06/08/2015 05:38 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Thay cho việc xây dựng một tượng đài riêng lẻ, việc sử dụng 1.400 tỷ đồng cho cả cụm công trình gồm tượng đài, bảo tàng, quảng trường... tại Sơn La liệu đã đủ làm dư luận yên tâm về sự hợp lý trong đầu tư?
Chiều 5/8, lãnh đạo tỉnh Sơn La đã chủ động chia sẻ và cung cấp các thông tin về đề án xây dựng tượng đài "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc". Trước đó, thông tin về kinh phí đầu tư 1.400 tỷ đã khiến đề án này nhận về khá nhiều lo ngại, thậm chí bất bình từ dư luận.
1. Chia sẻ với báo giới sáng 5/8, ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm & Nhiếp ảnh, Bộ VH,TT&DL) khẳng định: mẫu phác thảo tượng đài của tỉnh Sơn La hiện vẫn chưa hoàn thành nên vẫn chưa thể xác định các thông số cụ thể về chất liệu và kiểu dáng. Do vậy, việc địa phương này chủ động đưa ra mức dự toán đầu tư 1.400 tỷ đồng là không có cơ sở.
Nhưng, trong cuộc họp báo chiều 5/8, lãnh đạo tỉnh Sơn La vẫn nhắc lại con số 1.400 tỷ đồng, kèm theo lời giải thích: tượng đài "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc" chỉ là một phần trong tổng thể dự án.
Cụ thể, ngoài phần tượng đài (dự kiến cao từ 5 - 8 mét) có mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, các hạng mục sẽ được triển khai còn lại bao gồm Quảng trường có sức chứa 20.000 người; đền thờ Bác Hồ; đài tưởng niệm Liệt sĩ, Bảo tàng tổng hợp, khuôn viên cây xanh...
Quần thể này nằm tại thành phố Sơn La với tổng diện tích lên tới 20 ha (trong đó có 5 ha sẽ dùng để xây Trung tâm hành chính mới của tỉnh) và dự kiến được xây dựng trong 4 năm kể từ 2015.
Vậy, cùng với số tiền 1.400 tỷ đồng, việc đầu tư cho cả một cụm kiến trúc văn hóa tại Sơn La liệu có khiến câu chuyện trở nên thuyết phục hơn so với việc xây một tượng đài đơn thuần? Bởi, trong bối cảnh của một tỉnh nghèo với hơn 1.000 xã, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, khoản kinh phí này vẫn đúng bằng 50% tổng thu ngân sách của tỉnh trong năm 2014 (2.800 tỷ đồng).
Để so sánh, vào tháng 3 vừa qua, quần thể tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng vừa được khánh thành tại Tam Kỳ (Quảng Nam). Đây là cụm công trình trải rộng trên 15 ha, với một hệ thống gồm đầy đủ: tượng đài lớn, bảo tàng trong lòng tượng đài, hồ nước, sân hành lễ, cây xanh, 8 trụ huyền thoại... Mức kinh phí đầu tư cho cụm đài này chỉ bằng 1/3 so với đề án của Sơn La (411 tỷ đồng) nhưng cũng đã từng nhận về những tranh luận khá gay gắt về tính hợp lý của công trình.
Thậm chí, dù có những khác biệt, bản thân số tiền 200 tỷ đầu tư cho tượng đài tại Sơn La cũng không tránh khỏi liên hệ so sánh với tượng đài Bác Hồ vừa được khánh thành trên quảng trường Nguyễn Huệ (TP.HCM), khi mức đầu tư được công bố cho tượng đài cao hơn 7 mét này là ... 7 tỷ đồng.
2. "Tôi tin, không chỉ Sơn La, địa phương nào cũng muốn xây dựng tượng Bác. Đó là nguyện vọng và tình cảm rất cần được trân trọng" - nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, trao đổi với Thể thao & Văn hóa - "Thế nhưng, việc cân nhắc dựa trên điều kiện thực tiễn của địa phương lại rất cần được bàn tới, để tượng đài có thể phát huy được những mặt tích cực và làm yên lòng người dân".
Trước câu hỏi về việc cụm tượng đài tương lai sẽ gắn liền với trung tâm hành chính mới của tỉnh Sơn La nên cần được xây được hoành tráng, ông Quốc chia sẻ khá thẳng thắn: "Tôi nghĩ, chúng ta cũng nên có quy hoạch, thậm chí là quy định cụ thể về việc xây trung tâm hành chính của các địa phương.
Vấn đề này phải dựa trên đặc điểm địa lý, quy mô, và nhất là điều kiện kinh tế của từng nơi. Không nên để xảy ra tình trạng những địa phương huy động tiền xây dựng trung tâm hành chính quá hoành tráng".
Thực tế, đầu năm 2015, vấn đề về quy mô, tầm cỡ của các tượng đài Hồ Chí Minh cũng đã được nhắc tới trong một cuộc tọa đàm do Cục Mỹ thuật, Triển lãm & Nhiếp ảnh tổ chức.
Theo đó, trong vài năm qua, nhiều địa phương vẫn có xu hướng muốn xây dựng tượng đài Bác Hồ với quy mô lớn. Một số tượng đài trong số đó hoặc không phát huy được tính thẩm mỹ vì đặt ở không gian hẹp, hoặc cần tới việc xây dựng những không gian văn hóa lớn hơn để tương thích với chiều kích của tượng.
"Việc đánh đồng quy mô của tượng đài với giá trị nghệ thuật là một sai lầm sơ đẳng. Đó không hề là mối quan hệ tỷ lệ thuận, mà phụ thuộc vào năng lực sáng tác của các nhà điêu khắc" - Cục trưởng Vi Kiến Thành nhận xét.
"Quan điểm của Bộ VH,TT&DL, bằng văn bản, cũng như trong tất cả các hội nghị, hội thảo, tuyển chọn các tác phẩm, phác thảo luôn khẳng định: quy mô công trình phải phù hợp với không gian kiến trúc tại địa phương, cũng căn cứ vào vào điều kiện tình hình kinh tế xã hội. Chúng tôi không bao giờ cổ vũ cho việc chạy theo những tượng đài có quy mô hoành tráng" – ông Thành nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Sơn La báo cáo việc xây tượng đài Bác Hồ Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Sơn La làm rõ những nội dung báo chí phản ánh, gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8 tới. |
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất