11/10/2016 06:38 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Vietnam Idol mùa thứ 7 vừa kết thúc. Cơn sốt Janice Phương – cô gái nước ngoài đầu tiên đăng quang trong lịch sử cuộc thi này còn chưa hết, thì lại dấy lên tin đồn về nguy cơ "xóa sổ" Vietnam Idol vì... quá nhạt. Rằng cỗ máy này đã hết khả năng tạo ra "thần tượng".
Janice Phương – quốc tịch Philippines đã đăng quang Vietnam Idol 2016 hôm 30/9/2016 và trở thành thí sinh "ngoại" đầu tiên giành ngôi vị Quán quân trong lịch sử Vietnam Idol. Kết quả này đã phản ánh nỗ lực không mệt mỏi của Vietnam Idol trong cuộc chiến tìm kiếm nhân tài.
Dù là người đi đầu, đã trụ suốt 7 mùa, nhưng trong cuộc đua săn tìm tài năng, Vietnam Idol đang phải chiến đấu quyết liệt.
"Đánh bắt xa bờ"
Khi những đối thủ cạnh tranh của như Giọng hát Việt (The Voice), Nhân tố bí ẩn (X-Factor) tung ra format hấp dẫn hơn, đầu tư "khủng" hơn, thí sinh tài năng tự dưng dồn hết về các chương trình này. Ngoài ra, những chương trình "chiếu dưới" như Sao Mai, Học viện Ngôi sao, thậm chí cả Vietnam's Got Talent liên tục tuyển sinh, khiến nguồn cuộc chiến "săn đầu người" ngày càng khốc liệt hơn.
Trong cuộc chiến này, Vietnam Idol đã phải tìm mọi cách để "săn" được thí sinh tốt. Vài năm trước chương trình này đã tuyên bố đặc cách cho các thí sinh được đào tạo bài bản tại các trường âm nhạc, đã từng có giải vượt qua vòng sơ tuyển.
Vietnam Idol cũng săn tìm các thí sinh kinh qua các cuộc thi chuyên nghiệp như Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn. Những nhân tố như Uyên Linh, Đông Hùng, Hoàng Quyên, Thanh Huyền... bước ra từ các cuộc thi này nhanh chóng lọt sâu vào vòng trong của Vietnam Idol và vươn lên vị trí cao của cuộc thi như Uyên Linh – Quán quân Vietnam Idol 2012, Hoàng Quyên – Á quân Vietnam Idol 2012.
Thí sinh đã từng kinh qua "cối xay nhân tài" Giọng hát Việt như Phương Linh vào Vietnam Idol cũng đi được một chặng khá dài. Mùa năm nay, Vietnam Idol đã tuyển Quán quân Học viện Ngôi sao 2015 Thảo Nhi, cô chỉ vào được tới top 4.
Không chỉ có thế, Vietnam Idol bắt đầu mở rộng "đánh bắt xa bờ" tuyển thí sinh Việt kiều, thí sinh du học nước ngoài về. Năm ngoái những giọng ca như Vân Quỳnh (Việt kiều Mỹ), Trọng Hiếu (Việt kiều Đức) gần như là át chủ bài của cuộc thi. Cuối cùng Trọng Hiếu đã đăng quang Vietnam Idol 2015.
Không dừng lại tại đây, năm 2016 chương trình này đã mở rộng quy chế, tuyển cả thí sinh có quốc tịch nước ngoài. BGK Vietnam Idol 2016 háo hức thấy rõ. Giám khảo Thu Minh luôn tỏ ra hứng khởi đặc biệt với những thí sinh du học nước ngoài về hoặc là Việt Kiều. Có lúc chị đã phải thất vọng vì sự thật không như các thí sinh "quảng cáo", nhưng cũng đã chọn được Tùng Dương, từng du học Anh 7 năm, và Janice Phương, quốc tịch Philippines.
Kết thúc mùa giải, Janice Phương đến từ Philippines, năm nay 28 tuổi, đã kết hôn trở thành Quán quân Vietnam Idol 2016.
Chiến thắng này rất xứng đáng, nhưng cũng đặt ra một câu hỏi, phải chăng đã tới lúc thị trường âm nhạc Việt Nam cạn kiệt tài năng?
Vất vả "nhào nặn" tài năng
Khi phải chia sẻ tài năng với các chương trình truyền hình thực tế khác, thì khó tránh khỏi "vơ bèo vạt tép". Việc chỉ chọn được các giọng ca tầm trung, đồng nghĩa với việc ban huấn luyện Vietnam Idol sẽ phải bỏ nhiều công đào tạo thí sinh hơn.
Nếu vòng Giấu mặt của Giọng hát Việt khoe rất nhiều giọng ca "khủng" và loại không thương tiếc các giọng ca tốt ở vòng Đối đầu, thì Vietnam Idol năm nào cũng phải vất vả với Top 10. Có những mùa không có mấy giọng ca đáng để nghe. Nhiều mùa khan hiếm tài năng trầm trọng, khiến ban huấn luyện phải làm việc rất vất vả để "nhào nặn" thí sinh và "đau tim" theo dõi họ trong từng đêm diễn.
Trường hợp điển hình là Quán quân Vietnam Idol 2013 Ya Suy. Ở vòng loại Ya Suy không được chọn, nhưng sau đó ban tổ chức quyết định cử giám khảo Quốc Trung lặn lội đến tận Tây Nguyên trao vé vàng cho chàng trai dân tộc này. Để rồi sau đó các huấn luyện viên của Vietnam Idol tốn bao công sức mài dũa "viên đá thô" Ya Suy mà mãi không thấy "ngọc" đâu. Ya Suy đăng quang Vietnam Idol 2013 sau những màn trình diễn đầy run rẩy.
Năm nay, ban huấn luyện cũng được phen vất vả với một dàn thí sinh đồng đều, nhưng phải mất rất nhiều thời gian để họ tìm được "chất" của mình. Trong hơn 10 gala, rất hiếm những tiết mục khiến khán giả bùng nổ. Những "chàng trai bán bún bò", "bác sĩ tăng động" không thể "câu" được nhiều rating hơn. Thậm chí Quán quân Học viện Ngôi sao cũng không có cách nào khiến khán giả vỗ tay rào rào.
Á quân của chương trình là Việt Thắng, cũng là "ca" ban huấn luyện mất công nhất. Vào đến gần chung kết mà Thắng vẫn bao phen hát sai lời, hát phô, chệch nhịp khiến giám khảo Bằng Kiều, Thu Minh, Nguyễn Quang Dũng ngồi dưới không ít lần "đau tim". Chỉ duy nhất của Janice Phương, thí sinh đến từ Philippines là ổn từ đầu đến cuối, ít ra còn khiến BGK, khán giả yên tâm ngồi nghe.
Bằng Kiều và Janice Phương song ca "Yêu thương mong manh'
Dù Vietnam Idol theo format biến "số không" trở thành "người hùng" (from zero to hero), nhưng phải chấp nhận thực tế ở Việt Nam rất hiếm có nhân tố có khả năng như vậy.
Trong nhịp độ một tuần một gala phát sóng trực tiếp, chỉ có những thí sinh đã từng được đào tạo, từng kinh qua các cuộc thi đáp ứng được yêu cầu. Không có ai đến đây từ số không mà có thể trở thành người hùng trừ trường hợp may mắn như Ya Suy.
Những Uyên Linh, Văn Mai Hương, Nhật Thủy, Trọng Hiếu đều là người có kinh nghiệm ca hát, hoặc được đào tạo bài bản trước đó. Janice Phương dù là một giọng ca không chuyên nhưng đã vài năm kinh nghiệm trình diễn ở quán bar.
Tiếp tục tồn tại thế nào?
Trong bối cảnh X-Factor tại Anh Quốc khai tử năm 2014, đầu năm nay American Idol - chương trình truyền hình thực tế có thâm niên và hoành tráng nhất thế giới bị khai tử, sau đêm chung kết Vietnam Idol 2016 một số báo đặt ra câu hỏi Vietnam Idol có tiếp tục tồn tại hay không? Nhà sản xuất BHD cho biết họ không hề có ý định dừng chương trình.
Tuy nhiên, với những ai theo dõi Vietnam Idol suốt 7 mùa đều có thể nhận thấy chương trình bắt đầu đi tới giới hạn. Vietnam Idol đã bị đẩy ra khỏi 2 ngày "vàng" là Thứ Bảy, Chủ nhật, để dạt sang khung 21h10 của ngày Thứ Sáu.
Trong khi các đối thủ như Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn chịu chi cho sân khấu, cho dàn dựng tiết mục, phục sức cho thí sinh, thì Vietnam Idol vẫn trung thành vơi phong cách chân phương, giản dị.
Ngoài ra, không chỉ phải đối đầu với các cuộc thi dành cho người lớn, mà Vietnam Idol, Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn sẽ còn phải cạnh tranh với "đối thủ" đang "hot" hơn là các cuộc thi ca hát dành cho thiếu nhi như Giọng hát Việt nhí, Vietnam Idol nhí. Rating của những chương trình này cực cao. Những giọng ca nhí bước ra từ các cuộc thi này như Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường đều là những từ khóa cực "hot" trên Google.
Vietnam Idol sau 7 mùa tồn tại, đã cố gắng đổi mới theo từng mùa nhưng có lẽ là chưa đủ trong thời buổi truyền hình thực tế ngày càng màu mè, lắm chiêu trò. Việc các nhà sản xuất liên tiếp nhập khẩu các format mới về cũng là một áp lực rất lớn, có khả năng đẩy các chương trình thâm niên như Vietnam Idol càng xa ngày vàng, giờ vàng. Và cái nguy cơ khai tử như American Idol bỗng trở nên rất gần.
Bài sau: Một thập niên Vietnam Idol: Người đi tiếp, kẻ dừng bước
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất