07/12/2021 21:07 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - “Thực hiện theo chỉ đạo kịp thời từ Bộ VH,TT&DL, từ hôm nay (7/12/2021), khán giả của Next Sports và người hâm mộ sẽ được hưởng thụ trọn vẹn, toàn bộ phần nghi lễ bao gồm Quốc ca trước mỗi trận đấu của đội tuyển Việt Nam trên mọi nền tảng phát song”.
Đó là khẳng định của Next Sport - đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình AFF Suzuki Cup 2020 sau khi Bộ VH, TT&DL lên tiếng về việc Quốc ca Việt Nam bị "tắt tiếng" trong trận tuyển Việt Nam gặp tuyển Lào diễn ra tối ngày 6/12, trên sân vận động Bishan (Singapore) ở bảng B, AFF Cup 2020.
Trước đó, ngay ở những khoảnh khắc đầu tiên của trận đấu này đã khiến nhiều người hâm mộ Việt Nam khi theo dõi qua một kênh YouTube cảm thấy khó hiểu là đoạn hát Quốc ca của đội tuyển Việt Nam đã bị tắt tiếng vì lý do bản quyền.
Tuy nhiên, qua theo dõi, ngoài Quốc ca Việt Nam, Next Sports cũng buộc phải ra thông báo tương tự ở 3 trận đấu trước đó trong khuôn khổ AFF Cup 2020.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam mà khán giả xem tường thuật trận đấu này trên các nền tảng xã hội không được xem các cầu thủ hát Quốc ca.
Cụ thể, ca khúc đã bị tắt tiếng, cùng với đó là trên màn hình hiện lên dòng chữ "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quý vị và khán giả thông cảm". Tuy nhiên, nếu theo dõi trận đấu trên sóng truyền hình thì khán giả vẫn có thể nghe rõ bài hát Tiến Quân ca - Quốc ca.
Ngay sau khi sự việc này xảy ra, cộng đồng mạng đã tỏ ra khó hiểu, thậm chí bức xúc trước sự vô lý này. Nhiều người cho rằng việc "đánh bản quyền" Quốc ca của Việt Nam đã làm xấu hình ảnh nước nhà trong mắt bạn bè quốc tế.
Bên cạnh việc lên án, nhiều người còn vào fanpage của BH Media để bày tỏ sự bất bình vì cho rằng BH Media có liên quan đến sự việc kể trên.
Rạng sáng ngày 7/12, BH Media đã có thông cáo báo chí, khẳng định: "Vụ việc các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca lần này không hề liên quan đến BH Media".
BH Media còn cho biết thêm, kênh YouTube của FPT không có lỗi, vì FPT chỉ là đơn vị tiếp sóng. Ban tổ chức sân mới chính là người đã chọn bản ghi Tiến quân ca của Hãng đĩa Marco Polo. Đây là bản ghi mà hãng đĩa này bỏ tiền sản xuất và đã đăng ký bản quyền trên YouTube. Theo luật, bất kì ai muốn sử dụng bản ghi này thì phải xin phép nhà sản xuất.
Sự vô tư sử dụng bản ghi Tiến quân ca của hãng đĩa nước ngoài, mà không xin phép, của ban tổ chức sân, theo BH Media đã khiến các kênh YouTube ở Việt Nam tiếp sóng bị mất doanh thu.
BH Media còn cho biết thêm, trong trận đấu Việt Nam – Lào, không hề có bên nào “đánh bản quyền” Tiến quân ca, mà chỉ là do đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng phần Tiến quân ca để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT mà thôi. Các anh chị có thể thấy các video các trận đấu của các quốc gia khác trên kênh YouTube của Next Media cũng bị họ tắt tiếng để không bị xác nhận bản quyền âm nhạc.
"Hiện nay có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi Tiến quân ca, cả trong nước và ngoài nước. Theo Luật Sở hữu trí tuệ nếu bất kì ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kĩ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kì ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất.
Sự việc lần này cho thấy nếu ban tổ chức sân sử dụng bản ghi có bản quyền thì các kênh YouTube ở Việt Nam tiếp sóng trận đấu đã không bị mất tiền oan" - theo thông cáo báo chí của BH Media.
Ngoài ra, theo đơn vị này, bản quyền âm nhạc trên môi trường số ngày càng chặt chẽ do đó, tất cả các bên đều cần phải nâng cao ý thức bản quyền. Đơn cử khi đoàn thể thao Việt Nam ra nước ngoài thi đấu, thì phía Việt Nam cần chủ động chuẩn bị các bản ghi Tiến quân ca có bản quyền nộp cho bản tổ chức sân, như vậy có thể đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị tiếp sóng.
Trao đổi với Thể thao và Văn hóa, đại diện truyền thông của Next Sport - đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình AFF Suzuki Cup 2020 cho biết, Next Media vẫn đang tích cực liên hệ với các đơn vị sở hữu bản quyền Quốc ca của tất cả các quốc gia có đội bóng tham dự AFF Suzuki Cup 2020 để những trận đấu tiếp theo không phải tắt tiếng mỗi khi các ra sân làm lễ chào cờ, hát Quốc ca, đem lại trải nghiệm xem bóng đầy đủ, toàn vẹn về cảm xúc cho người hâm mộ túc cầu.
Không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam Sáng 7/12, lãnh đạo Bộ VH,TT&DL đã làm việc với các cơ quan liên quan về sự cố doanh nghiệp ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020, ngày 6.12.2021 trên một số nền tảng số trái quy định pháp luật. Không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam Về việc này, Bộ VH,TT&DL có ý kiến chính thức như sau: Ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ VH,TT&DL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca. Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật. Bộ VH,TT&DL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam. |
Cách đây không lâu, thông tin BH Media là đơn vị sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca do gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng nhân dân và Tổ quốc vào năm 2016, cũng từng khiến dư luận bức xúc.
Ngay sau đó BH Media cho biết BH Media không nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca mà được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác một bản ghi Tiến quân ca trên nền tảng số. Bản ghi này do Hồ Gươm Audio sản xuất.
Về việc khai thác bản ghi Tiến quân ca trên YouTube, BH Media cho biết khi Hồ Gươm Audio ủy quyền cho công ty này quản lý và khai thác trên YouTube, đơn vị này không hề bật nút kiếm tiền, quảng cáo để bảo đảm tính tôn nghiêm cho tác phẩm. Người dân cũng được nghe miễn phí tác phẩm này.
PH
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất