Cần một bầu Đức cho… Phương Mỹ Chi

27/09/2013 12:02 GMT+7

(lienminhbng.org) - Tôi là người đã có gia đình, có con và một cuộc sống tạm ổn. Tôi thích thể thao, điện ảnh và âm nhạc. Đặc biệt là những chương trình tìm kiếm tài năng nhí như Đồ Rê Mí và đặc biệt là The Voice Kids.

Tôi đặc biệt ấn tượng với kết quả của đêm chung kết The Voice Kids với hai gương mặt nổi bật là Quang Anh và Phương Mỹ Chi. Nhưng gần đây, trên các diễn đàn xuất hiện những ý kiến trái chiều về việc Quang Anh và Phương Mỹ Chi nên hay không nên bỏ học để theo đuổi ca hát, đã khiến tôi “bỗng dưng muốn nói” với độc giả Thể thao & Văn hóa vài lời.

Điều tôi muốn nói, chỉ một câu hỏi thôi: “Nếu bạn là mẹ của Phương Mỹ Chi, Quang Anh, bạn sẽ làm gì?”

Trong hoàn cảnh này, có phải đây là câu hỏi một người làm mẹ như tôi cũng chịu!

Tôi xin nói thật lòng là: Tôi sung sướng, tôi tự hào và tôi ủng hộ con mình đi hát. Vì rằng tôi nghĩ, năng khiếu cần phải được duy trì và phát triển, nên đi hát thường xuyên cũng là cách để duy trì năng khiếu, phát triển tài năng. Để được như vậy, tôi muốn cháu có một trường học, kiểu học phù hợp để tài năng của mình.

Trước tiên, ai mà chẳng muốn có một cuộc sống chất lượng, đủ đầy. Đó là ước mơ chính đáng, thì khi cơ hội đến, sao lại phải chối từ? Nếu không đi hát, không kiếm tiền, chẳng những năng khiếu bị mai một, thậm chí thui chột mà nghèo vẫn hoàn nghèo thì “trách ai, ai trách, trách ai bấy giờ?” Một người nổi tiếng như anh Trọng Tấn còn rời bục giảng để theo đuổi đam mê ca hát thì các cháu có được phép làm theo?

Nhưng Quang Anh và Phương Mỹ Chi chưa đủ tuổi lao động, hai em cũng không thể đủ sức vừa chạy show vừa đi học một cách hoàn hảo được.

Tôi phải làm sao?

Tôi nghĩ sang một chuyện khác. Những chương trình như Đồ Rê Mí, The Voice Kids không có nhiệm vụ đào tạo thần đồng. Vì suy cho cùng, tư duy của nhà sản xuất là tư duy của những người làm kinh tế chứ không phải tư duy của những người làm giáo dục (hoặc có cũng rất ít). Làm kinh tế thì chẳng ai chấp nhận bị lỗ bao giờ. Nhưng nếu như chúng ta đã nhận ra tầm quan trọng của những chương trình đặc biệt dành cho học sinh khuyết tật thì cũng nên ngoại suy để tạo ra những điều đặc biệt dành cho người có tiềm năng đặc biệt.

Trong nghệ thuật, có cần những mô hình học viện như của bầu Đức?

Ở các nước phát triển, nếu tổ chức cuộc thi âm nhạc, BTC sẽ “bắt tay” với Học viện âm nhạc, các trung tâm đào tạo để sau khi tìm được quán quân, BTC sẽ trao lại quyền giáo dục và đào tạo cho Học viện nhằm giúp tài năng đó phát triển. Còn BTC sẽ đứng sau chịu trách nhiệm bảo trợ, bảo hộ hình ảnh vả các quyền liên quan cho họ trước công chúng.

Ở nước mình có mấy nhạc viện, tại Hà Nội, TP HCM và Huế nhưng tôi không biết có Học viện, nhạc viện nào hoạt động kiểu như vậy không. Tôi chỉ biết có một Học viện hoạt động kiểu trên, nhưng lại không liên quan đến âm nhạc, mà là… bóng đá. Đó là Học viện bóng đá JMG Arsenal của bầu Đức.

Qua báo chí, tôi được biết Học viện này mỗi kỳ tìm kiếm tài năng từ hàng vạn trẻ em theo giáo trình riêng. Những tài năng thực sự được chọn vào học chỉ cần toàn tâm toàn ý tuân thủ 10 yêu cầu bắt buộc của Học viện để tu tâm, dưỡng tài theo giáo trình riêng. Ngoài ra, vấn đề cơm, áo, gạo, tiền và “một vị trí trên sân cỏ” gia đình và bản thân học viên cũng khỏi phải lo đến.

Với cách làm này, Học viện bóng đá JMG Arsenal đã tạo ra động lực mới cho bóng đá nước ta với những con người mới, nhân cách mới. Thành công của U19 Việt Nam mà hạt giống chủ yếu là của Học viện này đào tạo tại U19 Đông Nam Á vừa qua tại Indonesia là một bằng chứng cho điều đó. Những cầu thủ trên sân trước hết vừa là người có trình độ văn hóa lại vừa chơi bóng chuyên nghiệp. Những Phương Mỹ Chi, Quang Anh, những quán quân Đồ Rê Mí… rất cần những ngôi trường như thế. Nhưng chúng ta tuyệt nhiên không có, vậy là 2 vấn đề học văn hóa, phát triển năng khiếu tưởng đi đôi với nhau, lại hóa ra mâu thuẫn kịch liệt.

Điều đấy, một người cha, mẹ như chúng tôi không hóa giải được.

Tại sao chúng ta không xây dựng, không nhân rộng những mô hình đào tạo, bồi dưỡng tài năng âm nhạc kiểu như Học viện bóng đá JMG Arsenal đã làm cho bóng đá?

Võ Ngọc (TP. HCM)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm