Vẻ đẹp trong 'hộ chiếu' của Vi Thùy Linh

03/03/2014 13:14 GMT+7 | Đọc - Xem


(lienminhbng.org) - “Viết truyện cho thiếu nhi không phải chỉ khung bít đối tượng độc giả là các em thiếu nhi. Một tác phẩm văn học có giá trị thì nó còn phải lay động người lớn, kể cả những người già cỗi cũng thấy lại tuổi thơ của mình trong sự trong trẻo của ngôn ngữ và hình ảnh” - nhà thơ Vi Thùy Linh đã nói vậy trong ngày ra mắt cuốn tùy bút thứ 2 của mình: Hộ chiếu tâm hồn.

Và quả thực, khi đọc tùy bút của cô, người lớn thấy lại những xúc cảm trong trẻo, nguyên khiết của tuổi thanh tân. Và những em nhỏ, hẳn bắt đầu cảm thấy những rung động được ngữ hóa từ câu chữ tinh tế, đầy chất thơ.

Hộ chiếu của Linh

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã mở đầu trong Lời tựa cuốn tùy bút: “Xuyên suốt những tác phẩm trong tập tùy bút thứ hai này là hương vị và hình ảnh những vẻ đẹp đời sống của xứ sở chúng ta. Có không ít vẻ đẹp đã biến mất, có thể đã bị giết chết; có những vẻ đẹp vẫn hiển hiện, song không ít người đã bước qua không hề ngoái lại; có những vẻ đẹp đã lùi sâu vào những góc khuất như một sự lánh xa con người…”.

Nhà thơ Vi Thùy Linh (trái) và NSƯT Thu Hà tại buổi giới thiệu Hộ chiếu tâm hồn. Ảnh: Nguyễn Việt Hải

Tùy bút gồm 34 tác phẩm chia làm ba phần: Liên xuân, Link Visa của ViLi, được Vi Thùy Linh sáng tác từ năm 2012 đến nay. Trong phần đầu của tập tùy bút, Liên Xuân gồm 10 tác phẩm, là những xúc cảm về mùa Xuân - “mùa của tin yêu, của ánh sáng và hy vọng”. Vi Thùy Linh đã thức nhạy mọi giác quan đón nhận những tinh túy của thiên nhiên, của cuộc đời. Để rồi, tự khiến mình hối hả, thổn thức như sợ những vẻ đẹp mong manh ấy sẽ mất hẳn, trước những xâm hại bạo tàn, của thời gian và con người.

Link gồm 11 tác phẩm về những vùng đất Linh đã gắn bó như Hà Nội, Sài Gòn, như quê mẹ Hải Phòng, quê cha Trùng Khánh, Cao Bằng hay mảnh đất Đà Nẵng mà chị đã “phải lòng”, xứ sở Paris với niềm mê say bất tận; hay về Trường Sa, quần đảo thiêng của Tổ quốc.

Hộ chiếu tâm hồn có hai tùy bút giả tưởng, trong đó, tác giả đã gặp hai cố nhà văn Nguyên Hồng và Thạch Lam. Phần cuối cùng - Visa của ViLi, với 13 tùy bút, đây là nơi tác giả bộc lộ những suy tư về những người thầy, những chuyến đi cuộc đời, những kỷ niệm ấu thơ và về tương lai nhân loại trong sự cô đơn và yếu đuối. Ở đó, Vi Thùy Linh được định danh, như một tấm hộ chiếu với quê quán, gốc gác, tuổi tác và gương mặt và những mảnh đất đã tạo ra tâm hồn cô.

Trong ngày ra mắt tùy bút, Vi Thùy Linh chia sẻ: “Hộ chiếu tâm hồn là của chính mình, do chính mình cấp cho mình, tạo cho mình độ bền, độ dày, sự phong phú những dấu visa trong tâm hồn là do mỗi người. Mỗi người sẽ chịu trách nhiệm về hộ chiếu tâm hồn mình. Hộ chiếu tâm hồn, tức là đọc văn là thấy người. Cái tôi trong tuỳ bút có nhiều dấu vết tự sự”.

Vi Thùy Linh xúc cảm: “Văn chương là hộ chiếu tâm hồn tôi… mong độc giả khi cầm hộ chiếu này nhận lấy tình cảm chân thành, đằm thắm của tôi, và có thêm một trang trong hộ chiếu tâm hồn mình”. Và cô đã khóc khi kể về nhứng đêm trắng viết nên “hộ chiếu”…


Bìa cuốn Hộ chiếu tâm hồn

Liên tài

Hộ chiếu tâm hồn được trình bày minh họa với 17 bức tranh đen trắng, được vẽ bởi các tên tuổi trong làng mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Hơn nữa, đêm diễn Đêm Linh - Hộ chiếu tâm hồn sẽ diễn ra ngày 6/3 tại hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Nhiều tên tuổi quy tụ, nghệ sĩ Bùi Như Lai đạo diễn, với sự tham gia thể hiện tác phẩm của NSND Hoàng Dũng, NSƯT Thu Hà, ca sĩ Vành Khuyên, NSND quan họ Nguyễn Thúy Hường…

Không lạ khi những tên tuổi đó xuất hiện trong đêm thơ của Vi Thùy Linh. Cầm cuốn Hộ chiếu tâm hồn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: “Mọi sản phẩm, mọi cuốn sách của Vi Thùy Linh không chỉ là sách, không chỉ là tác phẩm văn chương, mà nó còn là tác phẩm nghệ thuật.

Cách viết của Linh khiến độc giả đồng cảm được, nghệ sĩ có thể đồng sáng tạo với tác phầm của Linh, bởi họ đọc được trong bài viết của Linh có chất họa, chất thơ, chất nhạc… Linh rất có ý thức sáng tạo trong từng bài viết, sáng tạo trong việc tổng hợp lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, thơ ca…”.

Vi Thùy Linh và NSND Hoàng Dũng. Ảnh: Nguyễn Việt Hải

Nhà văn Ngô Thảo bày tỏ khâm phục: “Thế hệ chúng tôi già nua tuổi tác, các nghệ sĩ lớn cũng vậy, họ chăm chú làm ra tác phẩm, và nghĩ rằng như thế là đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngay các hội văn học nghệ thuật cũng vậy, luôn luôn tổ chức các cuộc thi, chọn ra những tác phẩm xuất sắc, đạt giải nhất, giải nhì và có cuộc họp báo công bố và sau đó chấm hết. Những tác phẩm rơi vào quên lãng.

Chúng tôi rất cảm phục Vi Thùy Linh, luôn tự quảng bá mình, và quảng bá những nghệ sĩ khác trong các tác phẩm, show diễn của mình. Chính điều đó đã góp phần làm gắng lên nhiệt tình văn học đôi khi còn lờ mờ trong nhiều người”.

Mạnh Cường - Nguyễn Hoa
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm