04/10/2021 07:55 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Giáo sư Vũ Khiêu là một nhà khoa học mẫn cán, nghiêm túc, nhưng lại có phong thái rất nghệ sĩ. Trong cuốn Anh hùng và nghệ sĩ, ông viết: “Nhân dân ta vừa yêu anh hùng, vừa yêu nghệ sĩ”. Có một câu đối rất xác đáng về ông: “Triết gia trong cách mạng/ Nghệ sĩ giữa anh hùng”.
Sau Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ nhất (từ 1 đến 4/4/1957 tại Câu lạc bộ Đoàn Kết - Hà Nội, có 278 đại biểu), GS Vũ Khiêu được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam đợt đầu tiên cùng 15 nhà văn: Cầm Lai, Hoàng Xuân Nhị, Nam Mộc, Phan Khôi, Phan Tứ, Phác Văn, Thợ Rèn, Trần Huy Liệu, Xích Điểu, Hải Hồ, Minh Giang, Phạm Thiều, Phạm Tường Hạnh, Thanh Hương và Thái Vũ (năm 1957).
GS Vũ Khiêu và những “kỷ lục nhất/ đầu tiên”
Văn chương luôn đồng hành cùng ông trên con đường sự nghiệp nghiên cứu. Ông chia sẻ về nghề văn “phải có xúc động chân thành, sâu sắc và tư tưởng rộng lớn khi cầm bút”.
Ông là người tiên phong nghiên cứu mỹ học tại Việt Nam, xây dựng và tổ chức nghiên cứu bộ phận Mỹ học đầu tiên ở Việt Nam với cuốn sách mỹ học đầu tiên có tên Đẹp (1963); là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học và từ đó đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển ngành xã hội học Việt Nam.
Ông là nhà khoa học lần đầu tiên được phong hàm Giáo sư.
Ông vinh dự được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên (đợt 1 năm 1996).
GS Vũ Khiêu là nhà văn Việt Nam đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời đổi mới (năm 2000).
Năm 2010, nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, GS, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu là người đứng đầu danh sách cá nhân được vinh danh Công dân Thủ đô Ưu tú đợt đầu tiên.
Người hiền trọng tri thức, giàu nhân cách văn hóa
Tôi có nhiều dịp gặp ông tại một số hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam và đã đến thăm ông tại tư gia ở ngõ Vạn Bảo (quận Ba Đình, Hà Nội). Cảm nhận đầu tiên tôi thấy ở một nhà khoa học, nhà văn là sự giản dị, mực thước, nho nhã, lịch thiệp. Khi nói chuyện, ông nhỏ nhẹ, ôn tồn, kiến văn sâu rộng, ý tứ sâu sắc, đặc biệt là sự hóm hỉnh, hài hước rất duyên. Ai đã từng tiếp xúc với GS Vũ Khiêu đều có chung cảm nhận từ ông luôn tỏa sáng một ánh sáng, năng lượng đặc biệt, đó là sự uyên bác, tâm tuệ, cốt cách văn hóa, trái tim nhân hậu, giàu tình yêu thương con người. Ông gần gũi, hòa đồng, thân thiện đến mức không làm người trò chuyện cảm thấy e ngại, hay khoảng cách về thế hệ.
Sinh ra trong gia đình Nho học ở làng Hành Thiện - quê hương có truyền thống hiếu học - ông coi trọng sách, yêu chữ nghĩa thánh hiền, nên cách ứng xử với sách, với cái đẹp, nhân văn luôn được ông kính trọng.
Tôi nhớ, cách đây 11 năm, tôi đến thăm ông theo lịch hẹn trước thềm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi đến, ông đang nói chuyện với một bạn trẻ. Ông chủ động giới thiệu để 2 vị khách cùng tiếp chuyện ông biết nhau. Ông nói Ban thư ký văn phòng mang cuốn sách Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long do ông và Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng đồng Chủ tịch hội đồng biên soạn và bộ sách Văn hiến Thăng Long. Ông say sưa nói về 3 tập sách gắn với 3 mốc lớn trong lịch sử: Văn hiến Thăng Long - Hà Nội từ thời Hùng Vương đến triều đại Tây Sơn; Văn hiến Thăng Long - Hà Nội kể từ khi có Đảng ra đời đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975; Một Hà Nội hôm nay với những thuận lợi, khó khăn và triển vọng phát triển…
Bất ngờ, anh bạn xê chén nước làm vẩy ra bàn giọt nước, ông vội cầm cuốn sách nâng lên, đặt cuốn sách một cách trang trọng lên bàn và nói: “Từ bé, tôi đã được khắc ghi câu thơ của nhà bác học Lê Quý Đôn: Dẫu có bạc vàng trăm vạn lượng/ Chẳng bằng kinh sử một vài pho. Gia đình tôi luôn nhắc nhở tầm quan trọng của sách. Ở làng Hành Thiện quê tôi, tiêu chí người giàu có là người có chữ. Tiền bạc không phải là thứ quan trọng nhất, tri thức mới là quan trọng. Bởi thế, người nhiều tiền bạc chưa chắc đã được trọng bằng người có chữ. Thậm chí, trọc phú còn dễ bị coi thường. Theo đó, gia đình khá giả cũng thường tìm gả con cho các hàn sĩ, tuy ít tiền bạc, nhưng lại giàu chữ nghĩa thánh hiền. Cái nếp đó đã trở thành truyền thống của làng. Những người giàu tri thức thường được các cô gái đẹp người, đẹp nết quan tâm chọn làm chồng. Bây giờ thời kỳ đổi mới có thể khác hơn, nhưng làng tôi vẫn luôn nhắc nhở con cháu việc học hành. Thế nên, người có học được đánh giá là người sống nhân tình thế thái”.
Tôi hiểu GS Vũ Khiêu treo chữ “Tri” thư pháp trong nhà để nhắc nhở chính mình và con cháu.
Gặp và nghe ông nói, tôi cảm phục vô cùng sự dẻo dai, minh mẫn, trí tuệ; tinh thần làm việc với cường độ cao đến quên mình để hoàn thành những công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
GS Vũ Khiêu là một học giả, một nhà nghiên cứu văn hóa, một nhà văn, một anh hùng lao động, một người con ưu tú… Ông sống thanh bạch, giản dị, liêm chính, không chạy theo những lợi ích vật chất… và lấy công việc, lao động bền bỉ vừa là niềm vui sống tích cực và cũng vừa rèn luyện tâm tuệ, sức khỏe, sự bền bỉ, dẻo dai. Với ông, thời gian rất quý, nhưng đáng quý hơn là biết tận dụng thời gian để làm việc có ích cho Tổ quốc, cho nhân dân và cho con cháu mình. Giáo sư không cho phép bộ óc biếng lười. Vì thế, một khẩu hiệu thường trực: Làm việc, làm việc, sống khỏe, sống có ích. Đó chính là phương châm sống của ông.
Là người có công đầu trong xây dựng ngành xã hội học ở nước ta, ông cũng là người tổ chức bộ phận mỹ học đầu tiên ở Việt Nam. Những quan điểm mỹ học thể hiện qua triết học biện chứng được ông đúc kết trong cuốn chuyên luận có tên Đẹp xuất bản năm 1963. Kiến thức triết học được chuyển tải bằng ngôn ngữ văn chương hấp dẫn, sinh động: "Đẹp ơi! Em là gì mà bao người tìm em chẳng thấy? Bởi vì em sống giữa cõi đời, nên nhiều người đã từng có diễm phúc gặp em. Trong lịch sử loài người đã diễn ra những cuộc tranh cãi vô tận về em. Cái đẹp là một phạm trù có tính nhân loại. Đẹp chính từ sáng tạo của con người. Tài năng của con người là cái đẹp nhất trong mọi cái đẹp".
Giáo sư Vũ Khiêu là một nhà khoa học mẫn cán, nghiêm túc, nhưng lại có phong thái rất nghệ sĩ. Trong cuốn “Anh hùng và nghệ sĩ”, ông viết: “Nhân dân ta vừa yêu anh hùng, vừa yêu nghệ sĩ”.
Năm 1970, ông đã ra mắt công trình nghiên cứu về Cao Bá Quát. Khoa học và chất nghệ sĩ được kết hợp hài hòa khi ông đặt trăng trong đối sánh giữa Cao Bá Quát với Lý Bạch: "Trăng đã cùng Cao Bá Quát thức suốt đêm nhìn nhau chẳng nói. Có khi Quát nhìn trăng, trăng cũng như hiểu mình. Có lúc mình long đong như con ngựa mỏi trên đường dài, nhìn trăng, thấy trăng cũng cô đơn như mình giữa bầu trời lạnh. Có lúc trăng thông cảm với tấm lòng trong trắng của con người và người cũng thương cho trăng đêm đêm cứ soi hoài trên dòng bạc. Tiên Lữ về đặt giữa hồ Tây. Muốn núi đồi kia bừng nở rừng mai trắng"…
Ông đánh giá cao sức mạnh văn hóa: "Văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa của tương lai" (Hồ Chí Minh - ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam)…
(Còn tiếp)
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất