Vì sao Australian Open ngày càng được yêu thích?

10/01/2018 06:10 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Trong 113 năm lịch sử của mình, Australian Open đã bị rất nhiều tay vợt lớn ghẻ lạnh, và phải đến thập niên 80, giải đấu này mới thực sự chuyển mình để xứng tầm với đẳng cấp một Grand Slam.

Vì khoảng cách địa lý quá xa xôi của Australia, những giải đấu đầu tiên có rất ít các tay vợt nước ngoài tham dự. Trong thập niên 1920, để đi từ châu Âu tới Australia bằng tàu thủy phải mất 45 ngày.

“Cô bé Lọ lem” của Grand Slam

Những tay vợt đầu tiên tới Úc bằng máy bay là đội tuyển Davis Cup Mỹ vào tháng 11/1946. Ngay cả đối với các tay vợt bản địa, tham dự giải cũng không phải là điều dễ dàng. Khi giải được tổ chức tại Perth, không có bất cứ tay vợt nào đến từ Victoria hay New South Wales đăng ký tham dự, vì nếu như vậy họ phải đi tàu hỏa hơn 3.000 km từ bờ Đông sang bờ Tây Australia. Hay giải tổ chức tại Christchurch, New Zealand năm 1906, chỉ có hai tay vợt Australia tham dự.

Từ năm 1969, Australian Open cho phép tất cả các tay vợt đăng ký, kể cả các VĐV chuyên nghiệp. Nhưng, chỉ trừ hai giải năm 1969 và 1971, còn đâu cho đến năm 1981, hầu hết các tay vợt xuất sắc nhất thế giới đều không tham dự do tính bất hợp lý của lịch thi đấu (giải thường diễn ra đúng vào dịp Lễ Giáng sinh hay đầu năm mới), cùng với lượng tiền thưởng chưa hấp dẫn.

Chú thích ảnh
Khu liên hợp thể thao Kooyong, địa điểm tổ chức Australian Open trước đây

“Nó lúc ấy chẳng hề giống một giải lớn”, chuyên gia Brad Gilbert của ESPN – một cựu tay vợt từng dự Australian Open – từng than thở, “Mặt cỏ thật tệ, bạn đánh trái bóng xuống đó và nó nảy không đến bắp chân. CLB thì đông đúc, chật chội. Chẳng hề giống Wimbledon hay US Open tí nào”. Bjorn Borg, người đã giải nghệ với 11 danh hiệu lớn, chỉ chơi ở Melbourne đúng một lần, Jimmy Connor, chủ nhân 8 Grand Slam, đã dự 21 giải US Open, nhưng mới chỉ 2 lần góp mặt ở Australian Open (vô địch 1). John McEnroe cũng chỉ 1 lần thi đấu tại đây.

Năm 1987, thay đổi rất lớn khi chuyển từ sân cỏ tại CLB cũ kỹ (Kooyong) sang mặt sân cứng tại Melbourne Park là một bước nhảy vọt. Cũng trong năm này, giải đấu chuyển thời gian từ tháng Mười hai sang tháng Giêng. Nhưng ở thời điểm đó và cho đến đầu những năm 1990, kỷ lục 11 Grand Slam của Roy Emerson vẫn bị xem là không thể vượt qua, còn các tay vợt vẫn quen với hệ thống 3 Grand Slam hơn, thay vì chấp nhận thêm Australian Open.

“Nàng công chúa” của Grand Slam hiện đại

Chú thích ảnh
Djokovic rất có duyên với Australian Open

Thế hệ quần vợt hiện tại lại là minh chứng rõ ràng nhất cho sự hấp dẫn của Australian Open. Novak Djokovic đã 6 lần đăng quang tại đây – bằng một nửa số Grand Slam mà anh giành được. Đây cũng là nơi lần đầu tiên, Nole giành được một giải đấu lớn (2008). Anh đã trải qua 11 Grand Slam kế tiếp không vô địch, nhưng sau đó đã bước vào một thời kỳ hoàng kim, khởi đầu từ Australian Open 2011.

Serena Williams cũng đang sở hữu 7 chức vô địch Australian Open – nhiều nhất trong kỷ nguyên Open (từ năm 1968), bỏ xa những huyền thoại như Monica Seles, Steffi Graf (4) và Martina Hingis (3). Đáng tiếc cô không dự giải đấu năm nay vì chưa lấy lại phong độ sau khi sinh con. Federer tuy sở trường ở Wimbledon (8 lần vô địch), nhưng cũng 5 lần đăng quang tại Australian Open, ngang với US Open.

Chú thích ảnh
Quần thể hiện đại ở Melbourne Park với vô số hạng mục

Mặt sân cứng ở Melbourne Park cũng đóng vai trò rất lớn trong mối quan hệ kình địch trên sân đấu giữa Federer và Nadal. Tay vợt người Tây Ban Nha tham dự hầu hết các kỳ Australian Open, nhưng chỉ 1 lần vô địch, và nó lý giải tại sao anh vẫn chỉ đứng thứ hai trong bảng vàng Grand Slam, sau Federer, với tỷ lệ là 19-16.

Một số tay vợt khác trong ngôi đền của các huyền thoại rất thích Australian Open là Andre Agassi và Jim Courier. Giống như Djokovic, số lần vô địch Australian Open của họ cũng chiếm nửa số danh hiệu Grand Slam.

Roger Federer & tình yêu với Australian Open

Phải đến năm 1987, Australian Open mới thực sự được coi là một Grand Slam đúng nghĩa. Nhưng bây giờ, quần thể Melbourne Park đang xác lập một tiêu chuẩn vàng về quảng bá quần vợt với 3 sân đấu lớn có mái che, những sân đấu ngoài trời xinh đẹp, vô số điểm vui chơi, những khu vui chơi trẻ em cho đến các sân khấu âm nhạc phục vụ riêng giải đấu.

Chú thích ảnh
Federer có tình yêu đặc biệt với Australian Open

Từng bị các ngôi sao lớn trong quá khứ ghẻ lạnh, xong bây giờ, Australian Open lại là giải đấu được yêu thích bậc nhất. Hãy nghe Roger Federer tâm sự sau khi vô địch giải năm ngoái: “Đây là giải đấu tôi chưa hề lỡ hẹn. Là giải đấu mà tôi đạt sự ổn định nhất. Tôi đã có rất nhiều cái đầu tiên ở đây. Chơi giải Grand Slam trẻ đầu tiên năm 1998, đánh vòng loại Grand Slam đầu tiên năm 1999, và giành chiến thắng đầu tiên, trước Michael Chang, năm 2000. Tôi luôn luôn thích tới đây”.

Sau chiến tích ấy, Federer cũng dành những lời có cánh cho hai cựu HLV người Australia của mình là Tony Roche và Peter Carter, những người đã rèn giũa và truyền cảm hứng rất lớn đến sự nghiệp của anh. “Tôi rất biết ơn Peter Carter, Tony Roche, và cả những CĐV Australia nữa. Với sự ủng hộ của họ, tôi có thể làm được điều kỳ diệu, ở độ tuổi này, và sau 5 năm không giành Grand Slam”.

Phương Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm