20/12/2018 07:18 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Vụ việc kéo dài 2 năm giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Sky Music lại được hâm nóng, khi phía VCPMC tuyên bố sẽ khởi kiện vì phía bên kia “có dấu hiệu lừa đảo và chiếm đoạt tài sản cá nhân”.
Thông tin này được chia sẻ trong buổi trao đổi giữa VCPMC và báo giới vào sáng qua 19/12. Ngoài TGĐ Đinh Trung Cẩn, cố vấn (và cũng là nguyên Giám đốc VCPMC) - nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng có mặt.
1. Theo ông Cẩn, kể từ khi phát hiện sai phạm của Sky Music vào năm 2016 đến nay, giữa VCPMC và Sky Music đã nhiều lần làm việc. Phía VCPMC chủ động giải thích cũng như cảnh báo về những vi phạm mà Sky Music mắc phải.
Sau khi được Sky Music cung cấp dữ liệu, qua đối soát, VCPMC phát hiện đơn vị này xâm phạm quyền tác giả của gần 700 nhạc sĩ trong và ngoài nước với khoảng 2.000 tác phẩm. Số tác phẩm ấy, Sky Music đều có những hợp đồng cung cấp riêng với đối tác là các nhà hàng, khách sạn, nhiều loại hình đơn vị kinh doanh khác...
Từ những bằng chứng mà VCPMC thu thập được, ông Đinh Trung Cẩn khẳng định, trong các hợp đồng thỏa thuận mua bán các tác phẩm âm nhạc giữa Sky Music với đối tác, Sky Music chỉ ghi chung chung là bản quyền và các quyền liên quan chứ không nói cụ thể bản quyền tác phẩm bao gồm những gì và bỏ qua vai trò của VCPMC.
Theo ông giải thích, sau khi thu tiền từ các cơ sở kinh doanh và chi trả tiền bản quyền bản ghi cho đơn vị tạo nên các bản ghi, nhạc sĩ ký trực tiếp với Sky Music đều nằm ngoài kiểm soát của VCPMC nên VCPMC không đòi hỏi những khoản tiền đó. Tuy nhiên, quyền tác giả mới là yếu tố tiên quyết về mặt bản quyền còn các quyền liên quan như: bản ghi, nhà sản xuất, hòa âm, phối khí... chỉ là quyền kề cận, đi kèm khi đã được xác nhận quyền tác giả.
Ví dụ được ông đưa ra: Chẳng hạn, Trên đỉnh Phù Vân của nhạc sĩ Phó Đức Phương được phát hành trong một sản phẩm đĩa nhạc của Bến Thành Audio thì Bến Thành Audio chỉ có trách nhiệm đối với bản ghi đó, còn nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn là chủ sở hữu ca khúc. Như vậy, nếu không có sự đồng ý của nhạc sĩ thì không đơn vị nào ngoài Bến Thành Audio được sử dụng. Tương tự, với các ca khúc mà 700 nhạc sĩ đã ủy quyền cho VCPMC (một số làm việc trực tiếp, một số thông qua CMOs - các tổ chức quản lý tập thể quyền ở nước ngoài đã ký kết thỏa thuận ủy quyền song phương với VCPMC) thì quyền bảo hộ tác giả là trách nhiệm của VCPMC.
2. Tính đến tháng 8/2018, sau khi đối soát tất cả các tác phẩm mà Sky Music xâm phạm quyền tác giả, VCPMC đã gửi đến Sky Music đề nghị thanh toán tiền thù lao cho các nhạc sĩ là khoảng 3,3 tỷ đồng. Trước đó, VCPMC đã yêu cầu đơn vị này xin lỗi công khai đến các tác giả và chấm dứt ngay hành động xâm phạm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Sky Music không chấp nhận thanh toán số tiền trên bởi cho rằng VCPMC không hợp tác. Ngoài ra, đơn vị này cũng gửi khiếu nại đến Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) nhằm làm rõ việc VCPMC cạnh tranh với họ.
Về việc này, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ rằng, VCPMC đã làm việc với Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng nhưng đến nay chưa có kết luận chính thức. "VCPMC đã có 16 năm hoạt động tính đến thời điểm này trong khi Sky Music mới chỉ có 2 năm, thì chúng tôi cạnh tranh với họ làm gì?” - ông tự tin nói - “Chưa kể, trong 16 năm qua, ước tính số tiền tất cả các loại thuế chúng tôi đóng hàng năm vào khoảng 70 tỷ. Hơn nữa, tất cả các hợp đồng giữa VCPMC với 9 CMOs và các tác giả ủy quyền cho VCPMC đều là bằng chứng rõ ràng nhất".
Khi được hỏi về căn cứ để VCPMC đòi khởi kiện hình sự Sky Music - thay vì giải quyết bằng Luật dân sự - ông Cẩn và nhạc sĩ Phó Đức Phương đều cho rằng, đây không chỉ là thỏa thuận về số tiền thù lao mà Sky Music phải trả. Theo 2 ông, thời điểm này, VCPMC “nhận thấy Sky Music có dấu hiệu lừa đảo và chiếm đoạt tài sản cá nhân dựa theo các điều luật". Vì thế, VCPMC đã và đang làm việc với các luật sư, kiện toàn hồ sơ và gửi cơ quan chức năng có thẩm quyền đề nghị giải quyết vụ việc theo Luật Hình sự.
Thể thao & Văn hóa sẽ tiếp tục thông tin thêm về vụ việc này.
Một số diễn biến chính Từ năm 2016, VCPMC bắt đầu tuyên bố Sky Music có hành vi xâm phạm quyền tác giả, cụ thể là sử dụng số lượng lớn các tác phẩm âm nhạc của những tác giả được VCPMC bảo hộ vào mục đích kinh doanh dịch vụ. Theo thông cáo của VCPMC, Sky Music đã luôn có thái độ đáp trả thiếu thiện chí, thiếu hiểu biết pháp luật, thậm chí quấy rối và “kiện ngược” khi VCPMC làm việc. Trong các năm 2017 và 2018, VCPMC tổ chức thu thập tài liệu, chứng cứ, đối soát tác phẩm thành viên, làm việc nhiều với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh, tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả được bảo hộ. Tiếp đó, họ có cuộc làm việc với Sky Music vào tháng 5/2018. Tháng 10/2018, VCPMC gửi cảnh báo tới Sky Music, sau đó chính thức báo cáo cơ quan chủ quản (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) và các cơ quan quản lý nhà nước về vụ việc và thông báo tới các đối tác. |
Minh Thư
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất