Xuất lộ nhiều khối đá nguyên khối lớn tại Thành Nhà Hồ

01/09/2016 17:46 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cho biết đã có kết quả khai quật di tích hào thành phía Bắc Thành Nhà Hồ (thuộc xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Các nhà khoa học đã phát hiện nhiều di tích và di vật quan trọng, bước đầu làm rõ quy mô, cấu trúc của hào thành phía Bắc, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu để tiến hành bảo tồn hệ thủy cổ và tôn tạo cảnh quan phục vụ phát triển du lịch tại Di sản thế giới Thành Nhà Hồ.

Diện tích khai quật là 3.000m2 nhằm tìm hiểu rõ hơn về kiến trúc hào thành. Tại di tích hào thành, bề mặt hố khai quật là lớp cỏ phủ kín và lớp đất sét xám nhạt, tơi, xốp, độ dày không đều nhau. Di vật trong lớp mặt xuất lộ không nhiều, chủ yếu là các mảnh dăm đá giai đoạn muộn nằm lẫn trong đất, sỏi cuội kích thước nhỏ.

Một số khối đá với nhiều kích thước khác nhau nằm ngổn ngang trong phạm vi hố khai quật, mảnh gạch, ngói phân bố không đều.

Kết cấu bờ hào xuất lộ với hình dáng dốc dần từ phần bề mặt xuống phần thành bờ và vát chéo dần xuống đáy hào, nằm ở độ sâu từ 360cm đến -414cm (ở phía Bắc hố khai quật) và từ 350cm đến 464cm (ở phía Nam hố khai quật).

Dựa trên mặt bằng khai quật và xem xét chi tiết các dấu tích văn hóa xuất lộ, xác định đây có một nền kiến trúc gia cố chân thành phía Bắc và hệ thống hào thành phía Bắc được gia cố bằng đá khối kích thước nhỏ và đất sét đầm lẫn nhiều sạn sỏi, phần lòng hào rộng 60m, khu vực lòng hào sâu nhất tới gần 7m.


Một hố khai quật khảo cổ học trước đó tại công trường khai thác đá cổ ở núi An Tôn, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Ảnh có tính chất minh họa

Cuộc khai quật còn làm xuất lộ rất nhiều khối đá nguyên khối và đá phiến có kích thước khá lớn, hình khối hộp chữ nhật. Các di vật thu được trong hố khai quật với số lượng lớn về loại hình, chất liệu, hoa văn. Các di vật gồm vật liệu kiến trúc như gạch, ngói, đá khối; các loại hình đồ dùng trong sinh hoạt như sành, sứ, tiền kim loại. Hiện vật chủ yếu thuộc niên đại Lê – Nguyễn xuống lớp dưới chủ yếu thuộc niên đại Trần – Hồ.

Hào thành là hạng mục công trình nằm trong chiến lược khai quật tổng thể Thành Nhà Hồ giai đoạn 2013-2020. Kết quả khai quật đã làm rõ cấu trúc của hào thành cũng như chỉ ra giá trị độc đáo của hào thành Thành Nhà Hồ, ngoài chức năng phòng thủ, hào thành còn là một công xưởng chế tác, tinh chế đá trước khi đưa lên xây lắp.

Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục nghiên cứu, khai quật tại các khu vực hào thành phía Tây và phía Đông để xác định rõ quy mô, cấu trúc tổng thể hệ thống hào thành Thành Nhà Hồ.

Hoa Mai (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm