25/03/2022 08:49 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Cùng với những tổ chức đã tích cực hỗ trợ cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam những năm qua như VCCA (Vincom Center for Contemporary Art), Flamingo Đại Lải với dự án Art In the Forest, dự án xây dựng “Bảo tàng nghệ thuật Ánh Dương” và “Him Lam Art city” tới đây cũng đặt cho mình sứ mệnh: “Thúc đẩy cảm hứng sáng tạo trên 7 lĩnh vực nghệ thuật” trong đó có điêu khắc thuộc không gian nghệ thuật hình tượng, được phát triển thành Bảo tàng nghệ thuật Ánh Dương.
1. Vừa qua, Triển lãm Điêu khắc 2022 tại Sảnh chính Sân Golf Long Biên (Hà Nội,kéo dài đến 5/2022) đã được chọn làm sự kiện mở đầu trongchuỗi sự kiện nghệ thuật “Đường tới Ánh Dương”. Các triển lãm điêu khắc dần đem đến cho khán giả hình dung về điêu khắc đương đại Việt Nam. Tuy vậy, điêu khắc vẫn là một lĩnh vực nghệ thuật “khó nhìn” với đa phần công chúng.
Bài viết này,nhân triển lãm các tác phẩm mới nhất của các nghệ sĩ điêu khắc trong năm 2021, xin được tiếp cậntác phẩm ở góc nhìn cá nhân, hy vọng góp phần làm phong phú thêm hình dung của khán giả về điêu khắc đương đại.
Có một điều đặc biệt người xem có thể nhận thấy ngay là rất nhiều tác phẩm trong triển lãm lần này được đặt tên về sự vật hiện tượng bên ngoài tự nhiên. Khám phá quy luậtthế giới tự nhiên là đề tài truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ ở mọi thời đại lịch sử và điều khác nhau chính ở cảm thức tự nhiên gắn với thời đại/ cá nhân được biểu đạt quatạo hình tác phẩm. Trong đó nhìn nhận tự nhiên để ẩn dụ, phóng chiếu vào cá nhân con người là sự đối ứng mang nhiều tính suy nghiệm.
2. Khi ngắm những tác phẩm của nhà điêu khắc Trần Văn An có tựa đề Vô hạn, quả thực nếu không kiên nhẫn người xem có thể không vượt qua được cảm thức về sự vô cùng qua cách sắp xếp, phát triển các đầu mẩu kim loại của anh như trò chơi hoán vị một dãy số dài lê thê. Tuy vậy, khi đã có được sự tưởng tượng đó, nhìn vào hình hài cố định của 3 tác phẩm, ta nhận ra chúng khác nhau, và mỗi sự sắp xếp tổ hợp ngẫu nhiên đều tạo ra cho chúng sự khác biệt.
Tác phẩm được làm từ sắt, tạo nhám toàn bộ các khối cho ta liên tưởng đến một cơ thể phát triển của thực vật trong trạng thái vừa rắn chắc vừa linh hoạt. Nếu chỉ nhìn hình thức ta có thể cảm nhận được nhịp điệu biến tấu của ngôn ngữ hình khối mang lại cảm giác hưng phấn. Còn quay trở lại nội dung và liên tưởng xa hơn, quy về đời sống con người, ta nhớ ra rằng sự đa dạng và duy nhất ở các cá nhân được hình thành cũng từ cách sắp xếp ngẫu nhiên các chuỗi sự kiện tiếp diễn của đời sống. Và vấn đề chúng ta bị động hay chủ động lựa chọn, tự do hay tự do trong hoàn cảnh/ lịch sử, xã hội, văn hóa lại liên quan đến nhiều lĩnh vực khác mà chúng ta cần tiếp tục tìm kiếm và suy nghiệm trong tiến trình hình thành nên các nhân cách cá biệt.
3. Một hình tượng khá quen thuộc mà nhà điêu khắc Thái Nhật Minh đã phát triển trong nhiều năm trở lại đây - những con chim. Trong sáng tác mới của triển lãm này, anh tập trung vào đôi cánh để xây dựng tạo hình và tính cách nhân vật.
Tác phẩm Đôi cánh nặng 02 chất liệu nhôm đúc và thép được xử lý chạm xuyên thủng tạo khoảng cách ước lệ giữa thân và cánh. Chính sự dấp dính mỏng manh còn lại với nhiệm vụ nâng đỡ đôi cánh nặng đem đến ấn tượng mạnh, tạo cảm xúc cho tác phẩm.
Với Không gian đặc, hình thể được tối giản, triệt tiêu khoảng cách để đôi cánh và thân thể chỉ còn lại một khối trừu tượng.
Hình tượng đôi cánh đại diện cho mơ ước, tự do của đời sống người, được hiện thực hóa trong nghệ thuật với rất nhiều biên độ sắc thái. Tuy nhiên, nếu chỉ muốn nói đến tự do, có lẽ tác giả chỉ cần mang tới hình tượng một đôi cánh tách rời. Nhưng hình tượng đôi cánh trong các tác phẩm của nhà điêu khắc trong nhiều năm đều gắn liền, dấp dính với thân thể những con chim cùng rất nhiều suy tư. Đôi cánh trong lời tự bạch của tác giả “không chỉ là bay bổng mà còn trĩu nặng, đặc quánh và tĩnh lặng”.
Điều này cho ta gợi nhớ đến những tư tưởng của các triết gia thế kỷ 19 và 20 tiếp cận theo chủ nghĩa hiện sinh. Trong đó, sự tự do mang nặng cảm giác bất an hay vai trò của sự lựa chọn trong cuộc sống của chúng ta khởi nguồn từ Kierkegaard (1813-1855), ý tưởng “siêu nhân” của Nietzche (1844-1900) chính là một con người sở hữu sức mạnh lớn lao và tự chủ về tinh thần lẫn thể xác, còn triết học của Jean - Paul Sartre (1905-1980) mở rộng ra sự “tự do có trách nhiệm” để tạo nên hiện sinh của mình. Và vì khi đã bác bỏ những lối suy nghĩ theo thói quen, không có nguyên tắc hay quy luật nào bên ngoài có thể biện minh cho hành động lựa chọn của ta, Sartre tuyên bố chúng ta bị: “Kết án phải tự do”.
Chính hình ảnh những đôi cánh trĩu nặng của tự do chắc hẳn cũng mang phần nào sắc thái của những suy tư triết học ấy. Bên cạnh đó, những đôi cánh muôn hình vạn trạng của nhà điêu khắc Thái Nhật Minh còn là những huyễn tưởng cá nhân bằng ngôn ngữ của nghệ thuật điêu khắc để giải phóng chính con người anh trong ý nghĩa về “những ký ức xa xôi, mở ra lối vào, dẫn đến miền không gian hư ảo và thần bí” như lời tác giả.
4. Một bộ 3 tác phẩm cũng về các đối tượng của tự nhiên nhưng có sự triển khai theo module là tác phẩm của nhà điêu khắc Trần Trọng Tri mang hới hơi hướng tối giản, bán trừu tượng và ý niệm. Sự gợi cảm của tác phẩm được thể hiện qua: Ngôn ngữ hình học, màu sắc tự thân của chất liệu đồng đưới tác động của lửa. Các thành tố phối hợp trong không gian 3 chiều cho phép khán giả đi xung quanh và có thể tương tác với mọi mặt tác phẩm, đặc biệt là mặt gương kim loại có thể soi của thép không gỉ, dưới sự tác động của ánh sáng.
Cách sắp đặt module trong tác phẩm Ánh sáng cho phép người nghệ sĩ có thể bị cuốn hút vào việc điều chỉnh các thành phần trong một tổng thể dù chỉ một chút, cho đến khi có được một tỷ lệ/ một khoảng cách/ một hiệu ứng tổng thể sao cho thông qua nó, tác giả đạt được trạng thái thỏa mãn nhất - đó dường như cũng sẽ đúng với các trạng thái/ tính cách của cá nhân nghệ sĩ.
Các tác phẩm mang dáng vẻ hình học của nhà điêu khắc vẫn có những cái tên biểu thị sự vật hiện tượng và ở mức độ tạo hình nhất định nó vẫn gợi cho ta liên tưởng đến cảm giác của đối tượng. Tác phẩm Ánh sáng được tạo ra với sự tương phản về màu sắc dễ gây ảo giác: Mặt gương bóng của thép không gỉ phía dưới và cột trụ nặng thẫm màu phía trên tạo ảo giác trống không lơ lửng nếu nó không phản chiếu hình ảnh của các module nhỏ xung quanh.
Có lẽ đây chính là một sự hiện thực hóa ý tưởng của tác giả về: “Đặt cái thấy bên cái không thấy để thấy cái vô hình, vì có “cái khác” mà trở thành “hữu hình”. Hay “đặt cái vô hình bên cạnh cái hữu hình để thấy điều giản dị của sự tồn tại”- lời tác giả.
Ý niệm mang nhiều màu sắc của nghệ thuật Thiền Á Đông mà ở chừng mực nào đó có thể liên tưởng đến việc: “Cái đẹp của một tác phẩm, với đạo Thiền, nằm ở việc cái không có hình tướng cố định xuất hiện ra trong cái diễn hình” [Tư tưởng và nghệ thuật, tr.124]. 2 chất liệu với hiệu ứng tương phản về màu sắc được triển khai trong 2 tác phẩm còn lại cũng dựa trên ý tưởng xuyên suốt đó.
Triển lãm điêu khắc 2022 trưng bày và giới thiệu bộ sưu tập gồm 47 tác phẩm của 15 tác giả điêu khắc đương đại gồm: Khổng Đỗ Tuyền, Lê Lạng Lương, Nguyễn Huy Tính, Nguyễn Ngọc Lâm, Lương Văn Việt, Phạm Thái Bình, Trần Trọng Trí, Trần An, Hoàng Mai Thiệp, Thái Nhật Minh, Lê Anh Vũ, Vũ Bình Minh, Lương Trịnh, Phạm Đình Tiến và Đinh Duy Tôn. Sự kiện do Dự án Him Lam Art kết hợp cùng Hanoi Studio Gallery, giám tuyển Dương Thu Hằng phối hợp tổ chức tại Ánh Dương Art Space’- Sảnh chính sân golf Long Biên - Hà Nội. Triển lãm mở cửa đón công chúng đến tháng 5/2022. |
Trần Thu Huyền
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất