16/12/2010 20:50 GMT+7 | Bóng đá Việt
Nếu trời hôm nay (16/12) không rét đến 10 độ, có lẽ người hâm mộ bớt khổ. Nhưng không chỉ rét, ông trời còn làm mưa để thử thách sự kiên trì của họ. Người hâm mộ không một lời kêu ca, ai cũng kiên nhẫn chờ đợi. Thỉnh thoảng vẫn có những người vô ý thức chen ngang, và chen lấn xô đẩy đến nghẹt thở, nhưng trên tất cả vẫn là một tinh thần chịu đựng để có được một tấm vé xem đội tuyển Việt Nam thi đấu trên sân nhà. Phần lớn những người xếp hàng sáng nay đều rất có ý thức nhưng cuối cùng những người có ý thức lại phải ra về trắng tay. Họ ra về không phải vì không còn đủ kiên nhẫn mà vì không muốn làm một việc vô ích. Hoàng Long – Sinh viên trường Ngoại thương – một trong những người quyết định đi về cho biết: “Em đi từ 5 giờ sáng, xếp hàng 4 tiếng đồng hồ mà chỉ nhích được vài mét. Nếu muốn tiến đến cổng chắc em phải đợi đến chiều, mà đến chiều chắc gì còn vé”.
Nhìn cảnh Ban tổ chức điều tiết 5 người vào mua một lần, và phải rất lâu sau nữa mới có 5 người tiếp theo được vào, ai cũng cảm thấy nản lòng. Có lẽ thời bao cấp cũng không đến nỗi thế. Và nhìn cảnh cảnh sát cơ động vất vả quát tháo, lập lại trật tự hàng lối ai cũng muốn nản. Không chỉ nản mà họ còn bức xúc. Người mua vé đến từ 3-4 giờ sáng và tự xếp hàng nhưng gần sát giờ bán vé (8h30) lực lượng chức năng mới bắt đầu thiết lập hàng rào, “cắt” một cách đầy cơ học những hàng lối kia, khiến những người đến sớm phải đứng sau và ngược lại. Không chỉ có thế, lượng hàng rào chắn huy động cũng chỉ đủ để xếp nửa vời, thành ra, đoạn sau không có hàng rào lúc nào cũng rơi vào cảnh hỗn loạn chen lấn. Khi cảnh sát thiết lập lại trật tự, rất nhiều người mất công đến sớm lại bị đuổi ra khỏi hàng.
Chứng kiến những hình ảnh đó mới thấy "tội" cho người hâm mộ Việt Nam. Được ca ngợi là một trong những quốc gia cuồng nhiệt với bóng đá nhất thế giới nhưng xem ra cổ động viên ở Việt Nam có những nỗi niềm mà người trong cuộc cứ phải "biết rồi, khổ lắm nói mãi" . Họ đường đường là người bỏ tiền góp phần nuôi nền bóng đá trong nước, là nhân tố quan trọng quyết định tới sự phát triển, là niềm cổ vũ lớn lao cho bóng đá nước nhà nhưng khi họ đi mua vé, họ không phải là "Thượng đế" mà nhiều lúc người ta thấy bên bán vé mới là "Thượng đế".
Cần phải nói rõ, không phải chúng ta không có kinh nghiệm ứng phó với đám đông người hâm mộ, chưa có kinh nghiệm bán vé cho hàng nghìn khán giả. Nếu so với lần đội Olympic Brazil đến Việt Nam thì lượng người đổ đến sân Mỹ Đình mua vé lần này chưa phải đã là con số "khủng khiếp". Nhưng cho đến tận bây giờ cách thức bán vé chưa được cải thiện là bao. Cả một sân lớn nhưng Ban tổ chức chỉ mở 2 cửa vào và mỗi lượt chỉ cho 5 người vào. Nhiều người đứng 4 tiếng mới nhích được khoảng 5m đủ để biết đợi tới lượt 5 người tiếp theo vào mua vé lâu thế nào. Ban tổ chức hoàn toàn có thể chủ động thiết lập hàng rào, chỉ cần họ chịu khó làm từ hôm trước. Có thể phân thành 2 hay 3 hàng, ngăn cách bằng dây, và ngoài cùng thiết lập hàng rào sắt. Nhưng thực tế, tới sát giờ bán vé Ban tổ chức mới làm hàng rào. Đoạn hàng rào thì ngắn, mà người xếp hàng thì đông, kết quả là phía trên xếp hàng 3 đàng hoàng nhưng dưới xếp hàng 5 hàng 6, và khi "biển người" ào lên thì khó có thể kiểm soát nổi.
Nửa ngày chờ đợi, nhiều thanh niên quá nản đành rời bỏ “hàng ngũ” và chui qua hàng rào vào sân Mỹ Đình chụp ảnh “cho đỡ thèm” rồi ra về. Nhiều người tặc lưỡi: “Mua được vé vào Mỹ Đình còn mong manh hơn cả tuyển Việt Nam vào chung kết AFF Cup”.
Đám đông ra về, có người ngậm ngùi nhắc lại một băng rôn từng được căng lên ở giải V-League mùa vừa rồi “Đi xem bóng đá có nhất thiết phải đông như thế không”, và… buồn lòng!
Người hâm mộ rất rộng lượng, nhưng có những thứ họ sẽ nhớ rất lâu.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất