17/06/2019 11:18 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa có buổi làm việc với UBND TP Hội An và các đơn vị liên quan về công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa, trong đó vấn đề được quan tâm nhất chính là cấp bách tìm giải pháp tối ưu để tu bổ chùa Cầu.
Đánh giá về hiện trạng di tích chùa Cầu hiện nay, TP Hội An cho biết qua khảo sát đã phát hiện vết rỗng bên dưới của móng do dưới móng di tích có dòng chảy ngầm dẫn đến xói mòn. Điều này gây bất lợi cho di tích nếu tiếp tục giữ nguyên hiện trạng. Hiện kết cấu dầm đỡ và sàn đỡ đáy gầm sàn thuộc hạ bộ chùa Cầu xuất hiện một số vùng không còn đủ khả năng chịu lực an toàn trong điều kiện bất lợi.
Theo ông Trần Ánh, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hội An, di tích này đang biến đổi một cách đáng lo ngại kết cấu về phương ngang, phương xiên (độ xô lệch giữa phần chùa với phần kết cấu) có điểm bị lệch đến hơn 20cm. Sự biến đổi này chưa đẩy chùa Cầu đến nguy cơ sụp một lần nhưng việc rơi từng cái xà, cái kèo là chuyện sớm muộn trong tương lai gần. Cùng với đó là áp lực gia tăng lượng khách tham quan qua lại di tích khá đông cũng gây áp lực tải trọng, khiến di tích đối diện với nguy cơ xuống cấp ngày càng nghiêm trọng hơn. Trung bình, mỗi ngày chùa Cầu đón tiếp khoảng 4.000 lượt khách tham quan.
Bên cạnh đó, những tác động từ bên ngoài như dòng chảy của nước và bão, lụt, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến di tích. Những tác động này đang làm cho các mố, trụ cầu bị nứt, nhiều cột, vì kèo có dấu hiệu bị hư hỏng, mục rỗng... Chùa Cầu nằm ngay vùng rốn lũ của
Hội An có dòng nước chảy rất mạnh mỗi khi có lụt nên càng tạo thêm nguy cơ mất an toàn cho di tích.
Tại buổi làm việc, UBND TP Hội An đã đưa ra một số kiến nghị như đề xuất mời các chuyên gia Nhật Bản tham gia quá trình tu bổ, tôn tạo di tích chùa Cầu để bảo vệ lâu dài công trình mang tính biểu tượng hai nước Việt Nam- Nhật Bản. Xây dựng kế hoạch khảo sát cụ thể, bài bản, toàn diện về công trình để xác định tình trạng công trình, từ đó đề xuất định hướng tu bổ, bảo tồn phù hợp; vừa phục vụ nhu cầu của người dân vừa đáp ứng các nguyên tắc, công ước quốc tế về bảo tồn di tích. Trước mắt Hội An đã có văn bản điều tiết số lượng khách tham quan tại di tích với quy định số lượng khách tối đa mỗi đợt tham quan tại di tích này là 20 người nhằm đảm bảo an toàn cho di tích. Đồng thời tổ chức chống đỡ các vị trí xuống cấp.
Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết, tại hội thảo trước đây về tu bổ chùa Cầu, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng đưa ý kiến hạ giải toàn bộ để trùng tu nhưng sau đó không được chấp nhận. Tuy nhiên đến nay, đây vẫn là phương án được nhiền đơn vị chức năng liên quan đề xuất, ủng hộ triển khai thực hiện. Theo ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, hiện rất khó để nhận định được phương án trùng tu nào là phù hợp nhất với chùa Cầu nên việc mời các nhà tư vấn nước ngoài kết hợp trong nước có uy tín là cần thiết. Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xác định đây là vấn đề hết sức cấp bách không chỉ của riêng Hội An mà của cả tỉnh. Ông Tân yêu cầu Sở VHTTDL khẩn trương hoàn tất thủ tục quyết toán đối với những hạng mục do Sở làm chủ đầu tư tại các vùng có di tích trên địa bàn TP Hội An. Đồng thời giao UBND TP Hội An sớm lập dự án đầu tư tu bổ chùa Cầu và phải thực hiện khẩn trương, nếu cần đề xuất để UBND tỉnh xem xét hỗ trợ.
“Câu chuyện trùng tu chùa Cầu đã hết sức cấp bách và cần làm ngay bởi đã qua nhiều hội thảo nhưng vẫn cứ chần chừ trong khi di tích thì ngày một xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, cần hết sức kỹ lưỡng trong việc tìm phương án trùng tu tối ưu”, ông Tân nhấn mạnh. Bên cạnh đó, phải tổ chức tham vấn, lấy ý kiến của UNESCO, cơ quan ngoại giao Nhật Bản tại Việt Nam, phổ biến đến nhân dân hai phường Minh An, Cẩm Phô (TP Hội An) để tạo sự đồng thuận và có được các giải pháp tối ưu nhất trong quá trình tu bổ.
Câu chuyện trùng tu chùa Cầu đã hết sức cấp bách và cần làm ngay bởi đã qua nhiều hội thảo nhưng vẫn cứ chần chừ trong khi di tích thì ngày một xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, cần hết sức kỹ lưỡng trong việc tìm phương án trùng tu tối ưu. (Ông TRẦN VĂN TÂN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) |
Di tích này đang biến đổi một cách đáng lo ngại kết cấu về phương ngang, phương xiên (độ xô lệch giữa phần chùa với phần kết cấu) có điểm bị lệch đến hơn 20cm. Sự biến đổi này chưa đẩy chùa Cầu đến nguy cơ sụp một lần nhưng việc rơi từng cái xà, cái kèo là chuyện sớm muộn trong tương lai gần. (Ông TRẦN ÁNH, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hội An) |
Theo Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất