05/03/2013 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Gần 90 tuổi, hơn 75 năm đem lời ca điệu đàn dân dã mua vui cho công chúng bình dân, người đàn bà ấy đã hát qua 2 thế kỷ. NSƯT độc nhất vô nhị, người đàn bà hát 3/4 thế kỷ ấy là Hà Thị Cầu - nghệ sĩ của một bộ môn nghệ thuật đang đứng trước nguy cơ thất truyền - nghệ thuật hát xẩm. Cuộc đời và tâm sự của bà thật lạ và thật buồn… Nhưng cuộc đời ấy đã dừng lại vào trưa 3/3...
Nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu từ trần
Chừng 10 năm trước, tôi tìm về cái thị tứ nhỏ bé có tên chợ Lồng, xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình để cùng bạn tôi thăm "U", tức NSƯT Hà Thị Cầu. Ngôi nhà của bà có lẽ là ngôi nhà nhỏ bé nhất trong những ngôi nhà ở vùng quê yên ả ấy. Nhà bà thông với đường làng, không cửa, không ngõ gì hết. Ai cũng có thể ghé vào trò chuyện với người nghệ sĩ già. Tôi bước vào cửa, cất tiếng “Chào NSƯT…”.
Một kiếp cầm ca
Chiều cuối Đông, câu chuyện đời hát rong của người nghệ sĩ già đã giữ chân tôi trong căn nhà nhỏ trống huơ trống hoác ấy. Tài sản duy nhất là một chiếc giường cũ kỹ và một cái đài bán dẫn cũng cũ kỹ…
Bà kể: “Năm lên 10 tuổi, tôi đã bắt đầu theo bố mẹ đi hát rong. Xưa gọi là nghề hát xẩm, lấy đầu đường xó chợ làm sân khấu mua vui cho người bình dân. Bố mẹ, con cái cứ thế dắt díu nhau lang thang ra tỉnh, về thành. Trống, nhị phách và lời ca bẩm sinh làm nghiệp, kiếm sống bằng đồng tiền lẻ thiên hạ bố thí.
Năm 16 tuổi tôi lấy chồng, ông cũng là người hát xẩm. Năm ấy chánh trương Mậu đã 49 tuổi. Ông cai quản cả vùng nên thu nạp tôi, bắt làm lẽ… Đò nát đụng nhau. Tôi thành vợ thứ…18 của ông ấy như thể một duyên phận vậy thôi. Đời đi hát rong mà”.
Người đẹp Trà Ngọc Hằng trong một lần đến thỉnh giáo nghệ nhân Hà Thị Cầu |
Bà ngừng kể, bỏm bẻm nhai trầu rồi tiếp: “38 tuổi chồng chết. 7 lần sinh, 3 đứa còn sống. Một nách 3 con tôi tìm về quê chồng sống qua ngày đoạn tháng. Cái đận đói phải cho đi một đứa làm con nuôi người ta… Không sống nổi đất quê chồng, mẹ con lại dắt díu nhau đi hát khắp vùng, vào tận Thanh - Nghệ - Tĩnh, lên Hà Đông - Sơn Tây, Đồng Đăng - Kỳ Lừa, Bắc Cạn - Thái Nguyên…
Giọng bà trong trẻo mượt mà, nhưng lời ca thì não nề và tiếng đàn nghe sởn cả gai ốc. Bà kể: “Nếu là văn công thì nghỉ hưu lâu rồi đấy. Còn tôi nhân dân có cho tôi nghỉ đâu (cười) nên giờ còn phải hát. Chả ai đào tạo, chả ai đạo diễn, bẩm sinh trời cho cái giọng, cái tay đàn. Một chữ cắn đôi không biết, một nốt nhạc cũng không biết, thế mà được Nhà nước phong cho nghệ sĩ ưu tú đấy” . Bà cười.
Rồi lại tiếp: “Đời hát xẩm buồn lắm, bạc lắm. Hết đi hát về làm ruộng. Hồi hợp tác xã, thì hát cho văn nghệ xã, hưởng … thóc. Tôi từng đi thi thố cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương, rồi ra hát cả nước ngoài… giành không biết bao nhiêu huy chương, giải thưởng, vàng bạc cho làng, cho nước…”.
Nói rồi bà chỉ cho tôi xem từng tấm huy chương, từng tấm bằng khen hoen ố trên tường. Có cả Huy chương vì sự nghiệp VHNT. Tôi thầm nghĩ, đây có lẽ là thứ duy nhất đặng an ủi, nâng bước người nghệ sĩ già.
Và tâm sự của người hát rong
NSƯT Hà Thị Cầu có lẽ là người nghệ sĩ duy nhất sống nhờ nghề… hát rong. Bà bảo: “Tôi sống được đến hôm nay là nhờ cô Mận, con gái tôi. Thiếu ăn thì “nó” chạy chợ buôn rau quả đỡ đần thêm. Hồi trước em nó từng đi công nhân lên tận trên Lào Cai. Có thằng người Dao mê mệt, nhưng rồi thương tôi đau yếu, già cả đơn chiếc, nó bỏ về… Nghĩ thương con nhỡ thì tội nghiệp, đôi khi tôi định bỏ lên tàu đi hát kiếm sống. Nhưng nghĩ lại, nhà nước phong danh hiệu nghệ sĩ cho mình, lại thôi. Đận đi diễn bên Trung Quốc về, tôi được bà Phạm Thị Thành đón lên Hà Nội nhận danh hiệu NSƯT…”.
Ai về thăm cũng hứa sẽ đề nghị Nhà nước có chế độ trợ cấp, giúp đỡ. Nhưng rồi toàn là người đi không trở lại… Bà nói trong nước mắt: “Chỉ sợ nhỡ mai tôi “tắt” rồi còn chưa thấy gì”.
Bà kể: "Tôi già cả rồi, hay đau yếu, ngặt nỗi chẳng có tiền. Những lúc ốm đau thì … xoa cao sao vàng. Còn ăn thì rau dưa qua ngày, chỉ mong đến bữa có chén rượu, ngày ba chén mà không có đủ. Trầu thuốc cũng tốn tháng năm bảy ngàn nữa…".Bà ngồi đó nhai trầu, tay trống tay phách, miệng hát. Lời ca buồn. Lại dừng tay bảo: Mấy năm nay tôi gọi các cháu lại, dạy chúng. Không cần tiền gì sất, tí tình thôi, mà “chúng nó” không thích nữa rồi thì phải…
“Vô cổ bất thành kim”. Không biết sau này có còn ai nhớ đến xẩm. Trung tâm Bảo tồn phát huy nghệ thuật dân tộc có lần đã vinh danh giọng xẩm của bà. Nghĩa cử ấy, cùng số tiền giúp đỡ bà đã ít nhiều an ủi người yêu mến nghệ thuật dân tộc. Rồi bà được phong thêm cái danh hiệu nữa đó là Nghệ nhân dân gian. Thật hiếm có người hát rong nào được mang cái danh hiệu cao quý như vậy.
Thứ xẩm Hà Thị Cầu là xẩm cổ điển còn sót lại. Tôi từng rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc, nghe những người hát rong kiếm sống, nhưng không nơi đâu còn xẩm chợ cổ điển nữa. Những người hát rong mà người đời gọi chung một tiếng là xẩm ấy chỉ biết ca những bài tân nhạc mùi mẫn…
Sự cô đơn của thân phận người hát rong không làm bà buồn. Nhưng nỗi buồn lớn lao hơn của người nghệ sĩ lúc ấy là một mình níu giữ cả một nghệ thuật. Bà ngồi đó bên gốc bàng cạnh chợ Lồng. Ai biết được bao nhiêu vui buồn trong kiếp người hát rong 3/4 thế kỷ. Cái "kiếp giời đày" như bà nói cũng sẽ đến lúc dừng. Đời người hữu hạn. Chỉ có tiếng hát ở lại với nhân gian...
Nhưng bây giờ bà lại đã đi rồi. Tôi qua từ Ninh Bình bạn tôi gọi điện bảo: "U đi rồi". Tôi chắp tay cúi đầu tiễn biệt người nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật gắn với đời sống dân dã này. Bên tôi lúc này vẳng những câu thơ Lương Thế Phiệt về phận người hát xẩm:
Rứt từ gan ruột nát nhàu |
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất