27/10/2020 07:17 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Trưa qua, 26/10, tôi đang cùng 14 nhạc sĩ của Hội Âm nhạc Hà Nội lên sáng tác âm nhạc tại Nhà Sáng tác Đại Lải, thì nghe tin nhạc sĩ Văn Ký qua đời... Tôi bàng hoàng. Những kỷ niệm mới hơn 2 tháng trước ùa về.
1. Trong đời mình, tôi gặp nhiều điều không may, nhưng lại cũng có cái may mà mình không ngờ tới... Mấy tháng trước, sau khi nghe ca khúc của tôi Chiều nay nếu anh không về - ca khúc viết trong dịp Covid-19 - nhà nhiếp ảnh Lê Thành đã gửi tặng tôi một máy quay phim thuộc loại “xịn”.
Có máy quay mới, tôi nói với Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân: Tôi sẽ đi ghi hình tất cả các nhạc sĩ đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, sẽ phỏng vấn về cuộc đời, sáng tác, sự ra đời các tác phẩm âm nhạc của họ. Anh Quân đồng ý ngay.
Thế là tôi lặn lội đến ghi hình các nhạc sĩ như: Phạm Tuyên, Chu Minh, Doãn Nho, Trần Quý, Đôn Truyền, Nguyễn Văn Quỳ. Và vào ngày 21/8 vừa qua, tôi đã đến tận khu Ecopark để ghi hình và trò chuyện với nhạc sĩ Văn Ký. Đó là tài liệu vô giá khi ông kể cho tôi nghe hơn 1 tiếng đồng hồ về con đường đến với âm nhạc của ông từ sau Cách mạng Tháng 8, về những hoàn cảnh và tâm tư của ông khi viết những ca khúc: Bài ca hy vọng, Tây Nguyên bất khuất, Nha Trang mùa Thu lại về, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Trời Hà Nội xanh...
Tôi rất thích một câu chuyện ông kể: Sau ngày giải phóng miền Nam, ông được Hội Nhạc sĩ Việt Nam cử dẫn đầu một đoàn ca nhạc vào diễn tại TP.HCM. Ông cho đoàn biểu diễn 4 đêm liền, mỗi đêm 2 tăng. Dân Sài Gòn lúc đó háo hức đi xem văn công của Hà Nội diễn ra sao. Tiền bán vé thu được quá nhiều. Sau khi hỏi ý kiến của nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam lúc đó - ông bèn quyết định dùng tiền bán vé để mua cho Hội một chiếc ô tô và gửi ra Bắc bằng đường biển. Ông cười nói với tôi: “Sau này khi về Hà Nội, Hội đã dùng chiếc ô tô để đi kiếm được khối tiền cho Hội, để giúp đỡ hội viên bị ốm đau, hay gặp khó khăn về kinh tế. Vì lúc đó Nhà nước còn nghèo, nên đồng tiền của bọn mình kiếm ra rất quý...”.
Cuối buổi gặp, ông đề tặng tôi cuốn sách nhạc: Bài ca hy vọng - Tuyển tập ca khúc, bìa màu sẫm có in ảnh ông ở ngoài. Ông nói: “Cám ơn Lân Cường nhé. Đài truyền hình có ghi hình mình thì dăm mười phút, mình chỉ nói được từng mục lẻ tẻ. Hôm nay, được nói chuyện hơn 1 giờ với bạn, những tâm sự mà mình chưa có điều kiện nói với ai”.
Ông nắm tay tôi và nói thêm: “Chụp cái ảnh kỷ niệm nhé, bằng tuổi này rồi mình cũng chẳng biết lúc nào sẽ ra đi...”. Tôi không ngờ đấy lại là bức ảnh cuối cùng được chụp với ông - người nhạc sĩ tài ba.
2. Nhạc sĩ Văn Ký tên thật là Vũ Văn Ký, sinh ngày 1/8//1928, tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Nhà có 4 anh em mà ông là con trưởng. Nhà nghèo, nên năm 15 tuổi, cậu bé Vũ Văn Ký được chú ruột là Vũ Văn Đàm đón vào Nông Cống tỉnh Thanh Hóa cho ăn học.
Cũng chính tại đây, cậu bắt đầu tham gia cách mạng, làm tổ trưởng Việt Minh tại thị trấn Nông Cống và ít lâu sau bị mật thám Pháp bắt giam. Văn Ký là chiến sĩ cộng sản trẻ nhất khám, mặc dù bị tra tấn bằng điện nhưng kiên quyết không khai ra đồng đội của mình. Khi Nhật đảo chính Pháp, anh và các chiến sĩ cách mạng được giải thoát. Tháng 8/1945, vừa tròn 17 tuổi, chàng thanh niên họ Vũ tham gia giành chính quyền ở Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Văn Ký được cử đi học lớp Văn hóa Văn nghệ ở Liên khu IV. Các thầy dạy âm nhạc đầu tiên cho anh là các nhạc sĩ Lê Yên và Nguyễn Văn Thương. Năm sau, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hơn 70 năm đã trôi qua, kể từ tác phẩm đầu tay Trăng xưa (1946) ông viết ở Nông Cống cho đến tác phẩm mới nhất của ông Tiếng nói của anh (phổ thơ Bùi Phấn), nhạc sĩ Văn Ký đã để lại cho đời một gia tài âm nhạc đồ sộ: khoảng 400 ca khúc, 2 ca cảnh, 1 ca kịch, 1 tổ khúc vũ kịch, nhạc không lời… Nói đến ông là người ta không thể quên được tên của các ca khúc nổi tiếng: Bài ca hy vọng, Nha Trang mùa Thu lại về, Tây Nguyên bất khuất, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Trời Hà Nội xanh, Hà Nội mùa Xuân, Hồ Chí Minh - thành phố mặt trời. Đặc biệt Tổ khúc giao hưởng Kơ Nhí đã được các dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Moscow, CHDC Đức… biểu diễn và tác phẩm được xuất bản ở Moscow năm 1989.
Cùng với những nhạc sĩ sinh vào thập kỷ 20 của thế kỷ trước như: Nguyễn Thiện Tơ, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Giác, Hoa Nam, Nguyễn Văn Quỳ, Tô Hải, Huy Sô, Trần Văn Thụ, Hoàng Kiều, Phong Kỳ, Trần Tất Toại, Văn Ký là một trong những nhạc sĩ nhiều tuổi nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho tới năm 2020 này.
3. Nhớ ngày nào, vào ngày 15 hàng tháng, ông cũng thỉnh thoảng đến sinh hoạt hội với chúng tôi, vì ông là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội. Ông góp ý cho các tác giả trẻ kinh nghiệm sáng tác của mình. Ông thường nhắc đi nhắc lại với tôi: “Có đề tài là phải ôm ấp lấy nó, tìm hiểu thật kỹ thì âm nhạc mới có hồn. Mình viết Trời Hà Nội xanh, vì thấy chưa có nhạc sĩ nào viết về bầu trời Hà Nội. Bầu trời ấy đã từng đánh tan B52, dưới bầu trời ấy ngày nay nhân dân ta đang xây dựng cho Thủ đô tươi đẹp hơn”: Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội/ Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh/…/ Cho mãi mãi bầu trời xanh Hà Nội/ Cầu Thăng Long soi bóng nước sông Hồng (Trời Hà Nội xanh).
Anh vẫn tham gia các cuộc đi sáng tác. Gặp anh là thấy anh cười tủm tỉm và ân cần thăm hỏi anh em nhạc sĩ của Hội Âm nhạc Hà Nội như một người anh cả trong gia đình. Anh vẫn thường nói với chúng tôi: “Phần thưởng quý giá nhất của mình là những ca khúc đã đi được vào lòng công chúng…”.
Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Văn Ký đã được tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Trong tác phẩm Hành trình Bài ca hy vọng, nữ tác giả Diệu Ân từng viết: “Suy cho cùng, Văn Ký đã rất dụng công để thai nghén, cho ra đời những tác phẩm có giá trị vào những thời điểm gay cấn nhất, làm cho tác phẩm tỏa sáng, có đất sống và trường tồn cùng đất nước”. |
Nhạc sĩ Lân Cường (Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất