HLV Phan Thanh Hùng: 'Thứ bóng đá của ông Miura rất chán'

18/12/2015 14:28 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Bản tính hiền lành, nhẹ nhàng, thích chiêm nghiệm thay vì đưa ra những tuyên bố kiểu "đao to, búa lớn", nhưng đây có thể là một ngoại lệ. Chúng tôi đang nhắc tới HLV Phan Thanh Hùng, cựu thuyền trưởng các ĐTQG và Hà Nội T&T, với những đánh giá rất thẳng thắn, công tâm, về những gì đã và đang diễn ra ở đội tuyển U23 Việt Nam, về đồng nghiệp Toshiya Miura và về thuộc tính của nền bóng đá, với “những đứa trẻ của bầu Đức” đáng ra cần được tạo nhiều hơn điều kiện chơi bóng, thay vì…

“Chúng tôi cần giữ sự tôn trọng đúng mực, dành cho đồng nghiệp, cộng sự và cho cả các tuyển thủ. Song là một HLV, bạn phải đưa ra được quan điểm, ít nhất về mặt chiến thuật. Theo tôi, triết lý huấn luyện của HLV Miura là không sát thực tế”, HLV Phan Thanh Hùng mở lời.

Đòi hỏi điều… không thể!

Ông đã hiểu thế nào về triết lý huấn luyện của đồng nghiệp Toshiya Miura mà cho rằng, thuyền trưởng người Nhật Bản thiếu thực tế, thưa HLV Phan Thanh Hùng?

- Qua theo dõi một số buổi tập, các trận đấu tập với Hà Nội T&T và gần đây nhất là trận thua một đội bóng ở J-League 4 ở Hàng Đẫy…, tôi thấy rằng HLV Miura luôn cố hối thúc các học trò đưa bóng về phía trước một cách nhanh nhất, bằng mọi giá. Ông ấy sẽ không cho phép các cầu thủ ở hàng hậu vệ hay tiền vệ chuyền ngang quá nhiều, mà phải hướng lên phía trên, hòng tạo yếu tố bất ngờ. Đây là một đòi hỏi thiếu thực tế với bóng đá Việt Nam, trong bối cảnh hiện tại. Muốn chuyền bóng về phía trước, bạn phải tìm được hướng phát triển và phải có điểm đến.

Chúng ta không có những trung phong cao to, mạnh cả tốc độ lẫn khả năng tì đè, có thể độc lập tác chiến…, "kết liễu" đối thủ sau chỉ 1-2 pha chạm bóng. Tất nhiên, đội tuyển U23 Việt Nam lúc này cũng không sở hữu mẫu tiền vệ kiến tạo kiểu “một phát ăn ngay”. Khó ở chỗ đó.

Nhưng mỗi HLV có một quan điểm, một cách làm... hẳn ông Miura cũng có cái lý riêng khi áp dụng lối chơi này cho các đội tuyển?

- Tôi nghĩ HLV Miura đã thiếu linh động, bất đắc chí và dẫn đến rối về phương pháp làm. Có nhiều giải pháp trong tấn công và đưa bóng nhanh lên phía trước, kiểu đánh chớp nhoáng, là một trong những phương án khó nhất, đến ngay bóng đá đẳng cấp cao cũng khó thể thực hiện được.


HLV Phan Thanh Hùng đánh giá lối chơi mà HLV Miura áp dụng cho đội U23 Việt Nam không hấp dẫn.Ảnh: V.S.I

Chiến thuật bóng đá có tính nhịp điệu, khi nào cần đẩy nhanh tốc độ triển khai tấn công, khi nào cần làm chậm. Cũng phải tuỳ thuộc vào con người mà mình có, để xây dựng lối chơi tổng thể, trước khi đưa ra những căn chỉnh, với từng đối thủ cụ thể, thời điểm cụ thể. Đội bóng có thể thua vì thiếu may mắn, nhưng phải có điều gì đọng lại, đằng này…

Có cảm giác như các ĐTQG dưới thời HLV Miura vẫn luôn chỉ chơi một kiểu: Tuyến dưới chuyền bóng lên trên theo yêu cầu của HLV, nhưng thực chất là phá bóng và lại bắt đầu đuổi theo đối thủ. Một vài tình huống tấn công thành bàn, đấy là thời điểm các cá chân toả sáng. Chúng ta không thể duy trì điều đó, khi đối phương phòng ngự chiều sâu.

HLV Miura phát biểu rằng, cầu thủ Việt Nam chỉ đá bóng khi họ có bóng trong chân, còn khi mất bóng thì họ dừng lại. Ông thầy người Nhật Bản còn bắt thêm rất nhiều bệnh của nền bóng đá nữa?

- Nếu HLV Miura thực sự đã bắt bệnh được cho nền bóng đá và cho các cầu thủ rồi, thì ông phải đưa ra được phác đồ điều trị, để cải thiện tình hình chứ?! Đây không phải là lúc thích hợp để ông ấy chì chiết hay đay nghiến một vấn đề nào đó, mà phải tập trung hướng tới điều mà mình đang theo đuổi. Như trận thua Thái Lan 0-3 ở Mỹ Đình, HLV Miura cẩn thận sắp 5 cầu thủ ở hệ thống phòng ngự, nhưng vẫn tiếp tục lối triển khai bóng nhanh lên tuyến đầu và đó là lý do chúng ta luôn thiếu con người khi tấn công. Các đường bóng dài dễ dàng bị bắt chẹt từ trong trứng nước. Ông Miura có quá ít giải pháp tiếp cận cầu môn đối thủ, trong khi phải biết rằng, kiểm soát bóng cũng là một cách phòng ngự khá an toàn.


Ông Miura đang chịu sức ép lớn vì lối chơi nghèo nàn, kết quả không như ý của U23 Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà

Thế còn các ca chấn thương xuất hiện ngày một dày đặc, khi VCK U23 châu Á chỉ còn tính từng ngày. Liệu nó có bắt nguồn từ sự thiếu hợp lý trong phương pháp huấn luyện của ông Miura?

- Chấn thương trong tập luyện và thi đấu là rất khó tránh, với môn thể thao nặng tính đối kháng như bóng đá. Năm 2012, khi tôi cầm đội tuyển Việt Nam đá AFF Cup, vào phút chót, đã mất cả Phước Vĩnh (đứt dây chằng), Nguyên Sa (sốt siêu vi khi qua Thái Lan), chưa kể đến Tấn Tài đã bị tổn thương dây chằng khi đội tập huấn tại Nha Trang…

Tuy nhiên, đội bóng vẫn đảm bảo được quân số, chứ các ca chấn thương không dồn toa như hiện tại. Khi thấy đội bóng có điều gì đó bất thường, HLV phải xem lại phương pháp, giáo án, để điều chỉnh, thay vì viện cớ, kiểu như cầu thủ đã chấn thương ở CLB, nhưng không được báo cáo đầy đủ…

HLV Miura đã và sẽ tiếp tục gọi các cầu thủ lên thay thế những người bị chấn thương bị trả về CLB, như một cách trám chỗ, để phục vụ triết lý của ông ấy. Nhưng, có thể ông Miura sẽ không bao giờ tìm ra được nghiệm số đúng. Trong bóng đá, nó thể hiện ở kết quả. Quá ít cơ sở để tin tưởng U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á tới đây.

Tuyển thủ ra sao dưới thời HLV Miura?

Tuyển thủ ra sao dưới thời HLV Miura?

Huyền thoại một thời của sân Old Trafford là Paul Scholes cho rằng thật tội nghiệp cho những cầu thủ phải đứng trong đội hình của Van Gaal lúc này, chơi thứ bóng đá nhàm chán, thiếu bản sắc “Quỷ đỏ”. Cầu thủ Việt dưới thời HLV Miura thì sao?


Mỗi nền bóng đá đều có thuộc tính

Là một HLV đề cao triết lý kiểm soát bóng, phải chăng đó là lý do ông không chia sẻ với phương pháp làm chiến thuật của đồng nghiệp Toshiya Miura? Và nữa, nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, nên lấy nòng cốt con người và lối chơi của HAGL làm chủ thể cho U23 Việt Nam. Quan điểm của ông thể nào?

- Khi bạn kiểm soát bóng, có nghĩa là bạn đang phòng ngự và có quyền đưa ra những giải pháp tiếp cận cầu môn khác nhau, nếu có cơ hội. Đối phương cũng không thể tấn công, khi không sở hữu bóng. Cầu thủ Việt Nam có kỹ thuật và tư duy chơi bóng, trong khi, thể lực – sức bền tốc độ cũng có thể tích luỹ được bằng với thời gian, thông qua phương pháp huấn luyện.

Thời HLV Calisto, tuy là ông ấy không theo đuổi triết lý kiểm soát bóng và buộc đối phương hở sườn, nhưng ông sẽ không cho phép cầu thủ để mất bóng quá nhanh, quá dễ dàng, bởi sẽ rất mất công để đoạt lại nó. Bóng đá Việt Nam lên đỉnh với HLV Calisto, bởi ông hiểu được năng lực của cầu thủ và thuộc tính nền bóng đá.

Tôi đồng tình với ý kiến của một số đồng nghiệp và thực sự đánh giá rất cao kỹ năng chơi bóng của lứa cầu thủ HAGL hiện tại. Đấy cũng là lối chơi hợp với người Việt Nam nhất có thể. Tuy nhiên, khi cầu thủ HAGL lên tập trung đội tuyển U23 Việt Nam, dù là chiếm số đông, nhưng không được chơi thứ bóng đá sở trường của họ, không có đất diễn, mà phải phục vụ triết lý của HLV Miura, chẳng khác nào đánh đố nhau.

Một câu hỏi cá nhân, HLV Phan Thanh Hùng có thể trả lời hoặc không, cảm nhận của ông về thứ bóng đá của Toshiya Miura thế nào?

- Xem một trận đấu của ĐTQG dưới thời HLV Miura có cảm giác chịu đựng nhiều hơn nhu cầu thưởng thức, lo lắng thay vì kỳ vọng. Nói thật là rất chán. Là cầu thủ, bạn có muốn chơi thứ bóng đá ấy không?!

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguyệt Bàn (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm