Trịnh Công Sơn trong tôi (Kỳ 1): Trịnh đã giúp tôi 'ngồi yên dưới mái nhà'

29/03/2022 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Tôi chỉ là một người bình thường trong số hàng nghìn người coi âm nhạc là niềm đam mê và dành cho nhạc Trịnh một sự trân trọng, yêu mến trong trái tim.

Trịnh Công Sơn - Trở về như mùa Xuân...

Trịnh Công Sơn - Trở về như mùa Xuân...

Cứ như mới hôm qua, vậy mà đã qua 20 mùa của ngày “Cá tháng Tư” - ngày Trịnh Công Sơn rời cõi tạm về nơi an nghỉ đời đời. Có những người cũng nối tiếng nhưng sau khi họ rời cõi tạm, tên tuổi họ nhạt phai dần cùng năm tháng. Nhưng Trịnh Công Sơn thì ngược lại.

Dường như ở mỗi chặng đường trong cuộc đời, tôi đều nhận được những nguồn năng lượng bất ngờ từ nhạc Trịnh, nó đến thật ngẫu nhiên và như định mệnh. Nhân 21 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn (28/2/1939 - 1/4/2001), tôi muốn kể lại những cơ duyên đó.

Cấp 2 tôi học trường năng khiếu của huyện, học cả ngày nên những buổi trưa ra quán ăn, hôm nào cũng thấy anh chủ quán mở đi mở lại mấy bài Khánh Ly hát… Ngày ấy tôi chỉ thấy lạ, sao nó cứ ủ ê, buồn rũ mà anh này vẫn cứ thích nghe hoài không biết chán… Chỉ vậy thôi. Trịnh Công Sơn vẫn là một cái tên thật xa lạ với một cậu nhóc đang tràn căng nhựa sống và mộng mơ.

Nhạc Trịnh từ những ngày ôn thi

Năm học cấp 3, tôi xa nhà trọ học dưới trường chuyên của tỉnh Hưng Yên. Cô giáo dạy văn năm cấp 3 của tôi cũng là một tín đồ của nhạc Trịnh. Trong những buổi ôn luyện để thi học sinh giỏi cấp tỉnh, rồi cấp quốc gia, thi thoảng cô lại lấy dẫn chứng từ những ca từ trong nhạc Trịnh, và lần nào cũng kết luận một câu đầy hạnh phúc: Trịnh Công Sơn đã làm phong phú thêm vẻ đẹp của ngôn từ tiếng Việt qua âm nhạc.

Chú thích ảnh
Một thông điệp về cuộc đời của Trịnh Công Sơn

Tôi bắt đầu để tâm hơn, tìm hiểu về nhạc Trịnh từ đó, và chọn giọng hát Quang Dũng - là một ca sĩ gần với thế hệ của mình hơn để nghe và cảm. Chợt gặp lại những lời hát từng nghe Khánh Ly hát hồi cấp 2 với một cảm xúc khác, trẻ trung và dễ đồng cảm hơn.

Nhưng cũng phải mãi đến năm lớp 12, tôi mới thực sự cảm nhận được sức lôi cuốn từ nhạc Trịnh. Bắt đầu là những ca từ của mỗi bài hát, rất giản dị đời thường mà vẫn đầy tinh tế, thấy trong đó ngổn ngang trăm nghìn trăn trở, trăm nghìn lẽ đời mà cũng đầy chất thơ.

Những câu chữ cứ vắt lên nhau, chồng chéo lên nhau, câu nọ gọi câu kia, gắn kết thành một giai điệu ám ảnh, vương vít mãi, để rồi cứ thi thoảng vô tình lại dội lên trong nhịp sống của mình: “Ru em là cánh nhạn, miệng ngọt hạt từ tâm” (Ru tình).“Môi nào hãy còn thơm,cho ta phơi cuộc tình. Tóc nào hãy còn xanh,cho ta chút hồn nhiên. Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình. Xin người hãy gọi tên” (Ru ta ngậm ngùi).

Những ca từ của Trịnh Công Sơn hệt như một bài thơ trọn vẹn, đẹp đến mức người nghe có thể soi mình vào đó, thấy cả âm thanh, hình ảnh, sắc màu cùng những lát cắt của cuộc đời… Tất cả đều lung linh, quyến rũ đến lạ kỳ: “Người đâu mất người, đời tôi ngốc dại tự làm khô héo tôi đây. Chiều hôm thức dậy, ngồi ôm tóc dài chập chờn lau trắng trong tay” (Chiếc lá Thu phai). “Ta nghe nghìn giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh”(Như cánh vạc bay).

Và khi đã yêu, đã say rồi, tôi trở lại nghe Trịnh qua giọng hát Khánh Ly. Không còn những ấn tượng về một giọng ca u sầu, ủ ê buồn rũ như ngày nào, càng nghe Khánh Ly hát càng cảm nhận được sự hòa quyện tài tình của người ca sĩ này với người nhạc sĩ tài hoa…

Mới hiểu vì sao nhắc đến Trịnh là người ta nhớ ngay đến Khánh Ly, và nghe giọng hát Khánh Ly người ta nhớ ngay đến nhạc Trịnh. Đó cũng là điều mà những năm học cấp 2, tôi chưa đủ tuổi và độ chín của cảm xúc để hiểu và lý giải được việc anh chủ quán cơm suốt ngày bật nghe những bản tình ca mà tôi từng gọi là não nề, buồn rũ.

Chú thích ảnh
Tác giả bài viết (phải) và ca sĩ Đào Thanh Hương trong một đêm nhạc Trịnh tại Nghiêm Hoa Trà. Ảnh: Lương Đình Khoa

Ngày Trịnh mất: Gửi một chút tình để gió cuốn đi

Ngày 1/4/2001 - tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vĩnh viễn ra đi khiến công chúng bàng hoàng, tiếc nuối. Sự kiện này cứ vương vít trong tâm trí tôi, thôi thúc tôi muốn viết một điều gì đó thay nén tâm hương đưa tiễn ông. Và bài thơ với cảm xúc từ tên những tình khúc của Trịnh Công Sơn ra đời:

“Tháng Tư vì sao rụng xuống

Ru người từ giã trần gian

Ai ngờ đâu tin Trịnh mất trong một ngày Cá tháng Tư lại là rất thật

Tiếc đời như một giấc mơ…

 

Về đâu- “Cát bụi” “Ướt mi”?

Về đâu “Biển nhớ” “Diễm xưa” bùi ngùi?

“Phôi pha” “Xa dấu mặt trời”

“Cho một người nằm xuống” ngậm cười phía đêm.

 

Biết “Còn tuổi nào cho em”?

“Bốn mùa thay lá” bên thềm đời trôi

“Ru tình” “Xin trả nợ người”

“Ra đồng giữa ngọ” “Khói trời mênh mông”.

 

Mãi còn một đóa “Quỳnh hương”

Để nghe trong “Tuổi đá buồn” “Tình xa”

Trăm năm “Một cõi đi về”

“Lời thiên thu gọi” hẹn thề đời nhau…

 

Từ đây “Yêu dấu tan theo”

“Cuối cùng cho một tình yêu” muộn mằn

Từ đây một “Vết lăn trầm”

Sẽ tan như “Nắng thủy tinh” nghẹn lòng

Tìm đâu một thoáng “Mưa hồng”?

Chỉ còn “Hạ trắng” nhớ mong cạn ngày…

 

Tháng Tư…

“Như một lời chia tay”

Anh ngồi nhớ Trịnh

Và biết có cả ngàn trái tim “Người con gái Việt Nam da vàng” cũng âm thầm nhớ Trịnh

Gửi một chút tình

“Để gió cuốn đi”…

Chú thích ảnh
Tác giả bài viết và nghệ sĩ guitar Hawaii Bùi Bạch Liên trong đêm nhạc Trịnh tại Nghiêm Hoa Trà

Những đêm nhạc Trịnh ở Nghiêm Hoa Trà

Tháng 5/2012, một bước ngoặt đặc biệt với tôi, khi lần đầu tiên tôi và 2 người bạn nhận mua lại một quán trà có tên là Nghiêm Hoa Trà trong một con ngõ ở phố Chùa Láng (Hà Nội).

Dù chưa hề kinh doanh bao giờ, cũng chẳng có một chút kinh nghiệm nào, nhưng lúc đó cái “thích”, sự ngẫu hứng của tuổi trẻ lớn hơn tất cả. Nó bật lên những hạt mầm tự tin: Cứ làm rồi sẽ vỡ, cứ yêu rồi sẽ nở hoa. Và đương nhiên, những đêm guitar nhạc Trịnh của quán ít nhiều đã trở thành một điểm hẹn đặc biệt với nhiều vị khách vào những tối cuối tuần.

Người chơi guitar chính trong đêm nhạc Trịnh của quán có tên Nguyễn Văn Đạo (nghệ danh là Đạo Nguyễn). Anh lớn hơn tôi chừng gần chục tuổi. Nghề nghiệp chính của anh là về kiến trúc, xây dựng - chẳng có một chút nào liên quan đến âm nhạc cả. Ấy vậy mà âm nhạc của Trịnh đã dẫn lối cho anh, tình yêu và niềm đam mê chắp cánh để anh trở thành một nghệ sĩ guitar chơi nhạc Trịnh được đánh giá là đặc biệt nhất về nhạc Trịnh nói riêng, dòng nhạc trữ tình nói chung trên đất Hà thành.

Không ồn ào tham gia vào giới showbiz, tiếng guitar ấy thầm lặng như tiếng đời, tiếng lòng của Trịnh ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm vang ngân tại các quán trà, cà phê có tiếng ở Hà Nội. Anh chọn cách lan tỏa âm nhạc của Trịnh một cách trực tiếp với người hâm mộ qua những đêm diễn bền bỉ, thăng hoa của tình yêu và niềm hạnh phúc.

Chú thích ảnh
Với nghệ sĩ guitar Đạo Nguyễn (ngoài cùng bên trái), ca sĩ Thanh Hương (ngoài cùng bên phải) và các ca sĩ trong đêm nhạc Trịnh tại Nghiêm Hoa Trà

Trong những đêm nhạc ở quán trà của tôi, người bạn đồng hành - ca sĩ do chính anh chọn có tên là Đào Thanh Hương. Tôi không hỏi tuổi, nhưng đoán tuổi chị xấp xỉ khoảng chừng 50. Những trải nghiệm về cuộc đời ở độ tuổi ấy được chị mượn nhạc Trịnh để bày tỏ, nhắn gửi tới người nghe bằng giọng hát vừa trầm khàn, dày, sáng, vừa nồng nàn đặc biệt.

Tôi “mê” nhất là những đêm chị hát Lời thiên thu gọi. Khi đoạn điệp khúc chị hát lên, bao giờ tôi cũng lặng người xúc động, vì như nghe thấy tiếng lòng của mình trong đó, thấy nhớ nhung mái nhà ấu thơ và bố mẹ một miền quê xa: “Nhiều đêm muốn đi về con phố xa. Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà”…

Có lẽ tâm hồn nào cũng vậy, đi qua quá nhiều mệt mỏi, trộn hòa nhiều vui buồn, được mất, ngấm đầy cả hạnh phúc và đắng cay, thì bao giờ cũng khao khát bình yên. Thứ bình yên ấy tựa những ngày thơ hồn nhiên, trong vắt chưa vướng toan tính, muộn phiền dưới một mái nhà yêu thương.

Mái nhà nào thì cũng thực sự là nơi chốn bình yên cho mỗi cuộc đời. Chính Trịnh đã viết: “Mái nhà là một tiếng có một âm vang tình cảm sâu kín trong lòng mỗi con người. Chỉ có ở đó mình mới tìm thấy được mình đầy đủ nhất. Ðó là cái nôi thứ 2 ru mỗi đời người khi lớn lên. Vì vậy, mỗi người phải cố gắng đừng bao giờ để dưới mái nhà ấy có một địa ngục. Vẫn có những kẻ đã rời bỏ mái nhà đi không một chút tiếc thương nhưng kể từ đó trong tâm hồn người ấy sẽ không bao giờ còn sự bình an nữa. Dứt bỏ mái nhà để ra đi cũng như phụ rẫy một tình yêu. Mái nhà ở lại hoàn toàn vô tội. Mái nhà vẫn chờ cửa để đón người trở về nhưng người ra đi thì không bao giờ kéo được mái nhà về với mình nữa”(Trích tạp văn Mái nhà của Trịnh Công Sơn).

Cũng bởi những chiêm nghiệm này mà đầu năm 2014 - khi tôi bán quán trà đi để chọn vào Sài Gòn tìm kiếm cơ hội lập nghiệp, những cảm xúc từ Trịnh, những thông điệp nhắn nhủ khiến bước chân tôi giữa Sài Gòn hoa lệ cứ bồn chồn không yên. Để rồi lựa chọn cuối cùng của tôi vẫn là trở lại Hà Nội - “mái nhà” đặc biệt chứa đựng cả khoảng trời thanh xuân đầy kỷ niệm, gắn bó đến độ chẳng thể dứt bỏ ra đi. Và cũng bởi ở Hà Nội, tôi cũng dễ dàng về thăm quê, góp thêm hơi ấm cho mái nhà thơ ấu cùng những người mình yêu thương.

(Còn tiếp)

Lương Đình Khoa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm