22/03/2020 08:53 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Khu di tích lịch sử Đền Hùng có tổng diện tích hơn 1.000 ha (trong đó có 538 ha rừng) với hàng chục điểm thờ cúng Hùng Vương. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng: "Chú ý bảo vệ, trồng thêm nhiều hoa, cây cối, xây dựng Đền Hùng trở thành một công viên lịch sử cho con cháu sau này đến thăm viếng", những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư tôn tạo, xây dựng Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, xứng tầm Khu di tích quốc gia đặc biệt.
Những ngày cuối tháng Hai âm lịch, trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng, không khí lạnh cuối mùa tràn về, trời mưa nặng hạt nhưng trên công trường xây dựng cầu đi bộ qua hồ Mai An Tiêm, cạnh khu đón tiếp khách ngã năm Đền Giếng, vẫn rền vang tiếng máy.
Hàng trăm cán bộ, kỹ sư Công ty cổ phần đầu tư Thương mại và xây dựng Trường Sơn, Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Đền Hùng như chạy đua với thời gian để kịp về đích đúng tiến độ. Sau hơn 4 tháng khởi công xây dựng, một cây cầu đi bộ bằng bê tông cốt thép kết cấu dạng vòm nối đôi bờ hồ Mai An Tiêm đã hiện hữu với diện mạo khang trang, nhưng vẫn đảm bảo tính tôn nghiêm ở nơi linh thiêng.
Anh Trần Xuân Doanh, Giám sát trưởng thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Sông Hồng Thủ đô, đơn vị công đức xây dựng cầu bộc bạch: Vượt qua những khó khăn do thời gian thi công gấp, mặt bằng thi công hạn hẹp do địa điểm xây cầu nằm gần khu vực ngã năm Đền Giếng – khu vực yêu cầu bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, đồng thời không được ảnh hưởng đến việc hành hương, tham quan của du khách. Trong quá trình thi công trụ không được rút nước hồ; đường vận chuyển vật tư, vật liệu là đường dạo quanh hồ nên không thể tập trung nhân lực, làm dồn dập, ảnh hưởng đến các công trình khác trong khu di tích.
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành, bàn giao, khánh thành cầu đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020, đơn vị thi công đã chia làm 3 ca 4 kíp, trong đó tăng thời gian, lực lượng lao động vào ban đêm nhằm khắc phục bất lợi về không gian thi công, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình một cách tốt nhất. Đến nay, những hạng mục chính đã cơ bản hoàn thành, các đơn vị thi công đang tập trung điều chỉnh một số chi tiết liên quan đến đường dẫn cũng như thiết kế lan can, tiểu cảnh hai bên cầu và khu vực sân khấu ngoài trời, tạo cảnh quan đồng bộ khu vực hồ Mai An Tiêm và ngã 5 Đền Giếng. Khi đưa vào sử dụng, cây cầu sẽ là điểm nhấn cảnh quan và điểm tham quan không thể bỏ qua đối với du khách, đặc biệt là lớp trẻ khi về thăm Đền Hùng.
Tại khu vực thi công đồi Phú Bùng nằm kề trục sân hành lễ, sau hơn 2 tháng thi công, đặc biệt là nhờ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, khu vườn tạp trước đây với những nếp nhà tạm của các hộ dân đã được di dời, san gạt, tạo không gian thông thoáng cho trục hành lễ và tổng thể khu di tích. Hiện Ban quản lý Khu di tích đang tập trung chỉ đạo các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ san gạt mặt bằng và cải tạo lòng hồ nước, xây dựng hệ thống đường dạo cao, thấp khác mức và trồng thêm nhiều cây xanh… Công trình khi hoàn thành sẽ là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và quy hoạch các gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Đền Hùng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, những năm qua, công tác tu bổ và xây dựng các công trình trong Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã được Nhà nước, tỉnh quan tâm đầu tư. Khu cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2025, phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tháng 4/2017).
Trên cơ sở quy hoạch và dự án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bằng việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước; các nguồn lực huy động đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, nhiều dự án, công trình mới được đầu tư tôn tạo trong thời gian gần đây đã tạo cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho Khu di tích và không gian linh thiêng tưởng niệm các Vua Hùng. Bên cạnh việc bảo tồn những nét cổ kính và không gian lễ hội đặc sắc, năm nay nhiều hạng mục công trình dự án được đầu tư xây mới đã làm nổi bật thêm vẻ đẹp trang nghiêm của một Di tích quốc gia đặc biệt.
Cũng theo Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang, trong 5 năm trở lại đây, với hơn 351 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và công đức của các tổ chức, cá nhân, Khu đã tổ chức lập, trình thẩm định phê duyệt và triển khai thực hiện hơn chục công trình, dự án thuộc các nhóm dự án thành phần trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, một số công trình được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa đã góp phần làm cho diện mạo di tích ngày càng uy linh, sạch đẹp. Tiêu biểu trong đó có hạng mục công trình tu bổ tôn tạo Chùa Thiên Quang và khu vực Đền Hạ do thành phố Hà Nội và Tập đoàn Him Lam công đức; công trình Cổng vào Khu trung tâm lễ hội Đền Hùng từ nguồn ủng hộ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; cải tạo hệ thống đường, bậc lên xuống các đền tại núi Nghĩa Lĩnh bằng việc thay thế toàn bộ đá xây, đá lát, đá bó vỉa từ đá Hải Lựu bằng đá granite Bình Định màu ghi, do các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp; cải tạo, chỉnh trang khu vực ngã 5 Đền Giếng do Công ty cổ phần ASIA công đức; xây dựng cầu đi bộ qua hồ Mai An Tiêm do Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô làm chủ đầu tư…
Các công trình tu bổ, tôn tạo tại Khu di tích đã từng bước góp phần “để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm đẹp đẽ, để Đền Hùng thành công viên cho con cháu sau này tham quan” như lời Bác căn dặn. Nhìn lại mốc thời gian từ khi có Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng Đền Hùng của Thủ tướng Chính phủ cũng như thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Đền Hùng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Phú Thọ đã xây dựng Đền Hùng xứng tầm vị thế là Di tích Quốc gia đặc biệt - trung tâm văn hóa tín ngưỡng tâm linh thờ cúng Tổ tiên của dân tộc, thực sự trở thành điểm đến của du lịch Việt Nam, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đền Hùng vẫn bảo tồn được những nét cổ kính và không gian lễ hội đặc sắc, cùng với đó có thêm nhiều hạng mục công trình văn hóa mới, các cơ sở hạ tầng và cảnh quan môi trường được đầu tư khang trang để phục vụ và thu hút đông đảo du khách về bái Tổ.
Trung Kiên - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất