Triển lãm ảnh 'Việt Nam những năm 80': Một 'Hà Nội trong mắt ai' của Michel

09/04/2016 10:40 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Triển lãm ảnh và buổi trò chuyện với tác giả, nhà báo Michel Blanchard là câu chuyện về một Hà Nội rất gần với bộ phim “Hà Nội trong mắt ai”: thanh sạch, dung dị và không thiếu những nụ cười thân thiện.

Năm 1982, khi đạo diễn Trần Văn Thủy thực hiện bộ phim tài liệu nổi tiếng ấy, một nhà báo Pháp cũng âm thầm rong ruổi trên chiếc xe đạp để chụp những bức hình về cảnh sinh hoạt của người dân Thủ đô, về một Hà Nội còn đang “khép kín” trong mắt người nước ngoài. Ông là Michel Blanchard.

“Phải lòng” những nụ cười Hà Nội

24 năm sau, một triển lãm gồm 50 bức ảnh đã ra mắt tại sảnh rộng của Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Phần lớn, đó là ảnh mô tả cảnh sinh hoạt của người Hà Nội và một vài địa điểm khác của Việt Nam.

Dễ thấy, những nhân vật trong khuôn hình của Michel Blanchard đều hiện lên vẻ lạc quan, vui vẻ. Từ người lính, tới bà cụ, những đứa trẻ ven đường, tất cả đều rạng ngời trong nụ cười tươi tắn, đặt trong khung cảnh Hà Nội chậm chậm, êm đềm – cho dù vẫn còn nhiều ngổn ngang thời hậu chiến.


Ông Michel Blanchard trao đổi tại tọa đàm

Michel chia sẻ: “Tôi đến Hà Nội năm 23 tuổi. Lúc đó, hãng AFP của tôi là hãng tin duy nhất ngoài khối XHCN có văn phòng tại Hà Nội. Và lúc đó, Hà Nội vẫn là điều bí ẩn với thế giới. Tôi đã rất hồi hộp trong những lần đầu khi cầm máy chụp ảnh phố phường Hà Nội”.

“Nhưng, người Thủ đô luôn đáp lại một “ông Tây” lạ lẫm chĩa máy về phía họ bằng nụ cười thân thiện. Đó là những nụ cười rất đặc trưng mà tôi không bắt gặp ở bất cứ đâu trên thế giới. Những ánh mắt cười, những gương mặt cười, những nụ cười của người Hà Nội là hành trang tôi mang theo trong suốt phần đời còn lại, ở những cương vị khác nhau” - Michel nói thêm.


Hà Nội 1983 - tàu điện cổ trên phố Đinh Tiên Hoàng

Cũng theo Michel, trong thời gian đầu ông tác nghiệp ở Hà Nội, nhiều đồng nghiệp phương Tây đã hồ nghi mức độ trung thực trong những bức ảnh và tin bài của ông. Họ không nghĩ Hà Nội lại duyên dáng, dễ gần, dễ mến đến vậy.

Mọi chuyện thay đổi khi Michel gửi thông tin về nhiều hơn. “Sau đó, rất nhiều hãng tin đã mua sản phẩm của AFP do tôi sản xuất. Vì cả thế giới tò mò về Hà Nội, về Việt Nam nên hình ảnh Hà Nội mau chóng lan tỏa trên khắp các trang báo lớn toàn thế giới”- Michel nói.


Bức ảnh ghi lại nụ cười, thứ mà tác giả cho là "đặc sản" của Hà Nội những năm 80

Chụp Hà Nội những năm 1980: quá dễ!

Michel tự nhận mình không phải nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ông là một nhà báo, và công việc của ông là ghi lại thật nhiều tư liệu nơi ông sống. Ông cho rằng, chụp Hà Nội đầu những năm 1980 “quá dễ”.

“Công viên, sông hồ, con người, nhà cửa… tất cả quyện hòa tạo một cảnh sắc tuyệt đẹp.  Tôi thấy chỉ cần bấm máy, ở bất cứ thời khắc nào, bất cứ đâu cũng có một tấm hình đẹp về Hà Nội. Do áp lực công việc, tôi không bao giờ cảm thấy đủ thời gian để chụp Hà Nội dù tôi luôn muốn chụp thêm nhiều nữa. Song, dù sao, Hà Nội mãi ở trong trái tim tôi” – ông kể.


Hà Nội 1984 - nhà cổ phố hàng Đào

Không chỉ chụp Hà Nội trong những ngày cuối tuần, những ngày nghỉ, Michel còn chạy ô tô khắp mọi miền Việt Nam để ghi lại từng khoảnh khắc. Michel chia sẻ: “Với Việt Nam, cuộc gặp gỡ diễn ra vào tháng 6 năm 1983. Việt Nam là một đề tài tuyệt vời đối với tôi. Chụp ảnh Việt Nam là một cảm giác ngất ngây không bao giờ chán. Khi xem một bức ảnh, thậm chí tôi còn thấy lại cả mùi hương”.


Hà Nội 1984 - phố Chả Cá

Đánh giá về ảnh của Michel, Trung tâm Văn hóa Pháp đưa ra lời giới thiệu khá giản dị, rất gần với những gì đang được trưng bày: “Tác giả ghi lại những bức ảnh có một không hai về Việt Nam trong những năm trước mở cửa. Bắt đầu từ khu phố Phùng Khắc Khoan- một khu phố đông đúc dân cư Hà Thành- nơi tác giả sinh sống thời đó, đến cảnh vật và con người ở khắp nơi tác giả đi qua ở Việt Nam.” Giản dị vây, nhưng đâu có kém phần thú vị.

Xem thêm ảnh "Việt Nam, những năm 80' của Michel Blanchard tại đây

Vài nét về Michel Blanchard

Nhà báo Michel Blanchard sinh ngày 31/12/1949 tại Angoulême (Pháp), Nguyên trưởng đại diện Văn phòng Thông tấn Pháp (AFP) tại Hà Nội (phụ trách phạm vi 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia từ năm 1981 tới 1983).

Ông phụ trách chuyên mục Du lịch, viết bài trong mục Quốc tế, Ngoại giao, phụ trách khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Thông tấn xã Pháp (1976- 2006).

Hiện tại, ông là nhà báo ảnh và báo viết cộng tác với tờ Nhật báo du lịch và là thành viên của Tổ  chức các nhà báo du lịch.

Mỹ Mỹ - Phương Hạnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm