Vĩnh biệt nhạc sư Vĩnh Bảo (Kỳ 2): 'Ngón đàn Vĩnh Bảo, tiếng đời thiết tha'

12/01/2021 19:15 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - 25 năm trước (1996), trong một cuộc hội ngộ ở căn gác nhỏ nằm sâu trong những con hẻm quận Bình Thạnh, TP.HCM, sau một bản đờn mà nhạc sư Vĩnh Bảo tặng cho Huy Cận, nhà thơ “tức hứng” tặng lại nhạc sư 4 câu thơ: “Kìm tranh mấy tiếng dạo qua/ Khi than thở, lúc vui hòa lứa đôi/ Tiếng kim, tiếng mộc, tiếng người/ Ngón đàn Vĩnh Bảo, tiếng đời thiết tha”.

Vĩnh biệt Nhạc sư Vĩnh Bảo: 'Người lính' bảo vệ nhạc dân tộc

Vĩnh biệt Nhạc sư Vĩnh Bảo: 'Người lính' bảo vệ nhạc dân tộc

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo có lẽ là người duy nhất được gọi là “nhạc sư”, vì ông được mời giảng dạy âm nhạc dân tộc tại các viện, trường trong và ngoài nước. Ông từng dạy đàn tranh tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, tại Đại học Illinois, Hoa Kỳ.

Ngôi nhà nhỏ ấy, hơn 10 năm sau khi tôi đến thăm ông, vẫn vậy và có đến 6 con người trú ngụ trong 30 mét vuông. Lúc đó, người vợ mà ông yêu thương, kính thờ suốt đời, bà Trâm Anh, nghe có khách đến thì lặng lẽ vào phía sau bếp đem cho tôi ly nước. Bà nở nụ cười hiền dịu: “Cô đến chơi thật vui, ông ấy chờ cô từ sáng. Có bạn trẻ đến nhà chịu nghe tiếng đờn, ông cứ ngóng”.

Người phong lưu yêu mến đờn ca tài tử

Bà đưa tôi lên cầu thang nhỏ hẹp chỉ đủ 1 người đi, lên căn gác cũng nhỏ nhưng đầy sách và đờn. Tôi thì lại cảm nhận có một không gian khác đang cư ngụ ở đây. Một không gian của âm nhạc mở rộng đến vô cùng khi ông gật đầu nói tôi ngồi xuống và nhè nhẹ dạo một bản đờn.

Rồi ông nói tôi cần hỏi gì ông. Nếu muốn học đờn ông sẽ dạy.

Tôi đã đọc cuốn sách viết về cuộc đời ông, 3 chìm 7 nổi, lang thang với đủ nghề, nhưng rốt cuộc, ông lại trụ với âm nhạc như một duyên tiền định khi sinh ra trong ngồi nhà mà cha ông vốn là người phong lưu yêu mến đờn ca tài tử.

Tôi cũng biết ông không phải là một người đi học nhạc ở trường dạy chuyên nghiệp có bằng cấp. Nhưng hành trình tự học âm nhạc của ông với từng ngón đờn nổi tiếng nhất lục tỉnh Nam Kỳ xưa đã tạo ra một kỳ tài của đất nước và 2 chữ “nhạc sư” mà học trò và người yêu âm nhạc khắp thế giới đã trao cho ông là danh xưng cao quý nhất, xứng đáng với những gì ông đã để lại cho âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam.

Chú thích ảnh
Nhạc sư Vĩnh Bảo

Có người nói, điều gì ở ông khiến người ta phải ngưỡng mộ: Tài năng, tuổi tác hay đạo đức? Ông có cả 3. Tài năng lớn nhất ở ông là tự học. Hiếm có một nhạc sư nào thông thạo ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật như ông. Hiếm có một nhạc sư nào ở tuổi 90 vẫn dạy học trò mình ở khắp thế giới mà lớp học đơn sơ trên căn gác gỗ nhỏ hòa đờn, xuyên không gian qua màn hình vi tính online.

Nhắc tới điều này, phải cảm ơn sự phát triển của công nghệ máy tính, nếu không, một người mà không màng công danh và không biến âm nhạc thành công cụ để làm giàu như ông sẽ khó mà truyền thụ âm nhạc dân tộc Việt Nam đi khắp thế giới như vậy.

Không chỉ là một người thầy tài giỏi, học trò của ông còn may mắn được một người thầy đức độ truyền thụ cả nhân sinh.

“Nghe tiếng đờn biết tính người”

“Tôi là nhạc sĩ, sống với nội tâm nhiều hơn ngoại cảnh. Đối với tôi không có chuyện lớn, chuyện nhỏ, không có kỳ quan, chỉ có tình thương. Những huân chương với tôi chỉ là hão huyền, mộng, giả… nhưng trong đời không có khen chê, thưởng phạt thì không tiến bộ. Và chỉ có âm nhạc mới làm dịu lòng người” - ông tâm sự.

Rồi ông nói thêm: “Những nhạc sĩ đúng nghĩa có nhiệm vụ hâm nóng lại, làm thăng hoa cho cuộc sống của chính mình và những người chung quanh. Có khi âm thầm lau nước mắt trong lúc mọi người cười, cũng có lúc chỉ mình mình thưởng thức được vẻ lộng lẫy của thế gian”.

Ông nói, điều ông muốn truyền lại cho người trẻ không chỉ là tiếng đờn, mà còn là khả năng biết lắng nghe nội tâm của mình. Âm nhạc có khả năng xoa dịu nỗi đau, an ủi thân tâm, chữa lành vết thương thì âm nhạc cũng có khả năng kích động và tàn phá nếu bạn không thực sự cảm thụ được thanh âm của tự tính hòa điệu qua mối giao cảm với thế giới.

Vì vậy, ông đã tạo ra một triết lý âm nhạc cho riêng mình: Lắng nghe còn quan trọng hơn cả sáng tác: “Tôi có khả năng nghe tiếng đờn biết tính tình người, biết cả họ sẽ có cuộc đời thế nào. Nhạc ảnh hưởng đến cuộc sống rất mạnh, nhất là sức khỏe. Bản nhạc nghe êm dịu, trái tim ta đập đều, nhưng nếu nhịp điệu mạnh thì chân tay muốn giựt rồi. Nhạc dân tộc đưa tôi gần với thiền. Được ở trong trạng thái thiền nghĩa là thắng được chính mình, bằng lòng với cái tối thiểu mình đang có, không đòi hỏi. Vì tôi hiểu, cuộc sống chỉ đãi ngộ những người ít đòi hỏi, biết phục tùng, ngoan ngoãn, còn hồi trẻ tôi toàn làm ngược lại nên khổ”.

Chú thích ảnh
Một buổi hòa đờn của nhạc sư Vĩnh Bảo. Ảnh: Thu Anh

Rồi ông nói thêm: “Trong khi đờn, tôi nghĩ nhiều chuyện lắm. Nào là chiến tranh, nhân tình thế thái, người thương, người ghét, những buồn vui đi ngang qua tiếng đờn. Nhưng đờn mà cái tâm không yên thì đờn không hay được. Phải như người đứng bên dòng sông, thấy dòng đời trôi mà nhận ra phận người. Người đờn giỏi, nghĩ sao đờn vậy, càng đờn càng hưng phấn, não hoạt động, tim đập, máu chảy lưu loát như tiếng đờn. Cái gì mình biết thật sâu thì mình nói như không” - ông nói với tôi.

Giáo sư âm nhạc Nguyễn Thuyết Phong đã biên soạn cuốn sách về cuộc đời nhạc sư Vĩnh Bảo có tên Nguyễn Vĩnh Bảo - Những giai điệu cuộc đời. Ông viết về nhạc sư Vĩnh Bảo như sau: “Sống giữa 2 đầu thế kỷ 20 và 21, ông kể nhiều mặt về cuộc sống, kiến thức, về kinh nghiệm, về tư duy và quan điểm của chính bản thân ông. Chúng tôi lắng nghe, nghi ngờ và kiểm chứng để mong nói lên một cách nghiêm túc về điều thật. Như các đồng nghiệp tôi ghi nhận, ông là một nhạc sĩ, nhưng vượt lên trên nghề nghiệp ấy, ông là chứng nhân lịch sử âm nhạc và thời sự hiếm có.

Xoay quanh trục âm nhạc, ông là nghệ sĩ kéo dài tuổi thọ nhất, nhưng ông tự xem là con người bình thường hơn nhiều người, khiêm tốn để thấy, lắng nghe được nhiều nhất về những gì đã và đang diễn ra trong xã hội mà ông đang sống. Ông hiện thể là một “con người” thật, mà chúng tôi muốn nghe và hiểu, vì chúng tôi muốn biết đúng về những gì gần 100 năm qua đã xảy ra cho ông và trước mắt ông”.

Đúng vậy, mãi đến 100 tuổi, ông mới thu xếp được để trở về quê nhà Trà My, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và vĩnh viễn nằm lại nơi này khi bước sang tuổi 104 vừa đủ 1 tuần lễ. Những gì ông biết thật sâu, bằng cả một đời trọn vẹn cho âm nhạc, truyền thụ âm nhạc và vinh danh âm nhạc dân tộc Việt. Hy vọng, thế hệ sau cũng sẽ học cách quay về thế giới nội tâm bằng con đường âm nhạc trọn vẹn như thế. Thật sâu, để khi chạm đến cánh cửa âm nhạc dân tộc như một lời tự tình, những thanh âm ấy lại đến và đi, như không.

(Còn tiếp)

"Người đờn giỏi, nghĩ sao đờn vậy, càng đờn càng hưng phấn, não hoạt động, tim đập, máu chảy lưu loát như tiếng đàn" (nhạc sư Vĩnh Bảo).

Ngân Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm