14/02/2019 07:05 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Từ ngày 15-21/2 tại Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Giang, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức sự kiện “3 trong 1” gồm: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII.
Trong đó, sự kiện Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam được quan tâm hơn cả. Bởi dù đã tổ chức được 3 hội nghị quảng bá văn học Việt Nam vào các năm 2002, 2010 và 2015, đồng thời Trung tâm Dịch thuật văn học được thành lập vào 2014, nhưng cho đến nay, việc quảng bá văn học Việt ra thế giới vẫn chưa đạt được những kết quả mong muốn.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (hiện đang sinh sống và làm việc tại Indonesia) trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về vấn đề này. Chị nói:
- Quả thật, chúng ta vẫn chưa có sự đột phá trong vấn đề này - cho dù năm 2018 vừa qua, văn học Việt Nam có tạo được một số dấu ấn với các giải thưởng quốc tế của các nhà văn Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư (văn xuôi) hay Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn (thơ).
Để từng bước giải quyết vấn đề ấy, một điều mà tôi thấy cần thiết hiện nay là việc đào tạo đội ngũ dịch giả văn học với kỹ năng dịch ngược và tạo ra cơ chế để họ có thể sống được với nghề. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới có các khóa học về dịch thuật văn học ở các cấp đại học hoặc trên đại học. Nhưng theo tôi biết, Việt Nam chưa hề có các khoá học như vậy. Chúng ta cần những khoá học đó, cũng như những hội thảo trao đổi và chia sẻ sâu về kinh nghiệm dịch thuật.
* Việc tổ chức Hội nghị quảng bá văn học của chúng ta nên được tiến hành thế nào, theo chị?
- Cách tổ chức thế nào cho hiệu quả là việc cần bàn. Theo ý kiến của tôi, nên tránh tổ chức rình rang, tốn kém, mà đi sâu vào nội dung chuyên môn. Các kế hoạch, chiến lược đề ra trong Hội nghị cần được thực hiện một cách quyết liệt, sát sao, hiệu quả, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.
Qua những Hội nghị quảng bá văn học vừa rồi, tôi có dịp tiếp xúc với dịch giả các nước. Nhiều người trong số họ vừa có chuyên môn giỏi, vừa có tình yêu tha thiết với Việt Nam, và hết lòng vì mục đích quảng bá văn học Việt Nam. Điều cần thiết là chúng ta tiếp tục khích lệ họ, giới thiệu cho họ những tác phẩm văn học chất lượng, và kết nối họ với những dịch giả khác.
Ngoài ra, cũng cần tạo điều kiện để những người đã tiến hành thành công các dự án giới thiệu văn học ra thế giới chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm và bài học của mình. Tôi rất muốn những Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam sắp tới có thể tổ chức các hội thảo chuyên sâu như thế.
* Hiện sống và làm việc tại Indonesia, chị có thể chia sẻ về cách quảng bá văn học của họ?
- Indonesia chỉ cách Việt Nam vài giờ bay, nhưng nói về việc quảng bá văn học, thì họ cách chúng ta… vạn dặm. Họ đã có nhiều tác phẩm văn học được dịch ra tiếng nước ngoài.
Ủy ban sách quốc gia (National Book Committee) của Indonesia hiện có chương trình tài trợ cho các nhà xuất bản nước ngoài và trong nước để thúc đẩy việc dịch và xuất bản văn học Indonesia ra thế giới. Chỉ trong năm 2018, Ủy ban tài trợ cho 15 nhà xuất bản nước ngoài để họ dịch và in 29 đầu sách Indonesia bằng 6 thứ tiếng tại 9 quốc gia, đồng thời tài trợ cho nhiều nhà xuất bản Indonesia để họ dịch và in bản tóm tắt của 41 tác phẩm, tạo cơ hội cho việc giới thiệu các tác phẩm đó ra nước ngoài. Vào thăm trang web của Ủy ban này, tôi thấy tiêu chí để xin tài trợ rất rõ ràng và đầy đủ.
Tôi nghĩ, việc đơn giản và hiệu quả mà Việt Nam làm lúc này là thành lập một chương trình tài trợ như thế, cho các nhà xuất bản trong nước và nước ngoài. Chi phí tài trợ cũng không quá lớn mà hiệu quả thì rất tốt, vì một đồng bỏ ra là một đồng đầu tư cho việc in ấn tác phẩm ở nước ngoài.
* Ngoài những vấn đề đã nêu ở trên, chị nghĩ chúng ta nên làm thêm những gì để đẩy mạnh công tác quảng bá văn học?
- Gần đây, tôi có biết thông tin về việc NXB Trẻ đưa các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam như Lê Văn Nghĩa, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Nguyễn Duy Cần, Bình Nguyên Lộc, Lưu Quang Vũ, Bảo Ninh… đến Pháp.
Cùng với nhà văn Lê Văn Nghĩa, họ tổ chức các buổi giao lưu tại Đại học Strassbourg và hội chợ tết ở Paris do Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF)) tổ chức. Tôi thấy đây là một cách làm tiên phong và rất hay. Tôi mong những nhà xuất bản tăng cường việc đưa các tác giả và tác phẩm ra nước ngoài như thế.
Mặt khác, tôi nghĩ các nhà văn Việt Nam cũng cần xông xáo hơn trên “mặt trận” văn học thế giới. Hiện nay, trên thế giới, có càng nhiều các nhà văn từ nhiều quốc gia tự mình sáng tác bằng những ngôn ngữ thông dụng hơn của thế giới như tiếng Anh, tiếng Pháp… để các tác phẩm có thể đến trực tiếp độc giả thế giới, mà không cần phải thông qua dịch thuật.
Sáng tác một tác phẩm bằng ngôn ngữ thứ hai (không phải tiếng mẹ đẻ) là một thử thách, nhưng cũng là một điều vô cùng thú vị. Làm vậy, chúng ta vừa đưa văn hoá, bản sắc ngôn ngữ của đất nước mình vào tiếng Anh, vừa góp phần tạo ra sự mới mẻ trong ngôn ngữ này.
* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Xuất bản Tạp chí Văn học và Tạp chí Thơ bằng tiếng Anh Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, để tiếp tục công cuộc quảng bá văn học ra thế giới, Hội Nhà văn Việt Nam sắp tới sẽ xuất bản Tạp chí Văn học và Tạp chí thơ bằng tiếng Anh, sau đó sẽ là những thứ tiếng khác. |
Huy Thông (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất