10/03/2019 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ vừa ra mắt tủ sách Thiên đường không tuổi nhằm phát hành các tác phẩm viết về tình cảm tuổi mới lớn. Đây sẽ là tủ sách tập trung các tác phẩm văn học viết về tuổi học trò một thời và cả hiện thời.
Các tựa sách đầu tiên của tủ sách được xuất bản là các tác phẩm được viết trước 1975, gồm: Cạn chén tình của nhà văn Mường Mán, Đâu phải cái gì cũng mong manh (Đoàn Thạch Biền), Tình yêu có màu gì (Từ Kế Tường), Tuổi ngọc ngày chưa xa (Nguyễn Minh Ngọc), Anh Chi yêu dấu (Đinh Tiến Luyện), Ở một nơi ai cũng quen nhau (Hoàng Ngọc Tuấn).
Trong 6 nhà văn đầu tiên góp mặt trong tủ sách đã có những người được bạn đọc “định danh” chuyên viết về tình cảm tuổi mới lớn như Đoàn Thạch Biền, Từ Kế Tường…
Nhà văn Đoàn Thạch Biền, Mường Mán, Từ Kế Tường cùng với hai cây viết trẻ Thiên Trúc, Tiểu Quyên đã có buổi trò chuyện văn chương, đồng thời giới thiệu về tủ sách Thiên đường không tuổi vào chiều ngày 9/3.
Nhà văn Từ Kế Tường cho biết tủ sách Thiên đường không tuổi được hình thành từ một lần tình cờ ông trao đổi công việc với giám đốc NXB Văn hóa - Văn nghệ Đinh Phương Thảo và hỏi: Tạo sao không phát triển những tác phẩm dạng vậy thành một tủ sách?
Bà Thảo kỳ vọng: “Tủ sách này sẽ tạo ra một dòng văn học viết cho tuổi mới lớn mà mọi lứa tuổi đều thích đọc. Việc thực hiện tủ sách sẽ làm “sống lại” các tác phẩm một thời, đồng thời sẽ giới thiệu những cây viết mới của hôm nay và tương lai”. Vì vậy, tủ sách sẽ tiếp tục bổ sung nhiều tác phẩm bao gồm của các nhà văn trước đây và các cây viết trẻ ngày nay.
Cũng trong cảm hứng đó, nhà văn Từ Kế Tường hy vọng tủ sách sẽ thu hút bạn đọc, vì: “Tuổi mới lớn là lứa tuổi đẹp nhất đời người với cuộc tình đầu tiên và những kỷ niệm không bao giờ lợt phai”.
Và trong mắt nhà văn Đoàn Thạch Biền: “Đó là lứa tuổi thanh xuân đẹp nhất nhưng khi đang sống trong đó thì ít ai biết, cho đến khi nó đi qua”. Cùng trong dòng chảy ngược về ký ức tuổi trẻ, nhà văn Mường Mán bùi ngùi: “Tuổi trẻ chúng tôi sống trong chiến tranh, vì vậy sống thì chậm mà chết thì nhanh. Chúng tôi yêu cũng chậm, từ cái nhìn đầu tiên cho đến cái nắm tay đầu tiên phải mất vài tháng”.
Buổi giao lưu còn là dịp gặp gỡ của thế hệ viết trẻ và các nhà văn nổi tiếng. Nhà văn trẻ Tiểu Quyên nhớ về thời 11, 12 tuổi cầm Cạn chén tình, Ví dụ ta yêu nhau… leo cây me đọc đi đọc lại, hoặc những đêm xách đèn dầu băng đồng qua nhà hàng xóm để xem phim Tình nhỏ làm sao quên.
Tác phẩm Huyền xưa của nhà văn Từ Kế Tường cũng từng làm nhà thờ Lê Minh Quốc “xao xuyến” từ năm 7, 8 tuổi và cho rằng văn chương, chữ nghĩa có những mối duyên kỳ lạ, vì mấy chục năm sau anh lại có dịp ngồi chung bàn cà phê “đàm đạo” với nhà văn mình yêu mến.
Nhà văn trẻ Trúc Thiên cho rằng: “Tác phẩm của các tác giả 8X mang tính kế thừa của các thế hệ nhà văn đi trước ở sự nhân văn và hồn nhiên của tuổi trẻ”.
Tại đây, độc giả có dịp nghe các nhà văn kể về một giai đoạn sống và viết của thế hệ mình. Đó là giai đoạn trước 1975, các tờ báo Tuổi ngọc, Ngàn thông… đã ươm mầm cho những ngòi viết trẻ, có khá nhiều người đã thành danh từ đây. Đây cũng là giai đoạn có khá nhiều tủ sách viết về tuổi học trò như: Tuổi hoa, Trăm hoa, Tay ngà… phát hành rất mạnh.
Vì nhiều lý do, các tác phẩm bị gián đoạn một thời gian, năm 1997 mới được tái bản rầm rộ và tập hợp thành một dòng văn học chính thống. Từ đó đến nay, các NXB và một số đơn vị phát hành đã lần lượt tái bản các tác phẩm giai đoạn này như Phương Nam Books đã phát hành rất nhiều tác phẩm của nhà văn Đoàn Thạch Biền.
Việc phát hành lại các tác phẩm viết cho tuổi học trò một thời đã dẫn độc giả trở về miền ký ức của mình, về một thời đã đồng hành và lãng đãng cùng biết bao nhiêu nhân vật như Thanh Huy, Anh Chi trong Anh Chi yêu dấu (Đinh Tiến Luyện), Xuân, Thạch, Sông Nhuệ của Ở một nơi ai cũng quen nhau (Hoàng Ngọc Tuấn)…
Cũng vậy, không khí thời đại, văn hóa vùng miền phảng phất qua từng tác phẩm: 17 truyện ngắn của tập Đâu phải cái gì cũng mong manh đưa bạn đọc đi qua 17 tỉnh thành với nền văn hóa và ẩm thực đa dạng, phong phú, đến với Cạn chén tình là đến với một vùng “đặc sệt” Huế…
Lam Hạnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất