05/05/2016 13:11 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Xuân Hồng - nhạc sĩ kỳ cựu của dòng nhạc cách mạng Việt Nam được người yêu nhạc gọi là nhạc sĩ của mùa Xuân, không chỉ vì tên ông là Xuân Hồng mà còn bởi mùa Xuân là chủ đề ưa thích trong các sáng tác của ông.
Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, sinh ngày 12/12/1928, tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ra đời trong một gia đình nông dân yêu thích nhạc tài tử nên ông được học nhạc từ rất sớm.
Nhắc đến Xuân Hồng, công chúng yêu âm nhạc đều không xa lạ, bởi ông là tác giả của rất nhiều bài hát nổi tiếng như: Bài ca may áo, Chiếc khăn tay, Hành quân đêm, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Cây đàn ghita của Đại đội 3, Người Mẹ Việt Nam...
Nhưng lại nói Xuân Hồng là nhạc sĩ của những mùa Xuân, bởi thật hiếm nhạc sĩ nào có nhiều bài hát rất hay liên quan đến mùa Xuân, làm say đắm lòng người như Xuân chiến khu (1963), Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh (1975), Mùa Xuân bên cửa sổ (1985 - thơ Song Hảo), Bức ảnh mùa Xuân (1988), Khúc Xuân (1995 - thơ Ngân Thương), Gương mặt mùa Xuân (1996 - trích thơ Trương Vũ Thiên An)...
Ca khúc đầu tiên về Xuân khá nổi tiếng của Xuân Hồng là Xuân chiến khu ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bài hát hình thành trên đường hành quân, bản thảo được Xuân Hồng vừa đi vừa ghi chi chít bằng cây bút bi trên bắp tay mình. Giữa khói lửa đạn bom nhưng nét nhạc của ông rất vui tươi, lạc quan, yêu đời: Mùa xuân về trong chiến khu/ Tiếng chim rừng vang hót khắp nơi/ Mùa xuân về trong chiến khu/ Gió đưa cây rừng cành lá vi vu…
Sau khi Xuân chiến khu ra đời, âm nhạc Việt Nam đã có một số ca khúc về mùa Xuân. Nếu Bến Xuân (của Văn Cao) có chút buồn xa vắng, Tình ca (của Hoàng Việt) là cái hào sảng của sự ngạo nghễ, thì Xuân chiến khu là tiếng ca của niềm vui tươi phơi phới, cùng chung âm hưởng với Cùng hành quân giữa mùa Xuân (của Cẩm La) và một số ca khúc khác viết vào cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ 20. Cái phơi phới, hào sảng không còn là sự hô xướng mà đã đi vào chiều sâu của nội tâm. Xuân chiến khu như một dòng nước mát giữa chiến trường nóng bỏng, động viên tinh thần quân, dân hai miền hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước.
Sau thành công của Xuân chiến khu, Xuân Hồng bắt đầu như có duyên nợ với mùa Xuân. Sau này ông có dịp tâm sự: Mùa Xuân của đất trời đã đi qua theo mây gió, nhưng mùa Xuân của con người vẫn đọng lại trong tôi, như những nốt nhạc chạm trên dòng kẻ và cả những âm thanh vô hình được in vào trí nhớ, như đã ghi trong một cuốn băng từ. Và từ đó, cứ mỗt lần tết sắp đến, mùa hoạt động của văn công, các anh lại gọi tôi, lại nhắc tôi: “Xuân Hồng ơi, mùa Xuân đến rồi đó, sáng tác về mùa Xuân đi…”.
Năm 1975, hòa chung niềm vui của dân tộc trong ngày toàn thắng, ông có ca khúc Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh. Ở ca khúc này, Xuân Hồng vừa hòa vào niềm vui chung của cả nước, nhưng đồng thời cũng là người đứng ngoài quan sát, để có thể cảm nhận được trọn vẹn nhất không khí hân hoan của đất trời và lòng người. Một niềm vui ngập tràn, một niềm vui sau 30 năm xa cách. “Mùa xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la...” Xuân Hồng quả là một người rất sâu sắc. Chẳng những vậy, ông lại còn luôn ý thức về sứ mạng của người nghệ sĩ. Đó là việc phải động viên, cổ vũ, nâng con người lên tầm vóc lớn lao, sẽ có lợi cho sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Vì vậy mà trong chiến tranh, ông cần tạo nên bức tranh bằng âm thanh với gam màu tươi sáng, cần thổi bùng chủ nghĩa lạc quan cách mạng từ tâm hồn những người chiến sĩ trẻ.
Lời hát “Vui sao nước mắt lại trào” thể hiện một cung bậc tình cảm ở chiều sâu. Đó là cảm xúc của một con người từng trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Trong cuộc chiến đó, ông đã từng trải qua bao nhiêu gian khổ, tận mắt chứng kiến những đồng đội ngã xuống vì sự thống nhất nước nhà. Cuộc chiến tranh vệ quốc chính nghĩa đã giành được độc lập dân tộc. Đó là thiên anh hùng ca sáng chói, đáng tự hào của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Sau ngày thống nhất đất nước, Xuân Hồng lại cho ra đời sáng tác thứ ba về mùa xuân, đó là Mùa Xuân bên cửa sổ. Nếu như Xuân chiến khu mộc mạc, chân tình, lạc quan, tin tưởng, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh hân hoan, phấn khởi, rộn ràng, sôi động thì Mùa xuân bên cửa sổ lại duyên dáng, trữ tình, mượt mà, trẻ trung. Trong hàng nghìn bài tình ca thể hiện mọi sắc độ của tình yêu nam nữ, mọi trạng thái tâm hồn tế nhị của đôi lứa, Mùa xuân bên cửa sổ nổi lên như một ca khúc trữ tình mang nét đặc thù của thời kỳ mở cửa, hội nhập với quốc tế, xây dựng kinh tế nhưng luôn luôn cảnh giác bảo vệ đất nước. Thật là đẹp hình ảnh anh lính từ biên giới về, cô gái vừa tan ca, họ tràn trề hạnh phúc trong mùa Xuân đang tới. Đôi bạn trẻ như muốn nêu lên một triết lý “hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp, mùa Xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng, cuộc đời còn có cả những nụ hôn…”.
Xuân kháng chiến, Xuân thống nhất non sông và Xuân xây dựng là những điểm nhấn trong hàng loạt tác phẩm của nhạc sĩ Xuân Hồng. Với tài năng và sự cống hiến lớn lao cho nền nghệ thuật âm nhạc nước nhà, năm 2000, ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Trong các tác phẩm nằm trong giải thưởng, có hai tác phẩm viết về mùa Xuân, đó là Xuân chiến khu và Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh.
Lịch sử âm nhạc Việt Nam ghi nhận những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Xuân Hồng. Những sáng tác của ông đã vượt ra khỏi khuôn khổ của âm nhạc thuần túy để đến với mọi người, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống tinh thần của nhiều thế hệ.
Ông mất ngày 14/5/1996 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoài Nam TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất