VFF và những thay đổi mạnh mẽ trong năm 2022

11/01/2022 05:52 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Bên cạnh việc đặt ra những mục tiêu trọng điểm của bóng đá Việt Nam trong năm 2022, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) còn tỏ ra rất mạnh tay với các lỗi vi phạm tại V-League 2022.

Kỳ vọng sức bật mới trong 'ngôi nhà VFF'

Kỳ vọng sức bật mới trong 'ngôi nhà VFF'

Tại Đại hội thường niên Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) diễn ra vào hôm qua, Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn được tín nhiệm giữ chức Quyền Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 2018-2022, sau khi Chủ tịch Lê Khánh Hải từ nhiệm do bận công tác.

Mục tiêu đội tuyển Việt Nam là giành ngôi vô địch AFF Cup 2022

Sau Đại hội thường niên VFF diễn ra vào ngày 9/1, tân Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã lên tiếng lý giải về nguyên nhân thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2021. VFF cho rằng, nguyên nhân khiến thầy trò HLV Park Hang Seo thi đấu không thành công có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

“Đội tuyển Việt Nam phấn đấu bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup 2021 nhưng vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan đã ảnh hưởng tới kết quả của thầy trò HLV Park Hang Seo. Có thể kể tới việc đội tuyển thiếu lực lượng do một số trụ cột chấn thương và thiếu may mắn. Ngoài ra, cầu thủ không có được điều kiện sinh hoạt tốt nhất do dịch bệnh Covid-19. Các cầu thủ đã nỗ lực trong suốt 6 tháng trời, vượt qua những khó khăn liên quan tới sinh hoạt, chuyên môn và cách ly vì dịch bệnh” - Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho hay.

Sau AFF Cup 2021 đội tuyển Việt Nam sẽ tiếp tục tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ có chuyến làm khách tới sân Australia (27/1) và tiếp đội tuyển Trung Quốc tại Mỹ Đình vào ngày 1/2. Dẫu vậy, nhiệm vụ trọng tâm của đội tuyển Việt Nam trong năm 2022 là trở lại với ngôi vị số một ở AFF Cup, dự kiến được tổ chức vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, đại hội mới đây của VFF cũng thống nhất phương hướng hoạt động của năm 2022 với các mục tiêu trọng điểm gồm: Tiếp tục bám sát tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu theo Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tiếp tục đặt trọng tâm vào phát triển bóng đá trẻ và tạo sự ổn định đối với hệ thống bóng đá chuyên nghiệp.

bóng đá Việt Nam, VFF, Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, dtvn, Việt Nam vs Úc, Việt Nam vs Trung Quốc, vòng loại thứ ba World Cup, V-League
VFF đang tích cực cải tổ bóng đá nước nhà. Ảnh: VFF

Đây là 2 yếu tố quyết định đến sự phát triển mang tính bền vững của bóng đá Việt Nam; Ổn định và phát triển hệ thống các giải ngoài chuyên nghiệp, đặc biệt là giải bóng đá hạng Ba, hạng Nhì Quốc gia để từng bước tạo sự ổn định cho hệ thống các giải chuyên nghiệp; Xây dựng kế hoạch hoạt động của các đội tuyển quốc gia phù hợp với lịch thi đấu các giải trong nước, đảm bảo tốt nguồn lực phục vụ công tác tập huấn chuẩn bị cho các đội tuyển trước khi tham dự các giải đấu quốc tế, trong đó trọng tâm là các trận đấu còn lại của Đội tuyển quốc gia tại vòng loại FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á, AFF Cup 2022, VCK giải bóng đá nữ châu Á 2022, VCK U23 châu Á 2022, Asiad 19 và SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam vào tháng 5/2022...

Mạnh tay với các lỗi vi phạm tại V-League 2022

Để tăng cường tính răn đe, VFF đã điều chỉnh theo hướng tăng nặng mức xử phạt cho các hành vi phạm lỗi tại V-League 2022. Trước thềm mùa giải mới 2022, Ban chấp hành VFF đã thống nhất bổ sung các quy định xử phạt về hành vi vi phạm ở các giải quốc nội trong đó có giải V-League 2022, nhằm mục đích xóa bỏ những hình ảnh xấu xí, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Cụ thể, điều 47 nêu rõ cá nhân có hành vi phân biệt chủng tộc sẽ bị đình chỉ thi đấu, làm nhiệm vụ ít nhất 5 trận ở mọi cấp độ, đồng thời bị cấm vào SVĐ có thời hạn hoặc không có thời hạn và bị phạt tối thiểu 10 triệu đồng. Nếu người vi phạm là quan chức thì bị tăng thêm một nửa mức kỷ luật nêu trên. Với những hành vi đe dọa, chửi bới trọng tài, quan chức trận đấu, cầu thủ khác bằng hành động, lời nói thì người vi phạm sẽ bị đình chỉ thi đấu, làm nhiệm vụ ít nhất 2 trận và bị phạt tối thiểu 10 triệu đồng.

Trong khi đó, trường hợp xúc phạm danh dự người khác bằng nhổ nước bọt, lăng mạ, chửi bới, sỉ nhục hoặc bằng hành động, cử chỉ, lời nói thiếu văn hóa khác thì án phạt sẽ là từ 10-25 triệu đồng và bị đình chỉ thi đấu, làm nhiệm từ 3-6 trận.

Với những hành vi phạm lỗi nghiêm trọng hoặc cố tình xâm phạm thân thể người khác, án phạt được đưa ra là phạt tiền từ 15-30 triệu đồng và bị đình chỉ thi đấu, làm nhiệm vụ từ 2-5 trận. Trong đó, người vi phạm sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng, đồng thời bị đình chỉ thi đấu, làm nhiệm vụ từ 5-8 trận trong các trường hợp: Vi phạm nhiều lần đối với 1 người hoặc đối với nhiều người; Vi phạm đối với quan chức, quan chức trận đấu hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đối với sức khỏe, thân thể người khác.

Với hành vi xâm phạm thân thể trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì án phạt sẽ là từ 40 triệu đồng và bị đình chỉ tham gia hoạt động bóng đá đến 24 tháng hoặc bị cấm tham gia hoạt động bóng đá có thời hạn hoặc không có thời hạn. Riêng việc các cá nhân có hành vi công khai kích động người khác thù hận hoặc gây bạo lực thì cũng sẽ bị VFF xử phạt tối thiểu 5 triệu đồng và bị đình chỉ thi đấu, làm nhiệm vụ ít nhất 12 tháng.

Mạnh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm