13/02/2019 06:15 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Từ năm 2007 đổ về trước, Thai League không được xem là giải VĐQG hàng đấu khu vực. Đó là lý do hàng loạt các ngôi sao Thái Lan tìm đến V-League, S-League (giải vô địch Singapore) cũng như các giải VĐQG khác ở Indonesia hay Malaysia.
Giai đoạn 2001 - 2008, có thể nói, V-League ăn đứt Thai League, cả về chất lượng chuyên môn, lương thưởng đến việc quảng bá hình ảnh. Nói như nguyên Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, V-League là giải đấu số 1 Đông Nam Á vào thời điểm đó, không phải không có lý do. Chúng ta đã đi trước Thái Lan gần 10 năm trong việc chuẩn hóa giải vô địch quốc gia…
Nhưng rồi, người Thái đã làm một cuộc đại cách mạng sau năm 2007, theo format của giải Ngoại hạng Anh. Sau 10 năm phát triển như vũ bão, Thai Premier League đã và đang được biết đến như một trong những giải đấu hấp dẫn nhất châu lục và có lẽ chỉ xếp sau J-League, K-League...
Sau khi giành chức vô địch Thai Premier League 2016, tiền đạo người Brazil, Cleiton Augusto Oliveira Silva (Cleiton Silva), đã được bán cho Thân Hoa Thượng Hải với giá 2,6 triệu bảng Anh.
Tại đội bóng đại gia mới nổi của Trung Quốc, Cleiton Silva hưởng mức lương cao ngất lên tới 750.000 bảng/năm, khi trước đó ở sân SCG, chân sút sinh năm 1987 đã hưởng mức lương trên dưới 40.000 USD/tháng (tương đương với 400.000 USD/năm).
Bản hợp đồng mới nhất của Cleiton Silva, chuyển từ Chiangrai United về Suphanburi FC, với phí chuyển nhượng không được tiết lộ, nhưng mức lương của anh rơi vào tầm 700.000 bảng Anh/năm (tương đương với 20 tỷ đồng).
V-League thời hưng thịnh nhất, những ngôi sao hàng đầu như Kesley Alves, Philani, Amaobi hay Almeida, "King" Leandro… cũng chỉ nhận mức lương từ 15.000 tới 20.000 USD/tháng (tức khoảng 300 - 400 triệu đồng).
Cũng mùa giải 2017, Muangthong United từng cho Consadole Sapporo, đội bóng cũ của Lê Công Vinh, mượn Chanathip Songkrasin trong 2 năm với giá 480.000 bảng Anh. Ngôi sao Thái Lan vừa tiếp tục được gia hạn hợp đồng với CLB đang chơi tại J-League 1, nhưng mức phí lần này lên đến 2,4 triệu bảng Anh và "Messi Thái" sẽ hưởng mức lương mới lên tới 1,5 triệu bảng Anh/năm, so với mức lương 600.000 bảng Anh trước đó.
Tại Muangthong United, thủ môn Đặng Văn Lâm nhận mức lương 10.000 USD/tháng, rõ ràng không là gì so với Chanathip hay Cleiton, trước đây và cả bây giờ.
Giấc mơ về "cầu thủ triệu đô" của bầu Đức, khi ông quyết tâm bắt tay bằng được với Arsenal và JMG toàn cầu để mở Học viện bóng đá ở Hàm Rồng, vẫn như mộng Kinh Kha. Khi chất lượng sản phẩm do mình sản xuất chưa được thị trường chấp nhận, chúng ta chỉ có thể ký gửi, đây là chuyện hết sức bình thường trong kinh doanh.
Sau thất bại ở J-League và K-League của Công Phượng và Xuân Trường thì Thai Premier League được cho là chiếc áo không quá thừa vải với năng lực chinh phục và xuất khẩu của cầu thủ Việt Nam.
Bắt đầu từ mùa giải 2019, Thai Premier League sẽ rút gọn từ 18 CLB xuống còn 16 CLB, để tăng chất lượng cho giải đấu. Cầu thủ cao giá nhất (trên transfermarkt) cập bến Buriram United mùa này là tiền vệ người Mali, Modibo Maiga, với giá 1 triệu bảng Anh.
Để cân đối về mặt tài chính trên sàn chuyển nhượng, Buriram United đồng thời đã bán Diogo cho Johor DT ở MLS (Mỹ) với giá tương đương với Maiga. Xuân Trường đến Buriram United theo bản hợp đồng cho mượn từ HAGL và được cho là sẽ hưởng mức lương 230 triệu đồng/tháng (tức là gấp 10 lần so với đội bóng cũ chủ quản).
Bóng đá Việt Nam đã từng phải bở hơi tai để đuổi theo Thái Lan, suốt hàng thập niên và ngay lúc này, bất kể các ĐTQG Việt Nam đã gặt hái được những thành công ban đầu, vẫn chưa có gì đảm bảo chúng ta đã vượt qua được người láng giềng.
Đầu ra của nền bóng đá, tức các ĐTQG, chỉ là phần ngọn, còn hệ thống giải bóng đá quốc gia, cũng như đào tạo trẻ mới là cơ thể, là gốc rễ để nâng tầm, cất cánh, để hướng tới một nền bóng đá tự cường.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất