Vì sao người tiêu dùng lo ngại về GMO?

09/10/2016 07:54 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - GMO xuất hiện vào những năm 1990 và ngay lập tức khiến người ta quan tâm, bàn tán.

Xét về góc độ người tiêu dùng, GMO đặt ra nhiều câu hỏi như: “Thứ gì đang có trong sản phẩm của tôi?”, “Sức khỏe của tôi sẽ ảnh hưởng thế nào nếu tiêu thụ các sản phẩm không giống với tự nhiên như thế này?”. Khi các câu hỏi chưa được làm sáng tỏ thì lại có thông tin về loại chuột được nuôi bằng GMO có tỷ lệ ung thư cao. Điều này sau đó đã được các nhà khoa học phủ nhận, nhưng rõ ràng, người tiêu dùng vẫn cứ bán tín, bán nghi.


Đặc biệt, các loại GMO đầu tiên được đưa vào thị trường Châu Âu thực sự lại không hề có nhiều đột phá. Giá cả vẫn cao như cũ, thời hạn bảo quản cũng không thay đổi, hương vị thì chẳng thơm ngon hơn tẹo nào. Trong khi đó, những gì được sử dụng để tạo ra sản phẩm GMO lại vẫn là một bí ẩn.

Tại Ấn Độ, Bộ trưởng Bộ Môi trường đã ban hành “lệnh đình chỉ” tạm thời việc lưu hành hạt giống Biến đổi gen của Monsanto tại nước này do những tác hại kinh tế mà nó gây ra. Tại rất nhiều các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Áo, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hungary… đều đã ban bố lệnh cấm thực phẩm biến đổi gen.

Ở châu Á, Nhật Bản đã ra lệnh cấm, Thái Lan cho phép thực phẩm biến đổi gen có mặt ở thị trường nhưng truyền thông phải đưa thông tin hai chiều để phổ biến kiến thức cho người dân, Trung Quốc mặc dù đã từng khuyến khích thực phẩm biến đổi gen, nhưng đến nay đã phải hạn chế và ngừng nhập giống ngô biến đổi gen.

Cho đến khi GMO được nhân rộng, năng suất cải tiến, giá thành rẻ hơn thì người ta lại bắt đầu lo lắng với câu hỏi: “Tại sao nó rẻ vậy?”, “Những sản phẩm rẻ liệu có đảm bảo về chất lượng không?”…

Bên cạnh đó, nhiều thông tin cho rằng GMO làm tăng nguy cơ dị ứng, khả năng kháng kháng sinh, làm mất đi những đặc tính tốt của các sản phẩm nguyên thủy… càng đẩy những lo lắng của người tiêu dùng tăng cao.

Đến nay, chưa có một kết luận rõ ràng nào về tác hại của GMO đối với sức khỏe của con người, thế nhưng, những nghi ngại vẫn được truyền từ người này sang người khác. Ở rất nhiều nước, chính phủ thậm chí còn cấm trồng, sản xuất cũng như nhập khẩu GMO. Sự kiên quyết này của chính phủ lại một lần nữa khiến người tiêu dùng nghi ngại với câu hỏi: “Phải có gì đó thì chính phủ mới hành động như vậy chứ”.


Có thể nói, GMO không chỉ là cuộc chiến công nghệ, nó còn là cuộc chiến tâm lý của người tiêu dùng. Còn bạn, bạn đứng về phe nào?

Cao Quí
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm