Triển lãm 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến khu Việt Bắc': Những hình ảnh, kỷ vật vô giá

04/10/2018 07:07 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Chiến khu Việt Bắc là hiện thân của cách mạng. Còn đại tướng Võ Nguyên Giáp là huyền thoại của quân đội nhân dân Việt Nam. Và 2 biểu tượng ấy đã cùng xuất hiện, trong cuộc triển lãm tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vào sáng qua 4/10.

1. Triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 107 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/018) và 5 năm ngày mất của Đại tướng (4/10/2013 – 4/10/2018). Ngoài Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN, sự kiện còn được phối hợp tổ chức bởi gia đình Đại tướng và Sở VH,TT&DL các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn – ba trong số các địa phương thuộc khu vực Việt Bắc cũ.

"Đây là triển lãm nhằm tri ân những công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đặc biệt là thời kỳ Đại tướng sống và làm việc tại Chiến khu Việt Bắc với những quyết sách quan trọng, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp" – bà Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng, cho biết.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Võ Nguyên Giáp, Kỷ vật Võ Nguyên Giáp, ngày mất đại tướng Võ Nguyên Giáp, giỗ đại tướng Võ Nguyên Giáp, kỷ vật đại tướng võ nguyên giáp
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu (áo trắng) và nhiều cán bộ quân đội tại triển lãm

Hơn 200 hình ảnh, hiện vật tại triển lãm trưng bày theo 3 chủ đề chính: Chiến khu Việt Bắc - cái nôi của cách mạng Việt Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Chiến khu Việt Bắc đến ngày toàn thắng; Đại tướng của nhân dân. Đặc biệt, khá nhiều trong số những hiện vật này mang giá trị lịch sử cao, như bản thảo cuốn sách Phát động du kích chiến tranh do Đại tướng viết, tổng kết những kinh nghiệm về cách đánh du kích để phổ biến cho cán bộ chiến sỹ năm 1947; Sắc lệnh số 110/SL ngày 20/1/1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay khẩu súng ngắn Đại tướng đã sử dụng chỉ huy đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân lập chiến công đầu trong trận Phai Khắt và Nà Ngần, tháng 12 năm 1944.

Ở một góc độ khác, nhiều hiện vật lại là những "nhân chứng sống" gắn bó với cuộc đời Đại tướng, như chiếc áo bông do đồng bào Nùng ở Cao Bằng đã may tặng Đại tướng khi Người về xây dựng căn cứ kháng chiến ở đây năm 1942, bộ quân phục và mũ kêpi được Đại tướng sử dụng trong thời gian chỉ đạo các đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, bộ bàn ghế được Đại tướng dùng làm việc và tiếp khách ở nhà riêng trong những năm đầu thời kỳ đổi mới…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Võ Nguyên Giáp, Kỷ vật Võ Nguyên Giáp, ngày mất đại tướng Võ Nguyên Giáp, giỗ đại tướng Võ Nguyên Giáp, kỷ vật đại tướng võ nguyên giáp
Một bức ảnh tại triển lãm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp công bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm 1944

2. Nhưng, quan trọng không kém những hiện vật, triển lãm Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến khu Việt Bắc cũng chính là cơ hội để đồng đội và các quân nhân chia sẻ tình cảm và kỉ niệm, trong dịp kỉ niệm 5 năm ngày mất của Đại tướng. Họ chiếm một lượng rất lớn trong dòng người tới triển lãm vào sáng 4/10.

Trong những gương mặt ấy, đáng chú ý có ông Nguyễn Công Dinh, nguyên trợ lý tác chiến của Bộ tổng tham mưu chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở tuổi 91, đều đặn 5 năm qua, ông đều tới nhà thắp hương cho Đại tướng vào ngày 4/10. Theo lời kể, ông chính là người được Đại tướng giao nhiệm vụ mang bức thư mật từ Điện Biên Phủ về An toàn khu tại Định Hóa (Thái Nguyên) để báo cáo với Bác Hồ và Bộ Chính trị việc chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc".

"Sau đó, tôi lại từ Định Hóa quay lại mặt trận để báo cáo kết quả. Đại tướng nắm tay, bảo tôi: cậu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó là mốc son mà tôi không bao giờ quên được trong cuộc đời mình" – ông kể - "Phong thái của Đại tướng luôn vậy: nghiêm khắc nhưng rất rộng lượng và thân tình - như một người anh, người thầy của các chiến sĩ. Những năm làm việc dưới quyền của Đại tướng, dù có lúc tôi mắc sai lầm, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông nổi nóng và quát nạt".

Nhiều năm làm việc dưới quyền Đại tướng, Trung tướng Phạm Hồng Cư, (nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) chia sẻ thêm: "Tình cảm của nhân dân Việt Bắc, cũng như toàn thể nhân dân Việt Nam, dành cho Đại tướng cũng là niềm tự hào chung của những người lính chung tôi. Và, từ những gì đã có trong cuộc đời Đại tướng, tôi nghĩ bài học mà thế hệ trẻ nhận về có thể chỉ là mấy chữ rất ngắn gọn thôi: hoàn thành trọn vẹn nghĩa vụ với nhân dân, với tổ quốc mình”.

Có mặt tại triển lãm, ông Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng, cho biết: "Xem những gì được trưng bày, gia đình chúng tôi rất xúc động và tự hào về cha mình, trong dịp tròn 5 năm ông trở về với cõi vĩnh hằng.

"Từ năm 1941, Việt Bắc đã là căn cứ của cách mạng Việt Nam, là nơi Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo và cha tôi từng hoạt động. Và trong suốt những năm tháng ấy, các đồng bào dân tộc 6 tỉnh Việt Bắc đã đùm bọc, che chở và hi sinh cả tính mạng, giúp cha tôi và các đồng chí có thể giữ vững lời thề trung thành với Tổ quốc của người chiến sĩ cách mạng" – ông nói thêm – "Bởi thế, triển lãm này không chỉ là lời tri ân dành riêng cho cha tôi. Đó là tất cả tình cảm mà chúng ta gửi tới những người đồng đội của ông, cũng như những đồng bào tại Việt Bắc trong thời kì kháng chiến gian khó nhất".

“Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp in sâu trong trái tim nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam”. (Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ghi trong sổ cảm tưởng tại triển lãm Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến khu Việt Bắc).

Anh Bảo

Xúc động ngắm 103 bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Xúc động ngắm 103 bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chiều nay (25/8), nhân kỷ niệm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2016), triển lãm Mỹ thuật và nhiếp ảnh mang tên "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - chân dung một huyền thoại" đã khai mạc tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm