Đôi mắt 'có thần' của Trà Giang

14/12/2020 18:06 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - 40 năm trước, ngày 17/12/1980, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội được thành lập, trên cơ sở sáp nhập các ngành thuộc khối nghệ thuật của Trường Điện ảnh Việt Nam và Trường Sân khấu Việt Nam (đều thành lập năm 1959). Như thế, trường đã mang trong mình truyền thống vàng son của nền sân khấu, điện ảnh nước nhà trong thời kỳ hiện đại và được coi làcái nôi lớn, sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ sĩ.

NSND Trà Giang: Bỏ nỗi buồn vào việc vẽ, chứ không vẽ nỗi buồn

NSND Trà Giang: Bỏ nỗi buồn vào việc vẽ, chứ không vẽ nỗi buồn

Triển lãm "Mùa Xuân" hồi 10/1/2016 vốn được dự kiến sẽ là triển lãm cá nhân cuối cùng của NSND Trà Giang, vì lý do tuổi tác. Thế nhưng, với sức vẽ vẫn còn bền bỉ, vào lúc 10h ngày 18/1 Trà Giang lại khai mạc triển lãm cá nhân "Qua miền Tây Bắc" tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, với 30 tác phẩm, chủ yếu vẽ phong cảnh và hoa.

Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (17/12/1980-17/12/2020), 61 năm sự nghiệp Sân khấu - Điện ảnh nước nhà (1959-2020), Báo Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu một số gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu từ cái nôi đào tạo này (tính cả các tổ chức tiền thân). Loạt bài viết do nhà văn - PGS-TS Lê Thị Bích Hồng - giảng viên cao cấp của trường thực hiện.

Tôi gặp NSND Trà Giang lần đầu tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tại Khu du lịch Quốc tế Tuần Châu (tỉnh Quảng Ninh) năm 2004. Khi đó, chị là thành viên Hội đồng Giám khảo, còn tôi được cơ quan giao nhiệm vụ đồng hành vớiBan Tổ chức cuộc thi sắc đẹp và trí tuệ…

Thời gian đó, tôi có nhiều dịp được chuyện trò, họp hành, sinh hoạt cùng Ban Tổ chức; tâm sự cùng chị, Hoa hậu toàn quốc báo Tiền phong năm 1988 Bùi Bích Phương, nhà thơ Dương Xuân Nam, TS nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp và được chứng kiến sắc đẹp của 41 thí sinh vào Chung kết Hoa hậu Việt Nam lần thứ 9 với những gương mặt, như: Nguyễn Thị Huyền, Trịnh Chân Trân, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyễn Thảo Hương... Vẫn một vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm, hồn hậu, đôi mắt no tròn “biết nói”, chị đã mang đã đến cho tôi bao cảm xúc trìu mến, thân thương.

Chú thích ảnh
NSND Trà Giang đóng vai chị Tư Hậu trong phim “Chị Tư Hậu” (đạo diễn Phạm Kỳ Nam)

Người nghệ sĩ mang tên dòng sông quê

NSNDTrà Giang tên khai sinh là Nguyễn Thị Trà Giang,sinh ngày 11/12/1942 tại quê mẹ Phan Thiết. Yêu quê hương, ba má chị đặt tên các con đều gắn với địa danh quê nội Quảng Ngãi là Ấn Sơn (núi Thiên Ấn), Bút Sơn (núi Thiên Bút), Thạch Bích (núi Thạch Bích) và tên Trà Gianggắn với con sông Trà Khúc. Cặp núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi “Ta nhớ quê ta có núi Ấn sông Trà” (Nhớ đàn xe nước của Văn Đông).

NSND Trà Giang sinh ra trong gia đình cách mạng và nghệ thuật. Cha chị là NSƯT Nguyễn Văn Khánh - Trưởng đoàn Văn công Liên khu V và cũng người mở đường cho Điện ảnh Khu 6. Mẹ chị người Phan Thiết tảo tần, đảm đang đã từng bị bắt thay cha. Người cha đã phát hiện thấy ở con gái những tố chất nghệ thuật thiên bẩm, đặc biệt đôi mắt, gương mặt điện ảnh. Ông lặng lẽ chụp những bức ảnh chân dung và khuyến khích con đăng ký dự tuyển lớp diễn viên điện ảnh.

Năm 1955, Trà Giang theo gia đình tập kết ra Bắc và học Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng.

Vì đã từng biểu diễn trên sân khấu, nên cô bé Trà Giangđã thầm lặng nuôi nguyện ướctrở thành diễn viên múa và cải lương. Nhưng cuộc đời như đã được “lập trình”, điện ảnh đã chọn chị và chính sự lựa chọn thông minh này nền điện ảnh Việt Nam ghi dấu ấn một NSND Trà Giang - Thế hệ Vàng của điện ảnh Việt Nam với những vai diễn để đời, được bạn bè mến mộ tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế.

Trà Giangđã trở thành học viên lớp diễn viên điện ảnh khóa I (1959-1962) Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) khóa cùng bạn bè đồng trang lứa và sau này là các nghệ sĩ nổi tiếng như: Hải Ninh, Huy Thành, Hồng Sến, Lâm Tới, Anh Thái, Tuệ Minh, Ngọc Lan, Minh Đức, Thụy Vân, Kim Chi…

Chú thích ảnh
Tác giả bài viết (bìa trái) chụp cùng NSND Trà Giang (thứ 2 từ trái sang) và các nghệ sĩ tại Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2015-2020)

Thành công với hình tượng phụ nữ Nam Bộ

Khi đang học Trường Điện ảnh Việt Nam, Trà Giang và các bạn lớp diễn viên điện ảnh đã được thử sức với những vai diễn. Được tham gia vai quần chúng cô gái Tây Bắc trong phim Vợ chồng A Phủ dù không thấy rõ mặt, chị cũng hoan hỉ lắm. Chị thầm ước một ngày nào đó được nhận vai diễn như anh Trần Phương (vai A Phủ), chị Đức Hoàn (vai Mỵ), chị Mai Châu (đầy tớ gái)…

Niềm mong ước được thỏa nguyện khi Trà Giang tròn tuổi 20 (năm 1962), chị được 2đạo diễn Huy Vân, Hải Ninh mời đóng một vai phụ phim báo cáo tốt nghiệpMột ngày đầu Thu. Kể từ “phút ban đầu lưu luyến ấy”, Trà Giang đã hé lộ một tài năng diễn xuất nhiều hứa hẹn, nhất là khả năng diễn tả bi kịch nội tâm - trữ tình về số phận của người phụ nữ thông qua đôi mắt “biết nói”.

Tên tuổi NSND Trà Giangthường được nhắc đến với những bộ phim, như: Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Ngày lễ thánh, Huyền thoại về người mẹ… Chị thích hợp với những vai diễn có số phận, rung động nội tâm sâu, giằng xé mâu thuẫn, bi kịch đẩy lên đến đỉnh điểm.

Trong bao nhân vật đó, NSND Trà Giang dường như “đóng đinh” một cách ấn tượng, lâu bền trong lòng công chúng khi thể hiện hình tượng người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, thủy chung, nhân hậu…Cách diễn xuất thần thái cùng đôi mắt sâu thẳm đã làm nên thành công cho những vai diễn của chị.

Khi chọn Trà Giang vào phim Chị Tư Hậu (chuyển thể từ tác phẩm Một chuyện chép ở bệnh viện của nhà văn Bùi Đức Ái, năm 1958), đạo diễn Phạm Kỳ Nam quả là có “con mắt xanh” chọn người phụ nữ sinh ra ở miền Nam để ra được cái “chất Nam Bộ”.

Chú thích ảnh
Giảng viên, sinh viên chào đón 40 năm ngày thành lập Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (17/12/1980-17/12/2020 và 61 năm sự nghiệp Sân khấu-Điện ảnh (1959-2020)

Thêm nữa, đạo diễn khẳng định sức biểu cảm mạnh mẽ nhất của Trà Giang chính là đôi mắt. Đôi mắt to, sáng đẹpnhư có lửa cháy và ánh nhìn từ đôi mắt sâu thẳm, hàng mi cong đen dày tạo nên sự tin cậy. Đôi mắt có thần lại là yếu tố vô cùng quan trọng đối với nghề diễn. Mọi nét ngoại hình có thể hóa trang, nhưng đôi mắt thì rất khó, bởi đó là nội lực tiềm ẩn, sức công phá biểu hiện từ đó mà ra. Trà Giang là nghệ sĩ có ưu thế đó.

Không phụ công thầy, cô giáo, chuyên gia đào tạo và nhất là đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã “mạo hiểm” tin cậy, trao sứ mệnh bộ phim cho chị; dù mới là vai diễn thứ 2 trong đời sau vai chị Kiên trong phim Một ngày đầu Thu, tuổi đời rất trẻ, nhưng diễn xuất của Trà Giang đã chạm đến trái tim công chúng.

Cuộc đời người phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống Pháp được tái hiện trên màn ảnh với tất cả phẩm chất kiên trung, bất khuất, quả cảm, can trường, mà vẫn dịu dàng, tiết hạnh, tiềm ẩn đầy nội lực…Khi nhập thân vào vai diễn, những hồi ức tuổi thơở miền Nam theo ba má lên vùng kháng chiến, cùng chịu đựng gian khổ, từng chứng kiến cảnh Tây đưa quân đi càn, bắn giết đồng bào mình; cảnh ba hoạt động, cảnh má bị bắt…hiện về.

Chị chia sẻ: “Tôi cảm nhận được những điều có trong kịch bản và sống thật với tình cảm nhân vật. Ngày đó, nền điện ảnh Việt Nam còn rất trẻ. Phim truyện mới chập chững những bước đi ban đầu. Phim ảnh còn mới lạ, chúng tôi vừa học thầy, vừa học hỏi nhau để rút kinh nghiệm cho những vai diễn mới. Nhưng may thay, thế hệ chúng tôi được các chuyên gia nước ngoài sang hỗ trợ đào tạo.Học viên chúng tôi được rèn luyện bài bản, luôn có ý thức bổ sung cái khiếm khuyết về lý thuyết, lý luận điện ảnh, phim bằng đọc sách văn học.Diễn viên nào cũng say mê đọc sách văn học. Văn học thì rất gần với điện ảnh. Chúng tôi đọc nhiều tác phẩm kinh điển của các nước Nga, Pháp... Còn nhớ anh Huy Thành lớp đạo diễn cùng khóa đầu tiên Trường Điện ảnh Việt Nam với tôi, cứ mỗi tối sau khi ghi hình phim Làng nổi - kịch bản tốt nghiệp của 2 anh Huy Thành và Trần Vũ, anh ấy đọc truyện Thằng gù nhà thờ Đức Bà cho chúng tôi nghe.Chính văn học đã mở rộng trí tưởng tượng cho người diễn viên, làm giàu vốn sống và khả năng ngôn ngữ, tư duy của người diễn viên, khiến diễn xuất tự nhiên, chân thật, giàu biểu cảm.

Chúng tôi quý giá sự trải nghiệm thực tế. Có những chuyến thực tế đến cả nửa năm trời. Diễn viên sống cùng nhân dân, hiểu tâm lý từng kiểu nhân vật, thành thục kỹ năng, đời sống của nhân vật ngoài đời. Đọc kịch bản phim Lửa rừng, chúng tôi leo núi, lội suối ròng rã 3 ngày đi bộ đến ở với đồng bào ở Keng Đu - vùng giáp ranh với Lào để quan sát phong tục tập quán của đồng bào…”.

Chị kể tiếp: “Tôi không thể quên khi làm phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm ở Vĩnh Linh, cuộc gặp gỡ với o Thảo trong đoàn du kích cứ ban ngày ra nghỉ ngơi tập luyện ở bờ Bắc, đêm đến vượt sông vào Nam chiến đấu đã giúp cho tôi hóa thân vai Dịu thành công.

Năm 1999, nhân chuyến đi dự Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XII ở Huế, tôi và đạo diễn Hải Ninh về Gio Linh trong niềm mong gặp lại người nữ du kích năm xưa. Đến Huyện ủy Gio Linh (Quảng Trị), tôi và đạo diễn cầm ảnh o Thảo bày tỏ nguyện vọng muốn gặp người du kích trong ảnh. Nhưng anhem chúng tôi sững sờ khi một đồng chí trong huyện ủy cho biết o Thảo đã hy sinh từ năm 1972…Những bộ phim được gọi là kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam đều là kết quả của những chuyến đi thực tế như thế…".

Bộ phim đầu tiên, chị đảm nhận vai Kiên trong Một ngày đầu Thu và bộ phim cuối cùng khép lại sự nghiệp diễn viên điện ảnh của chị là nữ biệt động Cần Thơ hy sinh trên sông Ninh Kiều trong Dòng sông hoa trắng năm 1989 do NSND Trần Phươngđạo diễn khi chị đã gần chạm tuổi 50.Ở mỗi bộ phim, chị luôn ghi dấu ấn tài năng, phong cách, sự hóa thân nhuyễn ngọt để có những vai diễn thành công, để đời.

(Còn tiếp)

PGS - TS Lê Thị Bích Hồng

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm