Mỹ giục Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dẹp căng thẳng để chống IS

02/12/2015 13:02 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng khép lại vụ Ankara bắn hạ máy bay Su-24 của Nga tại biên giới Syria và tập trung vào kẻ thù chung là tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. 

Phát biểu ngày 1/12 tại cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria với các nhà lãnh đạo thế giới tại thủ đô Paris, Pháp trong khuôn khổ Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21), Tổng thống Obama cho rằng Nga sẽ sớm phải thay đổi chiến lược trong cuộc chiến chống IS tại Syria, đồng thời ủng hộ một giải pháp chính trị nhằm tránh cuộc xung đột đẫm máu đã bước sang năm thứ 5 tại quốc gia Trung Đông này. 

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc Su-24 của Nga đã khiến quan hệ đôi bên hết sức căng thẳng

Ông nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Washington ủng hộ quyền tự vệ của Ankara. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Chúng ta có kẻ thù chung là IS và nước Mỹ muốn đảm bảo chắc chắn rằng hiện chúng ta đang tập chung vào mối đe dọa này".

Trong một diễn biến liên quan, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga giảm căng thẳng và kiềm chế các hành động có thể đe dọa những nỗ lực chung trong cuộc chiến toàn cầu chống IS, đặc biệt sau các vụ tấn công khủng bố của tổ chức này tại Paris khiến 130 người thiệt mạng. 

Quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng sau vụ Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga đang tham gia cuộc chiến chống tổ chức IS tại Syria ngày 24/11 vừa qua. Phía Ankara cáo buộc máy bay Nga xâm phạm không phận nước này trong khi phía Moskva hoàn toàn bác bỏ, coi đây là hành động "đâm sau lưng" và đồng lõa với khủng bố. 

Tổng thống Nga Vladimia Putin đã khẳng định việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của nước này là nhằm che đậy sự liên quan của Ankara trong các giao dịch dầu thô với IS. Ông cũng từ chối một cuộc gặp song phương với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bên lề hội nghị COP21.

Nga cũng đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đốt với lĩnh vực du lịch và nông nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tăng cường sự hiện diện của quân đội tại Syria, triển khai hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa S400 cũng như các lực lượng hải quân mới.

Về phần mình, Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ từ chức nếu Nga đưa ra những bằng chứng xác đáng, nhưng nước này sẽ không xin lỗi Nga về vụ bắn hạ máy bay chiến đấu. Ngày 30/11, Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc các tàu Nga phải đợi nhiều giờ mới cho phép đi qua Eo biển Bosporus, kết quả là hàng chục tàu đã phải chờ để đi qua eo biển này. 

Nga cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có quyền đơn phương đóng cửa Eo biển Bosporus, điều này chỉ có thể xảy ra nếu nước này có chiến tranh.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm