08/08/2022 16:00 GMT+7 | Văn hoá
Việc một nghệ sĩ vừa làm thơ vừa vẽ tranh hầu như ở đâu và thời nào cũng có. Nhưng với một mật độ và số lượng như hiện nay tại Việt Nam, thì điều này đang làm nên một hiện tượng đáng để công chúng chú ý. Triển lãm Khiêu vũ tới trập trùng của nhà thơ Đoàn Quỳnh Như đang diễn ra tại Vy Gallery (20 Nguyễn Văn Thủ, TP.HCM) là một bổ sung vào hiện tượng này.
Các nhà thơ Việt Nam vẽ tranh gần đây, chỉ xin điểm qua những cái tên đương thời như Nguyễn Quang Thiều, Lê Anh Hoài, Huỳnh Lê Nhật Tấn, ng.anhanh (Nguyễn Thanh Anh), Phạm Áo Diễm… Nếu kể 10 năm trở lại đây, cả nước phải có đến hơn 20 nhà thơ vẽ tranh, có nhiều triển lãm chung và cá nhân. Trong số này, có nhiều người đã tổ chức triển lãm cá nhân, gây được tiếng vang trong giới, có người chưa hoặc sắp triển lãm, nhưng đôi tác phẩm xuất hiện lên mạng cũng khiến người có nghề giật mình.
Và hai năm trở lại đây, Đoàn Quỳnh Như là một cái tên bổ sung vào danh sách này.
Tìm một lối biểu đạt khác
Những gương mặt vừa được nhắc đến, họ trình hiện ra mỗi người một ngôn ngữ hội họa khác nhau, như vốn dĩ thi ca của họ cũng rất khác. Có một Lê Anh Hoài trong tranh thăng bằng cảm xúc so với một Lê Anh Hoài tưng tửng giễu nhại những thế thời trong thơ. Một ng.anhanh trong thơ trần trụi thì trong họa lại mông lung mơ hồ như bóng chim tăm cá. Một Phạm Áo Diễm thơ cũng như tranh đầy dẫy những cảm xúc của suy tư và chiêm nghiệm, kinh nghiệm bác học. Một Huỳnh Lê Nhật Tấn vốn trong tranh tù mù, âm âm bỗng lóe lên một điểm sáng, một nét màu làm nên chất đặc trưng trong họa…
Và Đoàn Quỳnh Như là một trường hợp khác. Hội họa ở chị luôn là những cụm tác phẩm của thử nghiệm, tìm tòi, dò dẫm một cách thức, một lối biểu đạt khác với chính mình trước kia. Khi thì đó là chuỗi những nét vẽ hiện thực tái hiện lại những cảnh, những sắc chị đã chiêm ngắm. Khi thì đó là những nét vẽ của sự trừu tượng và trừu tượng hóa, mà ở đó hiện lên một hồn thơ đang muốn cựa quậy suy tư, trăn trở về những vấn đề của đời sống, xã hội, của chính nội tâm người nghệ sĩ…
Trong quá trình ấy, giữa những bức tranh hiền lành, nữ tính thì lại bật lên những tác phẩm hoàn chỉnh, sáng rực, mà nếu chỉ dạo quanh triển lãm thôi, đôi khi ta phải tự hỏi: “Ủa, đây cũng là Đoàn Quỳnh Như ư?” Nói cách khác, giữa những lần mò cảm xúc, Đoàn Quỳnh Như đã bật lên những ý, những tứ, những sắc độ lấp lánh và riêng biệt.
Nữ nghệ sĩ này thừa nhận chị đã, đang và sẽ muốn chạm đến bảy môn nghệ thuật, mỗi ngành một ít, tùy theo khả năng của mình. Hơn 10 năm trước, chị bước vào thơ, rồi kịch bản phim, đóng phim, hai năm nay thì vì cả những lý do khách quan lẫn cảm hứng chủ quan, chị lấn sân sang hội họa như một cách tìm kiếm một phương tiện, một chất liệu khác để giãi bày những ẩn khuất trong tâm hồn nhiều rung động, nhiều bức bối của mình.
Một họa sĩ thân thiết với chị nhận xét: “Trong số gần 50 tác phẩm của Như hiện có, những tác phẩm thường thường chiếm một nửa, một nửa còn lại có cái hay và cái đẹp khác lạ”. Dĩ nhiên, “cái đẹp khác lạ” ấy nên được đặt trước hết trong tương quan tác phẩm của chính chị, sau đó mới được nhìn rộng ra trong bối cảnh hiện thời.
Họa sĩ Lương Lưu Biên thì nhìn nhận: “Đoàn Quỳnh Như vẽ như một niềm vui khác, bên cạnh việc làm thơ, những tìm tòi thủ ấn hoạ, những chất liệu ngẫu hứng, cô phát hiện mình ở đó, gửi gắm vào đó những nỗi niềm kín đáo muôn đời của những người đàn bà. Những vũ trụ, thiên nhiên ngoại giới cũng chính là nội giới mênh mông, sâu thẳm, trập trùng, khó đoán định”.
Anh nói thêm: “Vẽ cũng là việc quay vào nội tâm, quay về cội rễ tâm hồn để minh định lại cái tôi của mình. Tôi nghĩ việc mang tranh về quê hương để bày ra cho bạn bè xem cũng vậy, đó là việc trở lại để tìm mình”.
Khởi đầu và tiếp nối
Có thể nói, triển lãm Khiêu vũ tới trập trùng là khởi đầu với màu sắc và tiếp nối từ chất thơ của Đoàn Quỳnh Như. Chị trình làng nhiều tác phẩm tranh để minh chứng rằng chị không “vẽ thơ”, mà đang vẽ nên một chân dung tâm hồn giàu trực cảm. Hy vọng, sau triển lãm này, chị sẽ nhìn ra và phát huy lối vẽ mà mình cho là thế mạnh để bước tiếp.
Quan sát hiện tượng “nhà thơ vẽ tranh” trong giai đoạn gần đây, vài họa sĩ chuyên nghiệp và nhà nhà phê bình mỹ thuật cho rằng các nhà thơ đang “phá tranh”, “phá màu”, làm công chúng hiểu lầm hội họa. Điều này không hẳn là cực đoan. Nhưng nếu nhìn ở một góc độ phóng khoáng hơn, thì “nhà thơ vẽ tranh” chẳng có gì là tai hại cả. Thậm chí ngược lại, vì họ - những người tài tử - đang cùng với những họa sĩ chuyên nghiệp làm nên sự phong phú và tăng chiều kích cho bức tranh mỹ thuật hiện thời của Việt Nam.
Thêm nữa, công chúng là một khái niệm khá rộng và đa tầng, nói nôm na thì “gió tầng nào gặp mây tầng đó”, nên sáng tạo và chiêm ngưỡng là câu chuyện của sự đồng điệu. Đôi khi họa sĩ chuyên nghiệp khó tìm công chúng, mà nhà thơ vẽ tranh lại có đông người thích, cũng là chuyện bình thường. Thôi thì, sáng tạo trước hết là tự hóa giải và an ủi những chông chênh, bức bối từ bên trong, còn tác phẩm tương tác thế nào với người xem thì tùy vào mội hoàn cảnh, nó cũng chỉ là chuyện thứ yếu.
Đôi khi họa sĩ chuyên nghiệp khó tìm công chúng, mà nhà thơ vẽ tranh lại có đông người thích, cũng là chuyện bình thường. |
Lê Văn Đồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất