ra 9 tiểu thuyết, thì thành tựu vĩ đại nhất của Morrison là sự kết nối giữa sự hiểu biết sâu sắc về tâm lý với cách phê phán đầy khí lực và độc đáo về lịch sử Mỹ. “Đối với tôi, các cuốn sách luôn đặt ra nhiều vấn đề. Chẳng hạn như sẽ như thế nào nếu như nạn phân biệt chủng tộc được xóa sạch? Hay sẽ như thế nào nếu như bạn có một thành phố hoàn hảo, mọi thứ mà mình muốn?...”, Morrison nói.

Trong cuốn tiểu thuyết đầu tay The Bluest Eye (1970), tác phẩm được bà viết vào các buổi sáng sớm bởi thời gian đó Morrison phải làm việc trọn ngày và một mình nuôi dạy 2 cậu con trai ở New York, nữ văn sĩ này mô tả cuộc sống nội tâm của những cô gái da mầu nghèo khổ lớn lên ở thành phố quê hương của bà là Lorain, bang Ohio. Cuốn Sula (1973) là câu chuyện kể về tình bạn nữ, một phần được truyền cảm hứng từ chính cuộc sống của nữ văn sĩ trong vai trò một người mẹ đơn độc và phức tạp hơn, là quan điểm nước đôi về “tình chị em”...

Nhưng với Beloved, tiểu thuyết đã đem lại cho bà giải Nobel Văn học và giải Pulitzer, Morrison xoáy vào sự chiếm hữu nô lệ. Được truyền cảm hứng bởi một bài báo được cắt ra trong quá trình biên tập cuốn hợp tuyển lịch sử Mỹ-Phi, The Black Book, tiểu thuyết này kết hợp một cách táo bạo giữa thuyết duy thực, người ủng hộ cái mới và những yếu tố siêu nhiên để kể câu chuyện về một người nộ lệ chạy trốn khi bị những người chủ cũ đuổi bắt, cô không từ bỏ con mình mà lại quyết định cắt họng con.

Còn A Mercy có bối cảnh trong những năm 1680, thời gian mà nước Mỹ mới chỉ bắt đầu tin tưởng chế độ nô lệ là một cỗ máy kinh tế, tiểu thuyết xoáy đến những hậu quả từ hành động tuyệt vọng của một người mẹ nô lệ, người đã trao đứa con gái bé bỏng của mình cho một người lạ để lấy tiền trả nợ cho ông chủ của mình.

Toni Morrison

Tên thật là Chloe Anthony Wofford, Toni Morrison sinh năm 1931. Toni là tên bà dùng từ thời sinh viên, còn Mirrison là họ của chồng cũ. Trong 40 năm sự nghiệp, bà đã viết về những trải nghiệm giới tính và sự hoán vị hợp lý trong gia đình. Cuộc hôn nhân đầu tiên của bà với Harold Morrison – kiến trúc sư người Jamaica, cha của 2 cậu con trai bà – chỉ kéo dài 6 năm. Cha bà là một thợ hàn, “nhưng khi chiến tranh nổ ra, cha mẹ tôi ngày càng ít việc, và những xung đột của họ chính là những cuộc xung đột mà người nghèo phải đối diện. Cha tôi không tin tưởng bát cứ người da trắng nào, không bao giờ cho họ vào nhà. Nhưng may mắn thay, mẹ tôi lại hoàn toàn khác, bà thường phán xét con người theo thời điểm”. Những xung đột như vậy đã được Morrison đưa vào các tiểu thuyết của mình, mà trong đó đào bới những phân chia rõ ràng về tôn giáo, chính trị, giai cấp và giới”.

Hiện nay, gia đình Morrison vẫn gọi bà là Chloe và bà thường nói rằng, bà lấy bút danh Toni Morrison chỉ là một sự ngẫu nhiên. Khi cha qua đời, vì quá buồn nên Morrison không muốn giữ họ Wofford. Trước đây, Morrison không bao giờ muốn viết về chế độ nô lệ vì cho rằng chủ đề đó quá lớn. "Đối với tôi, bước vào màn đời đó giống như lao vào Đại Tây Dương bằng một chiếc bè gỗ”. Nhưng sau khi tung ra cuốn Beloved, nữ văn sĩ da màu này nhận thấy rằng điều cốt yếu để viết về chủ đề nêu trên là xoáy vào từng nhân vật hơn là 300 năm lịch sử.

Điều đặc biệt là nhờ có hai cậu con trai mà bà đã trở thành một cây bút nổi tiếng. “Các con tôi khiến tôi thực sự biết tôi đang làm gì. Nhiều người nói rằng họ không có thời gian để viết khi có con nhỏ, nhưng đối với tôi là ngược lại. Tôi chẳng viết được bất cứ điều gì khi chưa có con. Các con mang lại cho tôi những áng văn đó”.
 
Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm