Đức bắt giữ nghi phạm tấn công người Tunisia, nguy cơ phụ nữ Indonesia tham gia đánh bom liều chết cho IS

01/02/2017 20:12 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Giới chức Đức cho biết sáng 1/2, hơn 1.100 cảnh sát nước này đã lục soát 54 ngôi nhà, cơ sở kinh doanh cùng các thánh đường Hồi giáo tại Frankfurt và một loạt thị trấn khác tại bang miền Tây Hesse và đã bắt giữ một đối tượng người Tunisia bị tình nghi đang lên kế hoạch cho một vụ tấn công.

Trong một thông cáo, Tổng Công tố Frankfurt cho biết nghi phạm là nam giới, 36 tuổi, được cho là kẻ tuyển mộ thành viên cho tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Đức kể từ tháng 8/2015 và thiết lập một mạng lưới những phần tử ủng hộ nhằm tiến hành một vụ tấn công khủng bố tại Đức. Đối tượng người Tunisia còn được cho là có liên quan đến vụ tấn công bảo tàng tại Tunisia hồi năm 2015 khiến hàng chục người thương vong.

Cảnh sát đã tiến hành nhiều cuộc bố ráp tại Frankfurt am Main, Offenbach am Main, Darmstadt, Limburg, Wiesbaden và một số quận khác. Lực lượng chức năng cũng đang điều tra 15 nghi phạm khác ở độ tuổi từ 16-46. Theo điều tra ban đầu, các kế hoạch tấn công đang ở giai đoạn đầu và chưa có mục tiêu tấn công cụ thể.

Trước đó, ngày 31/1, cảnh sát Đức cũng đã bắt giữ 3 người đàn ông ở thủ đô Berlin bị tình nghi có quan hệ gần gũi với IS và đang lên kế hoạch di chuyển đến Trung Đông để tham gia huấn luyện chiến đấu.


Thủ tướng Đức Angela Merkel tới thăm hiện trường vụ tấn công đẫm máu ở khu chợ Giáng sinh ở Berlin năm 2016

Trong diễn biến liên quan, Viện phân tích chính sách xung đột (IPAC) có trụ sở tại Jakarta (Indonesia) ngày 31/1 cảnh báo phụ nữ nước này đang đóng một vai trò tích cực hơn trong chủ nghĩa cực đoan bạo lực, với việc một số người đang tìm cách trở thành những kẻ đánh bom liều chết cho IS.

Theo IPAC, vấn đề ngày càng nghiêm trọng trên đã trở nên nổi bật sau vụ bắt giữ 2 phụ nữ có liên quan đến IS bị cáo buộc lên kế hoạch tấn công liều chết tại Indonesia hồi tháng 12/2016. Mặc dù nhiều người Indonesia đã gia nhập IS ở Trung Đông, song việc những người phụ nữ Indonesia ngày càng muốn đi theo chủ nghĩa cực đoan, hơn là chỉ đơn thuần ủng hộ người chồng cực đoan của mình, đã đặt ra những mối đe dọa mới.

Bên cạnh đó, báo cáo của IPAC cho rằng nguyên nhân của tình trạng này không chỉ liên quan đến lời kêu gọi của IS, mà còn liên quan đến sự phức tạp ngày càng tăng của mạng xã hội vốn cho phép ngày càng nhiều phụ nữ xem các nội dung tuyên truyền thánh chiến và tham gia các diễn đàn cực đoan. IPAC kêu gọi Chính phủ Indonesia cố gắng tìm hiểu thêm về mạng lưới cực đoan nữ giới, trong đó có việc phỏng vấn nhiều phụ nữ bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ sau khi được cho là đã tìm cách vào Syria để gia nhập IS.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm