30/01/2018 20:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) – Sau khi phát sóng được 2 tập, rất nhiều khán giả bày tỏ sự xúc động bởi phim Tình khúc Bạch Dương khiến họ nhớ về thời quá khứ. Cùng với đó, không ít những ý kiến trái chiều quanh nội dung phim…
Tranh luận trang phục quá hiện đại, phát âm sai
Tình khúc Bạch Dương lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Tình khúc Lavanda do các nhà văn FBKN -nhóm cựu sinh viên khoa Nga trên facebook, kể về một chặng đường đời kéo dài gần 30 năm từ những năm 1980 đến năm 2010.
Bộ phim xoay quanh hai mối tình lãng mạn giữa cặp đôi Hùng và Quyên, Quang và Vân. Thời trẻ, họ đã cũng nhau trải qua những tháng ngày thanh xuân tươi đẹp và rực rỡ, tuy nhiên, những vất vả nơi xứ người, với sự bồng bột, ích kỷ và cái tôi quá cao đã dần đẩy họ ra xa nhau. Và rồi, những người yêu nhau đã lạc mất nhau từ lúc nào không hay. Chuyện được kéo dài đến 30 năm sau, khi các nhân vật gặp lại nhau sau nhiều biến cố, éo le.
Phim quy tụ dàn diễn viên hai miền Nam Bắc: Chi Bảo, Thanh Mai, Lê Vũ Long, Hoa Thúy, Nhã Phương, Minh Huyền, Huỳnh Anh, Bình An, Công Lý…
Ở hai tập đầu, Tình khúc Bạch Dương nhắc tới thời quá khứ với bối cảnh những năm cuối thập niên 80, xoay quanh câu chuyện của bốn bạn trẻ là Quyên (Minh Trang), Hùng (Huỳnh Anh), Vân (Hồng Loan) và Quang (Bình An) khi xa nhà học tại Liên bang Xô Viết.
Hùng là một du học sinh thông minh, giỏi buôn bán. Thành phố Hùng học ở xa Thủ đô nước Nga, cũng có Vân và Quang. Còn Quyên lại được bố xin cho học ở một thành phố khác, rất xa người yêu và cô bạn thân - Vân. Và Quyên đang tìm mọi cách xin bố được chuyển tới thành phố có Hùng và Vân…
Mới lên sóng, bộ phim đã nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả, tuy nhiên, có hai luồng ý kiến trái ngược nhau khi bình luận về các tình tiết trong phim.
Nước Nga đẹp say đắm trong trailer "Tình khúc Bạch Dương"
Một mặt, khán giả dành cho Tình khúc Bạch Dương những lời khen ngợi. Facebook Bich Thuy Pham nhận xét phim: “Hay. Nhớ nước Nga”. Khán giả Vũ Kim Thanh nhận định: “Phim rất hay. Nhớ lại thời bao cấp, hàng khan hiếm đi nước ngoài toàn phải kiếm đỗ gửi về bán”. Bạn Xu Ciu viết: “Chỉ mới 2 tập đầu đã thấy phim hay quá. Diễn viên đẹp dã man”.
Khán giả Đỗ Thu Lan đánh giá cao bộ phim: “Cảm ơn đoàn làm phim đưa chúng tôi trở lại với thời thanh niên sôi nổi. Cảnh đẹp, diễn xuất lắng đọng. Huỳnh Anh đã khắc họa được tính cách của Hùng ngay từ hai tập đầu”.
Khán giả Hoa Quynh Anh tâm sự: “Xem phim này giống như tôi vậy. Chồng học bên Nga năm nay là năm thứ 8. Và tôi cũng phải chờ đợi từ lúc yêu tới giờ là 8 năm. Và nhờ đó tôi cũng được sang Nga du lịch 2 lần để khám phá cảnh đẹp tại Mát-xcơ-va và Xanh Pê-téc-bua. Xem phim mà cứ ngỡ mình ở trong đó”.
Bên cạnh đó, nhiều khán giả cũng có những ý kiến trái chiều về bộ phim. Khán giả Tue Ngo viết: “Tập 2 bắt đầu hay rồi, tập 1 tập trung nhiều vào chuyện buôn bán của sinh viên. Chính ra nên khai thác cuộc sống sinh viên và xoay quanh chuyện học hành.
Tôi cũng là sinh viên du học ở Đông Âu cuối thế kỷ trước nhưng học như chong chóng. Có thể thời đó chưa có chuyện buôn bán như vậy nhưng không nên khai thác đề tài này nhiều vì đây là cuộc sống của sinh viên”. Một khán giả khác đồng tình: “Thời bọn mình học làm gì có chuyện buôn bán”.
Một số khán giả có ý kiến khác như: “Lời thoại hiện đại, vật dụng không giống thời điểm những năm thập niên 80”; “trang phục hiện đại quá”; “phát âm tiếng Nga tệ quá”...
Là một du học sinh Nga những năm 2005-2011, khán giả Hiền Thảo chia sẻ với PV Thể thao & Văn hóa (TTXVN): “Tôi không biết trước đó thế nào nhưng khung cảnh phim giống thời tôi học, đó là một thành phố rất yên bình cách Mát-xcơ-va 300 km. Phim khiến tôi nhớ lại những ngày tháng sống và học tập ở đây… nhớ mùa hè Nga đẹp lắm, sau 4-5 ngày đang từ xám xịt với tuyết tan, cây cối bỗng nhiên nảy mầm khắp nơi xanh mơn mởn, một tuần sau thì bồ công anh mọc và nở vàng rộ khắp nơi. Đến tháng 5, hoa tulip và các loài hoa nở rực rỡ... nói chung là rất nhớ”.
Chuyện buôn bán của sinh viên thì tôi nghĩ, sinh viên có người nọ người kia, có những người thuần học, nhiều người là dân buôn chuyên nghiệp. Có điều, tôi thấy trang phục thì quả là hiện đại quá, thành phố tôi sống là thành phố dệt mà ăn mặc còn không có nhiều vải đẹp như thế”.
Người của thời nay dựng phim thời xa xưa… quá khó
Trước những ý kiến tranh luận về phim Tình khúc Bạch Dương, MC Thảo Vân cũng bày tỏ những suy nghĩ riêng của mình. Chị thừa nhận, việc lồng tiếng là điều đáng tiếc - là điểm trừ nhất của phim, từ giọng diễn viên đến mấy chỗ thuyết minh đều không ăn, phát âm sai…
Tuy nhiên, MC Thảo Vân kể về sự chuẩn bị của ê kíp làm phim, từ năm 2011, Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài THVN (VFC) sang Ucraina đã tranh thủ đi tìm bối cảnh cho bộ phim về cuộc sống của người Việt ở Liên Xô. Ban đầu, ê kíp có kịch bản khác, nhưng sau kết nối được với tiểu thuyết Tình khúc Lavanda của FBKN, thấy nhiều chất liệu hay nên kịch bản cũ được viết lại.
Tình khúc Bạch Dương - Tập 1: Hùng lẻ loi trên con đường phủ đầy tuyết trắng
VFC cũng nhiều lần đi tiền trạm, tìm hiểu, gửi kịch bản hoặc gặp gỡ những người từng học ở Nga để tìm hiểu thêm, sưu tầm các đồ lưu niệm, đồ dùng… Họ đã xin ý kiến rất nhiều người để sửa sao cho đúng với giai đoạn đó…
MC Thảo Vân chia sẻ: “Về việc thực hiện phim, toàn những người của thời nay, cố gắng dựng bối cảnh, lời thoại, hành động... cho thời xa xưa ấy, lại còn ở nước ngoài nữa nên thật quá khó. Em nghĩ họ đã cố gắng vô cùng, cộng với ý kiến tư vấn của các chuyên gia và các anh chị lưu học sinh thời ấy, em nghĩ họ đã đổ nhiều công sức. Dàn diễn viên được tuyển rất kỹ lưỡng, em được biết càng về sau các bạn trẻ diễn càng hay, bắt đầu từ tập 2 đã khá hơn rất nhiều”.
“Em nghĩ, tinh thần cầu thị của đội ngũ làm phim là rất cao nhưng dù thế nào chắc cũng không thể thoả mãn hết tình yêu quá lớn của mọi người dành cho nước Nga. Nhưng thôi, đây là một bộ phim tâm lý xã hội, không phải phim lịch sử, việc có chỗ này kia không chính xác là việc có thể thông cảm được, tất nhiên là nếu đúng được thì tốt quá rồi. Em viết chia sẻ này chỉ mong muốn các anh chị hiểu thêm vài điều, ghi nhận cho những gì mọi người đã cố gắng” - MC Thảo Vân bày tỏ.
Ngay trong ngày họp báo ra mắt phim Tình khúc Bạch Dương, vấn đề thoại và phát âm tiếng Nga đã được quan tâm. Một số diễn viên trẻ thừa nhận, họ gặp khó khăn khi thoại vì không biết tiếng Nga.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng bày tỏ: “Để có thể gợi nhắc không khí nước Nga, đời sống nước Nga thì chúng tôi buộc phải có những đoạn thoại bằng tiếng Nga, màu sắc tiếng Nga buộc phải có trong phim. Tuy nhiên chúng tôi cũng gặp khó khăn, thoại tiếng Anh muốn phát âm chuẩn đã khó, huống chi là tiếng Nga. Chúng tôi chọn cách để thoại tiếng Nga nhưng dìm tiếng nhỏ xuống để phần thuyết minh nổi bật hơn, rất mong cách làm ấy được khán giả chia sẻ”.
Tiểu Phong. Ảnh: VFC
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất