Bảo tàng dân tộc học: 'Lên đời' để kết nối văn hóa Đông Nam Á

01/12/2013 08:46 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Toà nhà trưng bày văn hoá Đông Nam Á của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã được khai trương vào chiều 30/11.

Kế hoạch xây dựng một khu vực trưng bày thường xuyên về văn hóa Đông Nam Á đã được bảo tàng này đặt ra ngay từ khi chưa khánh thành. 8 năm sau, đề án mới được phê duyệt và bắt đầu khởi công xây dựng vào giữa năm 2007. Tuy nhiên, những khó khăn về kinh phí khiến kế hoạch trên phải mất gần 6 năm để hoàn thành, thay vì thời điểm 2008 như dự kiến.

"Một số bảo tàng trong khu vực cũng đã trưng bày về văn hoá Đông Nam Á theo từng chuyên đề. Tuy nhiên, đây là bảo tàng đầu tiên có hẳn một không gian  riêng và tổ chức các hoạt động thường xuyên để kết nối với văn hóa khu vực" - PGS Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng, cho biết.


Góc nhìn cho thấy kiến trúc mô phỏng cánh diều của toà nhà bảo tàng Đông Nam Á

Cao 4 tầng, với diện tích tầng 1 rộng gần 500m2, toà nhà Bảo tàng Đông Nam Á có thiết kế mô phỏng hình cánh diều - biểu tượng văn hoá có tại tất cả các nước trong khu vực. Hiện diện tích tầng 1 được dùng làm phòng trưng bày gần 400 hiện vật và 130 ảnh, kèm theo là hệ thống thông tin chú giải, bài viết, video… về 5 chủ đề chính trong văn hoá Đông Nam Á: đồ vải, đời sống hằng ngày, đời sống xã hội, nghệ thuật biểu diễn, tôn giáo. Các hiện vật này đa phần đều được các thế hệ của bảo tàng sưu tập trong nhiều năm, cũng như có từ một dự án hỗ trợ của Chính phủ Pháp.

Là bảo tàng duy nhất của VN từng 2 lần được Trip Advisor (một trang web có uy tín lớn về du lịch trên thế giới) đưa vào Top 10 bảo tàng châu Á, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong vài năm gần đây đã trở thành một hiện tượng bởi khả năng thu hút khách du lịch - điều mà nhiều bảo tàng lâu đời tại Hà Nội chưa làm được.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm