04/05/2012 13:47 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Dù nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C, nhưng như mọi ngày, không ít người lao động ở Hà Nội, vẫn đang phải bám trụ mưu sinh dưới cái nóng hầm hập hất lên từ mặt đường nhựa.
Họ là những người cửu vạn, bán bánh mì, xe ôm, bán kính, sửa khóa, đánh giày dạo…
Nhặt nhạnh từng đồng từ “chảo lửa”
Đã 20 năm nay, trừ vài ngày mùa, còn lại ngày nào, anh Phan Văn Tụy làm nghề cửu vạn cũng đứng ở cầu Mai Động đợi khách. “Dù có nóng thế nào, tôi vẫn cố đội nắng đứng chỗ thoáng tầm nhìn đợi khách. Với khách lạ, mình có đứng, người ta mới biết là mình làm cửu vạn mà gọi. Còn với người quen, mình đứng đấy người ta mới biết mà chọn mình ngay, chứ không họ chọn người khác” - anh Tụy giải thích lý do tại sao mình không vào tránh nắng mà vẫn “bêu” mặt sát ngã tư mặt đường nóng bỏng.
Anh Tụy cho biết: “Người ta thuê mình gì, mình làm thế. Nếu được thuê, thì tiền công cũng không đến nỗi: Dọn nhà, xây nhà, công nhật 300.000 đồng/ ngày. Chủ “hào phóng” thì bao ăn, không phải tự trả tiền ăn. Nhiều khi làm việc theo giờ, 100.000- 200.000 đồng /giờ. Chủ yếu là những công việc nặng nhọc, khó khăn như thông bể phốt, vét cống... Công việc thường xuyên nhất là khuân vác đồ do các mối làm ăn lâu năm cung cấp. Xe 1 tấn, độ 20 bao hàng, mỗi bao 50kg, cửu vạn được trả 500.000 đồng...”.
Những người phụ nữ mưu sinh dưới cái nóng 40 độ C
Còn chị Bùi Sinh, quê Hòa Bình, thuộc “xóm bánh mì dạo” bán bánh ở quốc lộ 5 thì cho hay: mỗi ngày, người bán bánh ở QL 5 đoạn qua quận Long Biên trung bình bán được trên dưới trăm cái. Số tiền lãi họ thu về độ 60 - 70.000 đồng. Thế nên “bữa ăn tằn tiện bằng những cái bánh ế, giấc ngủ cũng “tằn tiện” ngay trong lò bánh, thì cả ngày mới dư ra vài chục bạc gửi về cho con ăn học. Do cả nhà trông chờ vào thúng bánh mì nên trời nóng 40 độ chứ 50 độ C, cũng phải đứng bán thôi”- chị Sinh than thở sau mấy lớp khẩu trang kín mít.
Làm xe ôm, được chọn bóng râm ngồi đợi khách, nhưng bác Nguyễn Minh Huỳnh (52 tuổi, Phúc Thọ, Hà Nội) lại phải “chạy như ngựa” giữa những cung đường nhựa ngùn ngụt hơi nóng để chở khách. Theo bác, nếu “năng nhặt” và có duyên, trừ tiền xăng, tiền cơm bụi, xe ôm như bác mỗi ngày đêm cũng được trăm bạc.
Ngầu đắng khóe mắt, oằn cong lưng trần
“Mỗi lần về quê, kể thu nhập hằng ngày, mọi người nghe khoái lắm. Nhưng bám đường mưu sinh ở trên này có nhiều nhọc nhằn, cay cực lắm: nào là ẩu đả để tranh giành khách; nào là nơm nớp lo cướp; nào là bọn vô lại đi cả vài chục cây, lừa đi vệ sinh rồi chạy mất hút. Đấy là chưa kể mấy “ông đinh tặc”. Trời nóng như thiêu, dắt xe cả chục cây là điều xe ôm chúng tôi sợ nhất. Nên theo kinh nghiệm, chúng tôi thường phải lấn sang làn ô tô. Vì đinh tặc thường rải đinh ở làn ngoài của xe máy. Có chăng đinh ở làn trong, gặp lốp ô tô nó cũng nảy ra làn ngoài. Ấy nhưng đi ở làn ngoài lại phải đối mặt với những hung thần xa lộ container. Với những loại này, đi đúng làn còn nguy hiểm nữa là lấn làn của họ”- Bác Huỳnh tâm sự.
Ngừng lại ít lâu để chạy theo những vị khách mới xuống xe khách, bác quay lại tiếp chuyện với gương mặt thiểu não, đỏ găng vì nắng nóng: “Cả chục người vừa xuống mà chẳng ai chịu đi xe ôm. Thời buổi xăng tăng giá như thế này, đương nhiên là mấy cô cậu sinh viên chọn buýt. Mặt đường nóng “phát rồ” nên người lớn, rủng rỉnh tiền hơn toàn chọn taxi. Thành thử, những ngày này xe ôm ế ẩm lắm”.
Chung cảnh “bám đường” với cánh xem ôm, “xóm bán bánh mì dạo” ở Long Biên cũng thừa nhận, những ngày “siêu” nóng này vừa mệt nhọc, vừa giảm thu nhập đi trông thấy. Bởi cái thời tiết này, đi ra đường đã là cực chẳng đã, mấy ai hơi đâu mà dừng xe mua bánh. Rồi suốt ngày “đội cả trời nắng to”, việc ốm đau với chị em cũng là chuyện thường. Mà cứ ốm đau là các chị sợ, vừa không ra đứng đường, kiếm tiền được, vừa lo mất tiền thuốc men. Đấy là chưa kể những hôm các chị chạy... công an. Xe trọng tải lớn lao vun vút trước mặt, tàu hỏa tiến lại ầm ầm sau lưng. Song họ vẫn phải lựa chọn, hoặc đội thúng bánh băng qua đường quốc lộ bất chấp xe tải, hoặc liều mình chạy cắt mặt tàu. Vì nếu không kịp chạy, cả thúng bánh sẽ bị tịch thu. Và công sức cả mấy ngày sẽ mất trắng.
“Thời tiết này, việc làm trong nhà còn đỡ, chứ bốc vác, khuân đồ giữa trưa thì khủng khiếp, nhưng có việc mà làm là may. Những ngày này là những ngày “khan” việc nhất. Vì giờ là thời điểm nông nhàn nên người quê lên đây làm cửu vạn đông lắm. Dọc sông Kim Ngưu thôi cũng phải có tới cả trăm người. Mà tháng này hàng hóa về không nhiều; dọn dẹp, sửa sang nhà cửa cũng không phải lúc. Biết vậy, nên những anh chở hàng “lõi đời” hay bắt bí. Có lúc mình làm đến bã cả người, mắt cay xè mồ hôi, lưng phồng rộp. Rồi chỗ phồng lại bị tượt da vì hàng hóa gánh quá nhiều trên lưng, nhưng họ chỉ trả 200 nghìn đồng/ tấn hàng cũng vẫn phải chấp nhận.”- Anh Tụy buồn rượi tâm sự.
Trong không gian nóng bức, ngột ngạt, tanh mòi của sông Kim Ngưu, câu chuyện của anh cửu vạn càng thêm phần ảm đạm: “Tháng này là tháng giáp hạt. Ở nhà có việc gì để kiếm ra tiền đâu. Mà gia đình vẫn cần có cái ăn, con cái vẫn cần đi học... Là thằng đàn ông, phải đứng ra gánh vác thôi. Trong lúc, thiếu việc, thiếu tiền, bất kể việc gì, dù cực nhọc đến đâu, miễn là lao động chính đáng, tôi đều sẵn sàng làm hết. Song ba ngày nay, tôi không có một khách nào. Cứ như thế này thì chết vì đói trước khi chết vì nóng. Nên thà phơi nắng còn hơn chết đói!”
Trời trôi dần về chiều, nắng đã bớt gắt. Từng đoàn nhân viên công sở bắt đầu rời phòng điều hòa về nhà. Anh Tụy vẫn mặc nắng nóng, mặc khói bụi, đứng với vọng giữa dòng xe tan tầm hầm hập. Hôm nay, anh lại đội nắng, về không.
Phạm Mỹ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất