30/05/2019 06:47 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Tại phiên đấu giá của nhà Christie’s Hong Kong (Trung Quốc) ngày 26/5/2019, bức Les Désabusées (Vỡ mộng, lụa, 92,5cm x 57cm, 1932) của Tô Ngọc Vân đã tăng giá gần 400% so với mức sàn, bán hơn 1,1 triệu USD, ( 27 tỷ đồng). Đó là một câu chuyện thú vị.
Trên thị trường đấu giá công khai, đây là lần đầu một tác phẩm của danh họa Tô Ngọc Vân và của cả bộ tứ đầu tiên “Trí - Lân - Vân - Cẩn” vượt ngưỡng “triệu đô”. Trước đây ít có tác phẩm nào của Tô Ngọc Vân được đấu giá trên 50.000 USD, nên ngay khi Vỡ mộng xuất hiện với giá dự đoán từ 256.103 đến 384.155 USD, nhiều người đã choáng váng.
Cột mốc của Tô Ngọc Vân
Càng choáng váng hơn khi trước 1945, những tác phẩm tiêu biểu của Tô Ngọc Vân như Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), Hai thiếu nữ và em bé (1944), Buổi trưa (1936), Bên hoa (1942), Thiếu nữ bên hoa sen (1944), Thiếu phụ ngồi bên tranh tam đa (1942)… đều là tranh sơn dầu. Những tác phẩm lụa của Tô Ngọc Vân mới hiển lộ và nổi danh gần đây.
Bình luận về cột mốc này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho biết: “Tranh lụa là một nghệ thuật rất đặc biệt của dòng tranh Việt Nam, nhất là tranh thời kỳ Đông Dương. Giá trị của tranh lụa Việt Nam đang ngày càng lũy tiến theo thời gian. Riêng với bức Vỡ mộng (1932) thì tôi đã xem tận mắt trong triển lãm Arts du Vietnam: La fleur du pêcher et l’oiseau d’azur (Nghệ thuật Việt Nam: Hoa đào và chim xanh) tại Bảo tàng Hoàng gia Mariemont, Vương quốc Bỉ, từ ngày 20/4 đến 18/8/2002”.
Anh phân tích thêm: “Màu sắc trong tranh rất dịu dàng và trong trẻo, những sợi tơ lụa như dệt lên gương mặt của người mẫu, làn da mỏng manh mộng tàn. Ngay cả dáng dấp của người mẫu cũng mảnh mai yếu đuối, như mời gọi sự nâng niu... Tuy rằng chủ đề hơi buồn, nhưng nhìn vào tranh người ta thấy thần thái tranh Việt, với kỹ thuật và nét bút đặc thù của nó”.
Theo nhà môi giới nghệ thuật Linh Cao (chủ Gallery 42, Hà Nội) thì: “Bức Vỡ mộng đẹp tự thân, nhiều chất Đông Đương, nên dễ tạo sức hút với khách quốc tế. Tô Ngọc Vân vẽ rất ít tranh lụa, nên tự nó đã thành quý hiếm, cộng với khổ tranh khá lớn, tình trạng bảo quản tốt, xuất xứ rõ ràng, nên càng đáng giá. Về nghệ thuật, nó có sự đối thoại thầm kín phương Đông giữa hai nhân vật, kiệm lời nhưng nhiều ý. Xét nét thì thấy vẽ chưa thật kỹ lưỡng, nhưng nhìn chung dáng vẻ thần thái đẹp, gam màu ngọt, chuẩn như mong đợi”.
Dù không đánh giá cao về bố cục và tạo hình của Vỡ mộng, nhưng nhà nghiên cứu Phạm Long cũng cho chúng ta biết một số lý do để tác phẩm này đạt giá cao. Anh nói: “Thứ nhất, Tô Ngọc Vân là người có danh tiếng lớn, nằm trong “bộ tứ” đầu tiên, từng dạy ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, từng phụ trách Trường Mỹ thuật Việt Bắc từ năm 1950. Thứ hai, tranh lụa của ông hiếm hơn sơn dầu và một hai chất liệu khác, đa số đã được bán trước năm 1945, nếu ai bảo quản tốt, rõ ràng về xuất xứ, thì ngày nay sẽ càng thu hút. Thứ ba, cơn sốt đầu tư vào tranh Đông Dương đang lên nhanh, các đại gia Việt Nam đang có xu hướng đầu tư vào tranh Đông Dương để nhanh quay vòng vốn, thay vì thị trường bất động sản đang chững lại và nhiều lùm xùm. Thứ tư, tranh Đông Dương dù có tiếng xấu là nhiều tranh giả, khó xác minh, nhưng hiện nay Việt Nam chưa có khả năng kiểm định tốt, đủ uy tín, nên các nhà buôn tranh không sợ lỗ, vẫn tìm được khách hàng, xác suất bán lại thu lời vẫn cao”.
Vài kiệt tác khác
Giá bán kỷ lục của Vỡ mộng là kết quả từ các phiên giao dịch công khai, chứ theo định giá để mua bảo hiểm thì bức sơn dầu Hai thiếu nữ và em bé (1044, bảo vật quốc gia số 65) của Tô Ngọc Vân đã hơn 1 triệu USD từ lâu. Tất nhiên bảo vật quốc gia thì vô giá, thường đứng ngoài mọi phiên giao dịch.
Về mặt danh tiếng, bức sơn dầu Thiếu nữ bên hoa huệ (1943) được xem là nổi tiếng nhất của Tô Ngọc Vân. Bức này từng thuộc sở hữu của hai nhà sưu tập huyền thoại là Đức Minh và Hà Thúc Cần. Ông Cần mua với giá 15.000 USD thời bấy giờ. Nhưng sau khi ông Cần mất, chưa ai rõ hiện tác phẩm này đi đâu. Bức gốc này mà lên sàn đấu giá, triệu đô là bình thường.
Bức Les brodeuses (Thợ thêu, lụa, 1932) cũng xứng đáng là kiệt tác lụa của Tô Ngọc Vân, cả về sự quý hiếm, giá trị tạo hình và tình trạng bảo quản. Bức này từng xuất hiện tại một triển lãm vào cuối năm 2012 tại bảo tàng Cernuschi (Paris, Pháp) và được chọn in bìa vựng tập.
Tô Ngọc Vân (15/12/1909-17/6/1954) thành danh từ đầu thập niên 1930 tại Hà Nội, sống hoàn toàn bằng việc dạy vẽ và bán tranh. Dù qua đời khá sớm, nhưng di sản ông để lại đa dạng và có nhiều tác phẩm tiêu biểu, trở thành kiệt tác của mỹ thuật hiện đại Việt Nam. |
Phần hồn của tác phẩm “Một bức hội họa chân chính là một tác phẩm mang dấu vết tâm trạng của người đã sáng tạo ra nó, là cảnh vật thêm tâm hồn nghệ sĩ. Không là hình dung thản nhiên, lạnh nhạt của tạo vật, để thay tấm ảnh hay ghi chép hiện trạng khoa học. Phần hồn của tác phẩm không phơi trên tranh như hình một trái cây hay bóng dáng một cái nhà. Muốn hội được tất phải là người dễ cảm lại gặp lúc tâm thần thư thái lợi cho mỹ cảm. Những người đó hiếm, những lúc ấy hiếm, nên sự thưởng thức hoàn toàn một họa phẩm vẫn là việc hiếm”. quan điểm của Tô Ngọc Vân, in trên tạp chí Thanh nghị số 13, tháng 5/1942. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất