Vỉa hè, bậc thềm và di sản đô thị

27/03/2017 07:04 GMT+7

(lienminhbng.org) - Câu chuyện “đập bậc thềm rạp Công nhân” đang thu hút sự chú ý của dư luận vài ngày qua. Trong đó, câu hỏi về nguyên trạng ban đầu của các bậc thềm này cũng là vấn đề gây thắc mắc.

Bởi, những bức ảnh tư liệu để lại cho thấy: dường như rạp Nguyễn Văn Hảo (tiền thân của rạp Công nhân) chỉ có 3 bậc thềm, thay vì 5 bậc như hiện tại. Và nếu điều này là sự thật, sẽ có những cách đánh giá rất khác nhau về hành động “đập bậc thềm” Nhà hát của chính quyền Quận 1, TP.HCM vào cuối tuần qua.

Nhưng dù đúng sai, cũng không thể phủ nhận một thực tế: không có cơn bão “dẹp vỉa hè”, sẽ chẳng mấy ai trong số chúng ta bỏ công tìm hiểu và tranh cãi về… lịch sử của những bậc thềm như vậy.

Thẳng thắn, về mặt kiến trúc, rạp Công nhân không phải là một kiến trúc nhà hát điển hình của TP.HCM, như trường hợp của Nhà hát Thành phố. Thế nhưng, công trình ấy lại gắn với nhiều câu chuyện.


Rạp Nguyễn Văn Hảo từng được mệnh danh là "thánh đường của cải lương". Ảnh: Tư liệu

Chẳng hạn, đó là chuyện của Nguyễn Văn Hảo, chủ nhân đầu tiên của rạp. Đó là một trong những người giàu nhất Sài Gòn giai đoạn từ thời Pháp thuộc cho đến trước 1975. Ông bỏ tiền ra xây dựng một nhà hát bắt đầu từ thú xem cải lương của mình.

Ngoài ra, vào tháng 7/1943, rạp là nơi diễn ra buổi diễn thuyết “Con đường mới của thanh niên”, mở đầu phong trào quay về Sài Gòn tổ chức các hoạt động yêu nước của những sinh viên gốc Nam bộ ngoài Bắc. Hoặc, ngày 20/8/1945, đây là nơi tổ chức lễ ra mắt của Việt Minh, nhân ngày giỗ thứ hai của chí sĩ Nguyễn An Ninh.

Đặc biệt, cuối năm 1955, vụ ném lựu đạn vào vở tuồng yêu nước “Lấp sông Gianh” của đoàn cải lương Kim Thoa cũng là một sự kiện điển hình trong đời sống văn hóa, chính trị của Sài Gòn giai đoạn trước 1975 và vẫn còn được nhắc lại đến giờ.

Tất cả những câu chuyện ấy giúp người ta nhận diện được rạp Nguyễn Văn Hảo trong quá khứ (và rạp Công nhân hiện nay) với những nhà hát khác. Cũng như, giữa lịch sử đô thị của TP.HCM với bao đô thị còn lại.

***

Ở đây, người viết chưa nhắc tới chuyện đúng - sai ở rạp Công nhân, trước chiến dịch “dẹp loạn vỉa hè”. Điều đáng nói, là cách chúng ta nhìn về ký ức, thông qua chứng nhân là những công trình cụ thể.

Những lớp ký ức phủ lên rạp Công nhân lẽ ra cần được lưu giữ và quảng bá một cách rộng rãi hơn, để kiến trúc ấy không chỉ được nhìn nhận từ công năng của một rạp hát, mà còn ở một góc độ một công trình văn hóa - lịch sử đặc thù của TP.HCM. Cũng như, những thay đổi, biến thiên của nhà hát theo thời gian cần được hệ thống và tư liệu hóa một cách rõ ràng.

Làm theo cách ấy, rạp Công nhân không chỉ là nơi biểu diễn - mà còn trở thành một địa chỉ mà du khách muốn ghé thăm để được giới thiệu về một phần lịch sử, văn hóa của TP.HCM trong quá khứ. Và, nếu được như vậy, khi “có chuyện” chúng ta cũng không phải mất công lục tìm các tư liệu cũ, để tranh cãi xem bậc thềm hiện có của rạp được xây thêm, mở rộng từ thời điểm nào.

Đó không phải là sự níu kéo ký ức, mà là sự gìn giữ và bảo tồn “phần hồn” của những kiến trúc cũ, để nó không trở thành một công trình chết.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm