22/11/2016 07:14 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Thái Lan đã khẳng định vị thế của đội bóng số 1 Đông Nam Á sau chiến thắng 4-2 trước Indonesia (bảng A). Với những ứng viên còn lại, Việt Nam và Malaysia cũng không giấu diếm tham vọng đi sâu sau các chiến thắng đầu tay quan trọng. Tuy nhiên vẫn có câu một 'nửa ổ bánh mì vẫn là ổ bánh mì', nhưng một nửa sự thật không bao giờ là sự thật.
Một nửa sự thật
Indonesia đã ghi được 2 bàn thắng vào lưới ứng cử viên số 1 Thái Lan chỉ trong ít phút đầu hiệp hai, nhưng họ không đáng ngại. Singapore và Philippines sau trận hoà không bàn thắng vẫn được xem là những ẩn số. Và Malaysia chắc chắn là rào cản lớn nhất của ĐT Việt Nam với mục tiêu sở hữu chiếc vé đầu tiên vào bán kết ở bảng B, sau khi chúng ta đã cởi được nút thắt quan trọng với chủ nhà Myanmar.
Trong số những bình luận và nhận định về AFF Suzuki Cup 2016, chúng tôi thực sự ấn tượng với nhận xét của cây bút John Duerden trên Fox Sports Asia (Thể thao & Văn hóa trích đăng, số ra ngày 18/11 – PV), rằng vấn đề với ĐT Việt Nam là khả năng chịu đựng và vượt qua áp lực. “Trong quá khứ, mỗi lần ĐT Việt Nam được kỳ vọng thì thường không có một giải đấu thành công”, Duerden viết.
Nhận định ngắn gọn, nhưng điểm trúng cốt lỗi vấn đề. Lần duy nhất, đấy là kỳ AFF Suzuki Cup 2008, cầu thủ đã biết chế ngự sự nóng giận (sau những chỉ trích), vượt qua mọi sức ép, từ chảo lửa Kallang Roar (Singapore) đến cứ địa Rajamangala (Thái Lan), để giành chiến thắng chung cuộc, lần đầu soán ngôi vương Đông Nam Á. Trước giải đấu đó, đội bóng của HLV Calisto từng bị nghi ngờ năng lực chinh phục.
Nhưng, cũng như Tiger Cup 2002 (giải đấu tên gọi tiền thân của AFF Suzuki Cup – PV), khi HLV Calisto lần đầu dẫn dắt ĐT Việt Nam, năm 2008, quả thật ít người kỳ vọng chúng ta sẽ vô địch. Phần vì nội lực của đội bóng bị bào mòn sau tiêu cực SEA Games Bacolod 2005, với 6 – 7 cầu thủ xuất sắc phải xộ khám, song cơ bản là rào cản nhà vô địch Singapore, và Thái Lan tập hợp toàn hảo thủ.
Cú đánh úp ngoạn mục của thầy trò HLV Calisto bắt đầu từ vòng bán kết trở đi đã đem về danh hiệu cao quý quan trọng cho nền bóng đá và nó cũng mở ra một chương rất mới cho thế hệ cầu thủ có thể nói là vàng mười, cả về mặt danh tiếng cũng như giá trị trên sàn chuyển nhượng. Tuy nhiên, ĐT Việt Nam đã và không bao giờ tìm lại được đỉnh vinh quang, dù luôn nhận được kỳ vọng. Đấy là tồn tại khó giải thích.
Thắng chủ bảng Myanmar trong ngày ra quân, xem như thầy trò HLV Hữu Thắng đã giành được một nửa tấm vé vào bán kết. Sự thật là ĐT Việt Nam đủ năng lực để vượt qua vòng bảng, khi John Duerden thậm chí còn viết: “ĐT Việt Nam ngày càng trở nên thiện chiến” bằng những dẫn chứng cụ thể. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu muốn vô địch, đội bóng sẽ phải thắng cả những đối thủ thiện chiến hơn chúng ta.
Thái Lan thực sự ở đẳng cấp khác
Để Indonesia, một đội bóng trung bình yếu tại Đông Nam Á và chưa từng đăng quang ở giải đấu này (dù đã 4 lần giành quyền vào chơi chung kết trong quá khứ), chọc thủng lưới 2 lần, nhưng không một ai nói hàng phòng ngự của Thái Lan có vấn đề. Ngược lại, dù học trò ông Thắng chỉ để Myanmar một lần xé lưới, song ngay lập tức, chính HLV trưởng đội bóng đã chỉ ra những tử huyệt chết chóc.
Sự khác biệt trong nhìn nhận vấn đề, phần cũng do con người – chủ thể, song cơ bản, nó bắt đầu từ những cơ sở khoa học có thật. Thái Lan chơi bóng ung dung, đĩnh đạc, với phong thái một đội bóng ở đẳng cấp châu lục. Họ có thể thua bàn, trong một vài khoảnh khắc mất tập trung, nhưng việc lấy lại lợi thế cũng dễ như trở bàn tay. Chúng ta đã thấy, “hung thần” Teerasil Dangda nguy hiểm đến đâu.
Teerasil Dangda, tiền đạo thuộc biên chế Muangthong United, từng có thời gian chơi bóng ở La Liga, so kè với Ronaldo hay Messi…, là chân sút số 1 Đông Nam Á. Điều này không cần bàn cãi nữa, với 2 lần giành danh hiệu “Vua phá lưới” AFF Suzuki Cup, dù anh mới 28 tuổi, tức là trẻ hơn Công Vinh 3 tuổi. Trước khi ghi hattrick vào lưới Indonesia, Teerasil Danga cũng vừa lập cú đúp ở trận gặp Australia.
Xung quanh Dangda, Thái Lan còn có Sarach Yooyen, “Messi Thái” Songkrasin, Adisak Kraisorn, Charyl Chappuis…, toàn thương hiệu cỡ lớn. Chúng ta đề cao và dành sự tôn trọng cho đối thủ, vốn dĩ mạnh hơn, nhưng không vì thế mà nhụt nhuệ khí chiến đấu. HLV Trần Minh Chiến khẳng định, Thái Lan muốn thắng Việt Nam cũng không phải đơn giản. Và, quan trọng, chúng ta được chọn đối thủ.
50 & 37. Cả Teerasil Dangda và Lê Công Vinh đã có 80 & 81 lần khoác áo ĐTQG với số bàn thắng lần lượt là 50 & 37. Tuy nhiên, các con số này không nói lên hết sự khác biệt giữa 2 người họ, khi Dangda đã ghi các bàn thắng vào lưới Australia, Saudi Arabia, Iraq, Lebanon, Iran, Syria hay Oman… 2&1. Thay vì nếu chỉ giành chiến thắng 1- 0 trước chủ nhà Myanmar, ĐT Việt Nam đã chơi trò ú tim người hâm mộ, trước khi có chiến thắng 2 - 1. Về lý thuyết, cũng là 3 điểm, nhưng xét kết quả đối đầu trực tiếp (nếu cần, khi bảng B hoàn toàn có thể xảy ra khả năng 3 đội cùng 6 điểm), thì chiến thắng 2-1 rõ ràng là tạo lợi thế rất lớn cho Việt Nam. 0&0. Cả Philippines và Singapore đều khó có thể hài lòng, khi trận đầu ra quân, họ kìm chân nhau trong một trận đấu không có bàn thắng nào được ghi. Nếu Thái Lan quá vượt trội ở bảng A, thì chúng ta có thể xác định luôn, Philippines hoặc Singapore sẽ là đối thủ của Việt Nam tại bán kết. |
TUỲ PHONG
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất