04/01/2018 14:36 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nhìn chung về bề nổi, văn học năm 2017 có vẻ như thất bát. Nhưng nếu chỉ tìm những tác phẩm có thiên hướng về sáng tạo hoặc học thuật, năm vừa qua vẫn có những tín hiệu vui.
“Văn chương năm 2017 có vẻ hơi dễ dàng, nếu không muốn nói là dễ dãi, nhiều tác phẩm “xinh xinh đẹp đẹp” vẫn tiếp tục ra đời và dường như trở thành một xu thế. Người ta vẫn đọc văn chương vì tò mò, chẳng hạn nghe cuốn nào bị thu hồi thì phải lùng mua cho bằng được, hơn là tìm giá trị tác phẩm” - nhà văn Trần Nhã Thụy nhận định.
Các tác phẩm có dấu ấn cá nhân
Tháng 12/2017 với nhiều độc giả yêu văn học quả là lý thú, vì ít nhất có hai tác phẩm khiến họ hào hứng chờ đợi. Đầu tiên là tập truyện ngắn Người tị nạn (The Refugees) của Viet Thanh Nguyen, qua bản dịch của Phạm Viêm Phương, với 10 ngàn bản cho đợt phát hành đầu tiên. Những độc giả thật sự yêu thích tập truyện này sẽ là người có trình độ thưởng thức văn chương bậc khá, vì tác giả viết không hề dễ đọc.
Ngày 20/12/2017, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phát hành tập truyện dài Cây chuối non đi giày xanh với 170 ngàn bản in. Nếu chỉ xét về số lượng, đây là con số kỷ lục và hấp dẫn với thị trường xuất bản của nhiều quốc gia. Phần lớn độc giả của tập truyện này sẽ dưới 15 tuổi - một thị phần mà nhiều năm qua Nguyễn Nhật Ánh gần như một mình bao quát.
Với Trần Nhã Thụy thì: “Trong tư cách độc giả, năm qua có mấy tác phẩm khiến tôi ấn tượng, đó là Người yêu dấu (truyện dài của Dạ Ngân), Con chim Joong bay từ A đến Z (tiểu thuyết của Đỗ Tiến Thụy), Con chim phụng cuối cùng (tập truyện ngắn của Nguyễn Kim Hòa)... Nhưng để tôi thích thú nhất thì chỉ có hai cuốn Về nhà (tự truyện của Phan Việt) và Những kẻ khó thích nghi (tập truyện ngắn của Trà Đóa). Một phi hư cấu (non-fiction) và một hư cấu đều cho tôi nguồn cảm xúc mạnh, gợi ý những bài học viết cũng như bài học sống”.
Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu (Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng cho rằng nếu nhìn bề mặt, thì văn học Việt Nam năm 2017 không có hiện tượng gì đột phá. Nhưng anh phân tích thêm: "Nhìn vào những chuyển động ở bề sâu thì tôi lại thấy năm qua có những hiện tượng khá thú vị. Thứ nhất, sự trỗi dậy của thể loại văn chương khảo cứu với các cuốn sách của Nguyễn Vĩnh Nguyên (Ký ức một ảnh viện Sài Gòn), Nguyễn Mạnh Tiến (Sống đời của chợ, Những đỉnh núi du ca)... Loại văn chương khảo cứu ở những tác giả này có những phát hiện vi-lịch sử rất thú vị, lại được thể hiện bằng một lối văn phong lịch lãm, vừa có tính chất tư liệu lại vừa có tính chất suy tưởng".
"Thứ hai, một số tác giả được phát hiện không phải thông qua những con đường truyền thống như các cuộc thi sáng tác hay thậm chí qua cả kênh PR truyền thông. Họ được phát hiện bởi các nhà sách và những tác phẩm của họ khá độc lập về đường hướng, bút pháp cũng như tư duy như Nguyễn Khắc Ngân Vi, Trần Băng Khuê, Vũ Thành Sơn, Trà Đóa...” - anh nói tiếp - "Việc các nhà sách tư nhân dám chấp nhận in những cây bút viết có gu riêng như thế này theo tôi cũng là tín hiệu đáng mừng”.
Câu chuyện dịch thuật và học thuật
Tuy nhiên, khi đề cập đến một nền văn học thì không thể bỏ qua mảng dịch thuật, vì sức tác động của các bản dịch rất cụ thể, to lớn. Nhiều nền văn học lớn trên thế giới - ví dụ như Mỹ, Đức, Nhật, Trung Quốc… - xem dịch thuật là một bộ phận của sáng tạo và lịch sử văn học nội địa.
Trần Ngọc Hiếu tiếp tục chia sẻ: “Phần sáng nhất của bức tranh văn học 2017 có lẽ thuộc về mảng văn học dịch. Có khá nhiều các tác phẩm đương đại xuất sắc như Tiền của Martin Amis, Chiến tranh và chiến tranh của László Krasznahorkai, Con sẻ vàng của Donna Tartt... được dịch. Thêm vào đó, có cả những tác phẩm kinh điển như Moby Dick của Hermann Melville, Những kỳ vọng lớn lao của Charles Dickens, Khi loài vật lên ngôi của Karel Capek, Chân dung một nghệ sĩ trẻ của James Joyce... đã xuất hiện hoặc tái xuất hiện trong tiếng Việt. Nhưng cái chưa được cũng nằm ở đây, vì nó vẫn chưa thực sự khơi dậy những thảo luận về cách đọc, cách viết ở giới phê bình lẫn giới sáng tác”.
“Trong khi phê bình văn học đang nhạt dần và chịu sự can thiệp của công nghệ truyền thông, thì nghiên cứu học thuật lại có những chuyển động đáng chú ý. Việc Hội Nhà văn TP.HCM lựa chọn chuyên khảo Văn chương phương Nam - Một vài bổ khuyết của Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy trao giải thưởng chính thức duy nhất là sự ghi nhận đích đáng" - vẫn Trần Ngọc Hiếu nhận định - "Những chuyên khảo giới thiệu các hướng nghiên cứu mới như phê bình sinh thái, mỹ học tiếp nhận của Nguyễn Thị Tịnh Thy, Hoàng Phong Tuấn... cho thấy giới nghiên cứu đã nhận ra cần phải hướng đến một hệ hình mới. Còn rất nhiều việc phải làm nhưng tôi cho rằng đấy là những tín hiệu khả quan” - Trần Ngọc Hiếu nhận định.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất