CẬP NHẬT: Tướng Nga khẳng định máy bay SU-24 bị ‘phục kích trên không’

28/11/2015 07:30 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Tư lệnh lực lượng Không quân Vũ trụ Nga (VKS), Thượng tướng Viktor Bondarev ngày 27/11 cho biết vụ tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 Nga đã được lên kế hoạch trước...

(Tiếp tục cập nhật)

* Tướng Nga khẳng định SU-24 Nga bị ‘phục kích trên không’

Theo P/v TTXVN tại Moskva, tư lệnh lực lượng Không quân Vũ trụ Nga (VKS), Thượng tướng Viktor Bondarev ngày 27/11 cho biết vụ tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 Nga đã được lên kế hoạch trước.

Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Bondarev nói: "Kết quả từ radar kiểm soát mục tiêu của Syria xác nhận có 2 chiếc F-16 trong không trung, ở khu vực trực chiến từ 9h11 đến 10h26, trong khoảng thời gian 1 giờ 15 phút ở độ cao 2.400m, điều này cho thấy hành động được lên kế hoạch trước và các tiêm kích sẵn sàng hành động trong cuộc phục kích trên không từ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ".

Theo ông Bondarev, thời gian tiếp cận của F-16 từ căn cứ không quân ở Diyarbakir, tại vị trí trực chiến trên đường băng cho tới điểm phóng tên lửa là 46 phút, trong đó có 15 phút chuẩn bị và cất cánh, 31 phút di chuyển tới điểm phóng tên lửa. Nghĩa là việc đánh chặn Su-24 từ vị trí trực chiến dưới mặt đất ở ​​sân bay Diyarbakir là không thể, vì thời gian tiếp cận cần thiết lớn hơn 12 phút so với thời gian tối thiểu để tấn công mục tiêu.

Ông Bondarev cũng cho biết tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ đã bay vào không phận Syria đúng 40 giây. Sâu trong lãnh thổ Syria 2km, trong khi máy bay ném bom Su-24 không xâm phạm biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi phân tích video ghi lại tình hình trên không từ bộ chỉ huy không quân và phòng không Syria, "đã xác định tọa độ các mục tiêu trên không, đang bay với tốc độ 810 km/h từ phía Thổ Nhĩ Kỳ theo hướng biên giới quốc gia ở góc 190 độ".

Sau khi tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận Su-24 ở khoảng có thể phóng tên lửa, khoảng 5-7 km, chiếc F-16 đã bất ngờ ngoặt phải và hạ thấp độ cao, nên nó biến mất khỏi màn hình hiển thị trạng thái trên không. Việc phóng tên lửa được tổ bay chiếc Su-24 thứ 2 xác nhận.

Cũng theo ông Bondarev, chiếc F-16 được dẫn đường từ dưới mặt đất. Ông nói: "Việc máy bay F-16 tiếp cận khu vực có thể phóng tên lửa không theo đường cong cho thấy tiêm kích được dẫn đường từ điểm chỉ huy dưới mặt đất".

Nga yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ điều tra hoạt động buôn bán dầu mỏ với IS
 
   
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành điều tra về nguồn dầu mỏ mà nước này nhập khẩu trên quy mô lớn từ các khu vực do IS kiểm soát ở Syria.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Francois Hollande đang ở thăm Moscow, Tổng thống Nga Putin cho biết: “Một lượng lớn dầu mỏ đã được vận chuyển từ biên giới Syria tới Thổ Nhĩ Kỳ và chúng được chuyển đi từ các vùng do IS kiểm soát.  Quan sát từ trên không, những xe chở dầu di chuyển vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ cả ngày và đêm”.



Tổng thống Putin cho rằng không loại trừ vụ việc này có liên quan đến vấn nạn tham nhũng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhấn mạnh Hội đồng Bảo an LHQ đã có các biện pháp cấm mua bán dầu mỏ từ các nhóm khủng bố vì chúng sẽ sử dụng nguồn tiền này để mua vũ khí , đạn dược phục vụ cho các mục đích gây đổ máu.

Nếu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không biết những thông tin này thì họ cần phải tiến hành điều tra tìm ra sự thật.
     
Thổ Nhĩ Kỳ tạm dừng không kích IS để tránh đụng độ quân sự với Nga


Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 27/11 đã bày tỏ mong muốn giảm căng thẳng với Nga sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay của Nga ở biên giới của Syria, đồng thời kêu gọi đoàn kết chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trong bài viết đăng trên tờ "Thời báo" của Anh, ông Davutoglu nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm việc với Nga và các đồng minh khác để giảm bớt căng thẳng.


Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu - Ảnh: TTXVN

Ông cũng khẳng định việc không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay đi vào không phận của nước này là "không nhằm vào bất cứ quốc gia nào". Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng công đồng quốc tế lúc này cần đoàn kết để chống "kẻ thù chung" là IS, nếu không kẻ chiến thắng sẽ chính là lực lượng khủng bố này.

Hiện Nga cảnh báo sẽ tiến hành một loạt biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời yêu cầu chính quyền Ankara phải đưa ra lời xin lỗi về sự cố trên. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cực lực phản đối yêu cầu này.

Trong một diễn biến liên quan tới vụ bắn hạ máy bay của Nga, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27/11 đưa tin nước này đã tạm ngừng chiến dịch không kích chống IS tại Syria để tránh nguy cơ va chạm và leo thang quân sự với Nga. Một quan chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ cả hai bên đã nhất trí hành động một cách thận trọng cho đến khi thiết lập được các kênh đối thoại./.

Nga mới là người phải xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ


Hãng tin CNN dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố Nga cần phải xin lỗi về việc xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, vài ngày sau khi máy bay Su-24 của Moskva bị bắn hạ gần biên giới Syria.

Ông Erdogan nêu rõ: "Những ai vi phạm không phận của chúng tôi mới là những người cần phải xin lỗi. Các phi công và lực lượng vũ trang của chúng tôi chỉ thực hiện nhiệm vụ của họ, trong đó có việc phản ứng trước... những hành động vi phạm. Tôi cho rằng đây là điều cốt lõi".

Trong khi đó, phát biểu trong phiên họp với lãnh đạo các cơ quan nông thôn ở Ankara, ông Erdogan cũng đã khẳng định trong trường hợp xảy ra vi phạm không phận nước này, Ankara sẽ có câu trả lời tương tự như sự cố với máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không xin lỗi


Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 26/11 tuyên bố Ankara sẽ không xin lỗi Moskva sau vụ máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống LB Nga Vladimir Putin cùng ngày cho biết Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa xin lỗi về vụ máy bay nước này bắn hạ máy bay Su-24 của Nga và cũng chưa đưa ra cam kết trừng phạt thủ phạm vụ tấn công.

Đề cập tới vấn đề trên, Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết trong cuộc điện đàm ngày 25/11 với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, ông đã nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ lấy làm tiếc về sự việc này, song nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không xin lỗi.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 26/11 nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là bên phải xin lỗi trong vụ việc.

Các biện pháp trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ được Nga thông qua


Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 26/11, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết nước này đã thông qua các biện pháp quân sự và ngoại giao nhằm đáp trả Ankara sau sự cố tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga.

Ông Medvedev khẳng định chính phủ được giao nhiệm vụ thực thi một loạt các biện pháp đáp trả trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc ngừng các dự án hợp tác kinh tế, hạn chế các giao dịch tài chính và thương mại, điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu, các biện pháp trong lĩnh vực du lịch, vận tải kể cả bằng đường không và đường biển, cũng như tiếp xúc nhân đạo đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Khuôn khổ thời gian của các biện pháp này phụ thuộc vào diễn tiến quan hệ và tình hình quốc tế. Dự kiến các biện pháp hạn chế của Nga đối với hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ có thể ảnh hưởng đến các mặt hàng thực phẩm.

Trong một diễn biến khác, Giám đốc đối ngoại Hiệp hội các công ty bán lẻ Nga (AKORT), bà Ksenia Burdanova cho biết các chuỗi bán lẻ của Nga đã bắt đầu tẩy chay hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Theo bà Burdanova, việc từ chối hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ đã được nói đến tại diễn đàn "Tương lai bán lẻ: tiềm năng thị trường khu vực" lần thứ II, diễn ra ở Novosibirsk.

Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014 đạt 31 tỷ USD, nếu tính thêm giá trị dịch vụ, tổng kim ngạch là 44 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại giữa 2 nước, chưa tính dịch vụ, đạt 18,1 tỷ USD, trong đó Nga xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ 15 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD. Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Nga (sau Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Italy), chiếm 4,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này.

Trước đó cùng ngày, phát biểu trong lễ trình thư ủy nhiệm của các đại sứ, Tổng thống LB Nga Vladimir Putin khẳng định nước này coi vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga là "đòn đánh sau lưng tráo trở", hoàn toàn không thể giải thích của những người được xem như đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố.

Muốn trả thù cho cơ trưởng


Hai phi công lái SU-24 của Nga, Alexander Pozynich (trái) đã chết và Konstantin Murakhtin đã nhảy dù xuống đất an toàn - Ảnh: East2wst

Phi công được cứu sống Murakhtin nói trong bài phát biểu trên truyền hình từ căn cứ của Nga ở Syria, rằng ông chắc chắn chiếc Su-24 đã không bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, “kể cả là trong một giây”.

Ông Murakhtin nói: “Là một hoa tiêu, tôi biết tất cả ngọn đồi ở đó và có thể xác định vị trí mà không cần các thiết bị” sau khi từng điều khiển máy bay trong nhiều sứ mệnh chiến đấu ở khu vực. Phi công này cũng bác bỏ thông tin từ phía Thổ Nhĩ Kỳ rằng đã có cảnh báo trước khi bắn hạ Su-24. Phi công Murakhtin cho biết muốn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở Syria và “trả thù cho cơ trưởng của tôi”.

Một trong những trực thăng Nga được cử tới giải cứu hai phi công Su-24 cũng bị trúng pháo của quân nổi dậy. Một binh lính trên khoang thiệt mạng.

Nga chưa nhận được lời xin lỗi của Thổ Nhĩ Kỳ


Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/11 nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa xin lỗi về vụ máy bay nước này bắn hạ máy bay Su-24 của Nga và cũng chưa đưa ra cam kết trừng phạt thủ phạm vụ tấn công này.

Phát biểu tại lễ trình quốc thư của tân đại sứ các nước tại Moskva, ông Putin nêu rõ :"Chúng tôi vẫn chưa nhận được lời xin lỗi nào từ lãnh đạo chính trị cấp cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, chưa có đề nghị bồi thường tổn thất, chưa có cam kết trừng phạt thủ phạm".

Theo Tổng thống Nga, Moskva cho rằng lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ "muốn đẩy quan hệ giữa hai nước vào bế tắc". Ông cũng khẳng định vụ tấn công xảy ra khi máy bay Nga đang ở trong không phận Syria.

Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov (Đmi-tơ-ri Pê-scốp) tuyên bố việc khắc phục những thiệt hại đối với quan hệ giữa hai nước do vụ tấn công máy bay Su-24 của Nga sẽ khó khăn, và Nga chờ đợi một lời giải thích thực tế từ phía Thổ Nhĩ Kỳ về vụ tấn công này.

Ông Peskov cũng khẳng định vụ tấn công máy bay Nga diễn ra trong không phận Syria.

* Giải cứu thành công 1 phi công Nga

Đại sứ Nga tại Pháp Alexander Orlov ngày 25/11 cho biết một trong 2 phi công Nga nhảy dù khỏi chiếc máy bay Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hôm 24/11 đã được Quân đội Syria cứu và được đưa tới căn cứ Nga ở quốc gia Trung Đông này.

Ông Orlov nói: "Một phi công bị thương khi nhảy dù và bị các tay súng thánh chiến sát hại khi tiếp đất. Theo thông tin mới nhất, phi công còn lại cố chạy thoát và được Quân đội Syria giải cứu và đưa về căn cứ không quân của Nga". Hãng Interfax cho biết viên phi công này hiện đã được an toàn tại căn cứ của Nga ở Syria.

* Chuyên gia ngờ có 'bàn tay vô hình' trong vụ bắn rơi SU-24 Nga

Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, nhiều chuyên gia Nga đã lên tiếng cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay quân sự Nga ở khu vực biên giới Syria là hành động có tính toán. Bên cạnh các lý do như Thổ Nhĩ Kỳ muốn "bảo vệ vùng đệm", muốn trở thành một nhân tố lớn trong khu vực, có những ý kiến khác đề cập tới nhân tố phá hoại - "một bàn tay vô hình" muốn gây tổn hại cho quan hệ giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mối quan hệ này vốn đang nồng ấm trong lĩnh vực thương mại với các dự án năng lượng đầy tiềm năng như hệ thống dường ống dẫn khí "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", dự án Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ hay một thị trường Nga to lớn mà hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng lợi trong bối cảnh phương Tây đánh mất thị trường Nga do các biện pháp trừng phạt.

Ngoài ra, chuyên gia Semen Bagdasarov Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và Trung Á, chuyên gia quân sự và địa chính trị, còn lưu ý tới sự hiện diện trong khu vực căn cứ không quân Incirlik của Mỹ. Đây là căn cứ được cả không quân Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng và là căn cứ cực Đông dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ ở châu Âu.

Mới đây, Mỹ đã điều tới đây một nhóm máy bay, trong đó có tiêm kích đánh chặn F-15 trang bị tên lửa không đối không. Ông đặt câu hỏi các tên lửa này được sử dụng làm gì khi IS không có không quân và cho rằng đó chỉ có thể nhằm tấn công máy bay của Syria hoặc Nga.

Một số ý kiến khác gắn vụ việc trên với bối cảnh trong thời gian gần đây, Nga đã tăng mạnh chiến dịch không kích IS tại Syria, sử dụng cả máy bay ném bom chiến lược cũng như tên lửa có cánh Kh-101 hiện đại, nhóm khủng bố IS phải hứng chịu nhiều tổn thất to lớn trong khi quân đội Syria, dưới sự yểm trợ của không quân Nga, liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường và đặt câu hỏi liệu đây có phải hành động nhằm giảm "nhuệ khí" của quân đội Nga.

* Nga không đe dọa 'đáp trả quân sự' Thổ Nhĩ Kỳ

Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Moskva không đe dọa đáp trả quân sự Ankara liên quan đến vụ máy bay Su-24, song hành động của Ankara chắc chắn sẽ gây tổn hại đến quan hệ hai nước.

Phát biểu này ám chỉ đến khả năng hủy chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến vào tháng 12 tới, cũng như khả năng ngừng giao thông hàng không với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Peskov cho biết, Moskva cũng sẽ phân tích kỹ tình hình liên quan tới dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ".

* Mất 1 trực thăng, 1 lính thủy đánh bộ, Nga vẫn nỗ lực tìm kiếm phi công SU-24

Người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga, Trung tướng Sergey Rudskoi, cho biết SU-24 rơi trên lãnh thổ Syria cách biên giới 4 km, trước đó hai phi công đã kịp nhảy dù song một người đã hy sinh khi chưa chạm đất, theo ghi nhận ban đầu, do bị trúng đạn bắn lên từ mặt đất.

Theo tướng Rudskoi, hai chiếc Mi-8 đã được cử đi tìm kiếm và đón các phi công tại nơi máy bay Su-24 rơi vốn do các nhóm phiến quân vũ trang kiểm soát.

Trong đụng độ, một chiếc Mi-8 đã bị hư hỏng do trúng đạn và buộc phải hạ cánh tại lãnh thổ trung lập, sau đó được tiêu hủy. Một lính thủy đánh bộ Nga đã hy sinh. Hiện chiến dịch tìm kiếm phi công lái máy bay SU-24 vẫn đang được tiếp tục.

* Không quân Nga tăng cường phòng thủ. Bất cứ đối tượng nào gây nguy hiểm cho Nga sẽ bị bắn hạ

Moskva sẽ triển khai một tàu chiến trang bị hệ thống phòng không tiên tiến ngoài khơi Syria gần Latakia để tăng cường khả năng phòng không cho căn cứ không quân tại đây.

 

Tuần dương hạm Moskva

 

Trung tướng Sergei Rudskoi, phát ngôn viên của Bộ tổng Tham mưu Nga thông báo cơ quan này dự kiến sẽ áp dụng các phương án bổ trợ để đảm bảo an ninh cho căn cứ không quân của Nga tại Syria.

Trước hết các máy bay ném bom Nga tham gia chiến dịch không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria sẽ được yểm trợ bởi máy bay tiêm kích.

Thêm nữa, không quân Nga sẽ được tăng cường sức mạnh phòng thủ. Vì điều này, tuần dương hạm Moskva với hệ thống phòng không Fort tương tự như S-300 sẽ được đưa vào vị trí tại vùng duyên hải Latakia.

Ông Sergei Rudskoi cũng đưa ra cảnh báo rằng bất cứ đối tượng nào có chủ ý gây nguy hiểm cho lực lượng của Nga sẽ bị bắn hạ. Thứ ba, liên hệ quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạm gián đoạn.

Căn cứ không quân Hmeymim của Nga tại Syria chỉ cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 48 km, là nơi đồn trú của nhiều quân nhân Nga và hơn 50 chiến đấu cơ hiện đang tham gia chiến dịch không kích khủng bố IS.

* "Nhiễu " thông tin về số phận 2 phi công Nga

Hiện thông tin về số phận của hai viên phi công nhảy dù khi Su-24 bị bắn hạ vẫn còn chưa được xác thực.

Phía binh lính người Kurk tuyên bố đã bắn chết hai phi công đó khi họ đang nhảy dù trong khi lực lượng nổi dậy Quân đội Tự do Syria lại cho rằng họ đang giữ thi thể của một lính mặc đồng phục không quân Nga và tìm kiếm người còn lại. Nga cũng đưa theo báo cáo ban đầu, một phi công đã thiệt mạng sau khi máy bay bị bắn hạ và đội cứu nạn đang khẩn trương tìm kiếm phi công thứ 2.

Theo hãng Reuter trích nguồn từ một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ cả hai phi công còn sống sót nhưng đang trong tay lực lượng nổi dậy, chính quyền Ankara đang thương lượng để đưa hai người trở về.

* Nga công bố VIDEO khẳng định máy bay Nga không vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ

Bộ Quốc phòng Nga ngày 24/11 đã công bố một đoạn video tái hiện lại bản đồ vị trí, hành trình của chiến đấu cơ Su-24M khi bị máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.

Bộ này khẳng định máy bay của Nga không hề xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc làm nhiệm vụ trong chiến dịch chống IS tại Syria. Điện Kremlin còn cho biết radar tại căn cứ không quân Hmeymim đã ghi lại dấu hiệu cho thấy chính chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào không phận Syria khi tấn công máy bay ném bom Su-24 của Nga.

* Theo Telegraph, cả 2 phi công Nga còn sống sót

Lại một thông tin nữa giúp phần nào hạ nhiệt căng thẳng: Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tuyên bố cả 2 phi công của chiếc máy bay Su-24 vẫn còn sống và họ đang đàm phán nhằm bảo đảm các lực lượng phiến quân ở Syria sẽ thả cả 2 - một quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ với hãng tin Reuters.

"Các đơn vị của chúng tôi, những người đã nhận được thông tin rằng cả 2 phi công đều còn sống, đang đàm phán để các phe phiến quân đối lập thả họ ra một cách an toàn" - quan chức này nói.

* Tin mới nhất, một phi công Nga còn sống sót, đang bị phiến quân truy lùng.

Các nhóm phiến quân đang ráo riết tìm kiếm tung tích của 1 viên phi công nhảy dù khỏi chiếc máy bay Su-24 của Nga, trong khi phi công còn lại được xác nhận đã chết - Hãng truyền thông NDTV của Ấn Độ cho hay.

Hãng tin AFP cho hay, viên phi công đầu tiên đã bị các tay súng bắn chết khi đang nhảy dù khỏi chiếc máy bay.

Một số đoạn video xuất hiện trên các trang web truyền thông xã hội cho thấy thi thể viên phi công đã chết bị các phần tử nổi loạn của nhiều phe cánh khác nhau vây quanh. Trong đoạn video là cảnh một người đàn ông mặc quân phục với cơ thể đầy máu. Tuy nhiên, nơi đoạn phim được quay cũng như nguồn gốc của nó vẫn chưa được xác định chính xác.

* Ông Putin đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về "những hậu quả nghiêm trọng"

Hiện Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định chiếc máy bay chiến đấu Su-24 của nước này đã bị bắn hạ trong lãnh thổ của Syria và cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 4 km. Ông Putin đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về "những hậu quả nghiêm trọng" do vụ bắn rơi máy bay Nga tại Syria.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia của nước này vào tối ngày 24/11 để bàn về những diễn biến mới trong quan hệ với Nga sau khi các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay quân sự của Nga tại khu vực biên giới của Syria.

Tham dự cuộc họp khẩn cấp còn có Thủ tướng Ahmet Davutoglu, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, Tướng Hulusi Akar, Giám đốc tình báo quốc gia Hakan Fidan và một số Bộ trưởng chủ chốt.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã kêu gọi HĐBA LHQ tiến hành họp khẩn cấp để nước này thông báo thông tin về vụ bắn rơi máy bay của Nga.

Trước nguy cơ căng thẳng leo thang giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Donald Tusk đã kêu gọi các bên bình tĩnh vì đây là "thời điểm nguy hiểm".

* Hai phi công Nga bị bắt chết khi nhảy dù. Phiến quân Turkmen ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngày 24/11 tuyên bố họ đã bắn chết hai phi công Nga khi họ nhảy dù ra khỏi chiếc máy bay Su-24.


* Hãng thông tấn Dogan Haber (DHA) của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, quân nổi dậy Turkmen tuyên bố, 2 phi công nhảy dù khỏi chiếc máy bay Su-24 hiện đã chết. Hãng tin Sky News cũng dẫn lời phóng viên của Đài CNN Ezgi Cankurtaran viết trên trang twitter của mình cho biết cả 2 phi công Nga lái chiếc cường kích Su-24 - bị tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi - đã thiệt mạng

* Một quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định các lực lượng của nước này không liên quan đến vụ máy bay Nga bị bắn hạ.

 

* Tổng thống Putin: Nước Nga bị đâm từ sau lưng

Theo Telegraph, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ "đâm nước Nga từ sau lưng" khi bắn hạ chiếc máy bay SU-24 của Nga.

Phát biểu trong một cuộc họp với Vua Abdullah của Jordan, ông Putin cho biết các phi công đã "hoàn thành nhiệm vụ của họ" "trong bối cảnh của cuộc chiến chống khủng bố".

"Chiếc máy bay gặp nạn trong thời gian diễn ra cuộc chiến chống khủng bố, nhưng mất mát hôm nay chúng ta chứng kiến là cú đánh từ phía sau... Tôi không thể hiểu sự việc này theo bất kỳ cách nào khác. Chiếc máy bay của chúng tôi đã bị bắn rơi trên lãnh thổ Syria bởi một không tên lửa phòng không F16. Nó bị rơi bên trong lãnh thổ Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 4 km. Vào thời điểm đó, nó đang bay ở độ cao 6000 mét và và cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 1 km. Trong mọi trường hợp, phi công của chúng tôi không bao giờ đe dọa lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này là hiển nhiên".

* Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1950, một máy bay của Nga hay Liên Xô trước đây bị một nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắn hạ.

* Nghị sĩ Nga muốn 'sơ tán công dân'

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, nhiều nghị sĩ Nga đã kêu gọi chính phủ nước này cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi các máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay quân sự của Nga tại khu vực biên giới Syria.

Ông Nikolai Levichev, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia, thành viên Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện), tuyên bố: "Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế bắt đầu cuộc chiến đầy đủ chống khủng bố, sào huyệt của chúng là khu vực lãnh thổ Syria do IS chiếm đóng, Thổ Nhĩ Kỳ đang biểu lộ sự đoàn kết với những kẻ khủng bố và bắn hạ máy bay của chúng ta trên lãnh thổ Syria. Hành động gây hấn này có thể so với cuộc tấn công vào chiếc máy bay Nga khác trên bầu trời (bản đảo) Sinai".

Nghị sĩ Levichev cho rằng Nga "cần ngừng dịch vụ hàng không tới Thổ Nhĩ Kỳ và sơ tán công dân Nga ở đó".

Theo ông Levichev, Nga cũng cần triệu hồi Đại sứ Nga ở Ankara để tham vấn.

* NATO triệu tập cuộc họp toàn thể

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã triệu tập "cuộc họp toàn thể" theo đề nghị từ Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 24/11 nhằm thảo luận về vụ không quân của quốc gia thành viên khối quân sự này bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga.

Dự kiến, cuộc họp cấp đại sứ của 28 nước thành viên NATO sẽ diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào lúc 16 giờ địa phương (tức 23 giờ Hà Nội). Tại cuộc họp này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thông tin chi tiết cho các đồng minh về vụ việc trên.

Chiếc máy bay SU-24 của Nga đã bị hai máy bay chiến đấu F16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ tại khu vực ở vùng núi Turkmen thuộc tỉnh Latakia (Lát-ta-kia) phía Bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Số phận hai phi công trên máy bay cho đến nay chưa được làm rõ. Lực lượng đối lập Syria đã cung cấp một đoạn video cho thấy một phi công Nga nằm bất động và nhiều khả năng đã tử vong.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố việc bắn hạ chiếc máy bay trên không nhằm vào bất cứ quốc gia nào mà chỉ là bước đi để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nước này. Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định máy bay của nước này "không hề rời không phận Syria".

Kể từ khi Nga mở chiến dịch không kích chống nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Syria từ cuối tháng 9 vừa qua, đã xảy ra nhiều tranh cãi giữa Moskva và Ankara liên quan đến các máy bay chiến đấu của Nga. Hôm 3/10 vừa qua, các máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn một máy bay quân sự Nga xâm nhập không phận. Nga khẳng định việc máy bay của nước này bay nhầm vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ là do thời tiết xấu.

* Phi công có thể đã tử nạn: Hãng tin AP đưa tin rằng một trong 2 phi công Nga có mặt trên chiếc Su-24 vừa bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi đã chết trước khi tiếp đất. Nhóm phiến quân Alwiya al-Ashar chia sẻ với AP rằng họ đã tìm thấy thi thể viên phi công.
Hình ảnh máy bay SU-24 Nga bị bắn hạ

* Xuất hiện video về nhóm vũ trang tìm thấy phi công Nga: Một đoạn video vừa được đăng tải lên internet cho thấy những người đàn ông có vũ trang đang vây quanh một phi công được cho là người Nga dường như đang bất tỉnh. Mặt viên phi công thâm tím và chảy máu.

Những người đàn ông cầm súng tỏ ra phấn khích. “Một phi công Nga”, một giọng nói vang lên giữa đám đông đang vây quanh phi công “Thượng đế vĩ đại”, một giọng nói khác xen vào.

Họ nói tiếng Arab, nhưng ngôn ngữ này được dùng như một phương ngữ Latakia.

Theo Reuteurs, video được đăng tải lên internet bởi bởi một nhóm nổi dậy chống chính phủ Syria đang hoạt động ở miền Tây Bắc nước này, nơi có những nhóm vũ trang, tuy nhiên tổ chức IS không hiện diện ở đây.

Xuất hiện video về phi công Nga bị bắt ở Syria sau khi nhảy dù

* Bắn hạ cường kích Su-24 là vụ việc “rất nghiêm trọng”

Theo phát ngôn viên Điện Kremlin, sẽ là sai lầm khi đưa ra những dự đoán ở thời điểm hiện nay, khi chưa có được bức tranh tổng thể. “… Vì thế chúng ta phải kiên nhẫn. Đây là vụ việc rất nghiêm trọng. Nhưng một lần nữa (tôi muốn nói) không thể đưa ra đánh giá mà không có được thông tin hoàn chỉnh”, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Pesko bày tỏ.

* Cập nhật về phản ứng của Điện Kremlin sau vụ máy bay Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ngày 24/11, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ đưa ra đánh giá của ông về vụ việc này ngay trong ngày.

Ông Peskov không khẳng định Tổng thống Nga sẽ phát biểu về vụ việc tại cuộc gặp với Quốc vương Jordan, song cho rằng hai bên sẽ đề cập đến đề tài này và ông Putin có thể sẽ đưa ra đánh giá của mình.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga cũng không xác nhận thông tin từ báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ông Putin sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp Hội đồng An ninh Nga liên quan đến vụ máy bay SU-24, cũng như thông tin về việc Ngoại trưởng Nga sẽ hoãn chuyến thăm Ankara được lập kế hoạch vào ngày 25/11.

Liên quan đến quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ việc, người phát ngôn Peskov cho rằng hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để nói về hậu quả cũng như giả thuyết và kết luận do phía Nga chưa có thông tin đầy đủ về vụ việc cũng như chưa nhận được thông tin chính thức từ Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu với báo giới, ông Peskov khẳng định Điện Kremlin xác thực rằng máy bay SU-24 của Nga bị bắn rơi khi đang bay trên không phận Syria.

Diễn biến vụ việc
Một quan chức quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, máy bay chiến đấu F16S của quân đội nước này đã đưa ra cảnh báo trước khi buộc phải bắn hạ máy bay vi phạm. Máy bay sau khi bị bắn đã bốc cháy và rơi xuống khu vực ở vùng núi Turkmen thuộc tỉnh Latakia phía Bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Hình ảnh hiện trường cho thấy, hai phi công đã kịp nhảy dù trước khi máy bay bốc cháy.

 


Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-24M của Nga cất cánh từ sân bay quân sự Hmeymim, gần thành phố Latakia ngày 21/10. Ảnh tư liệu: TTXVN

Thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Ahmet Davutoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa vấn đề này ra trước Liên hợp quốc và NATO để giải quyết ở cấp độ quốc gia và từ chối đưa thêm bất kỳ thông tin gì liên quan tới vụ việc.

Cùng ngày, hãng tin Nga TASS dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận một máy bay Su-24 của quân đội nước này đã rơi tại Syria do bị bắn hạ. Tuy nhiên, bộ này cho biết theo thông số thu được các thiết bị quan sát, máy bay kể trên không hề vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.


Máy bay Su-24 của quân đội Nga rơi tại Syria

Theo thông tin từ truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, phiến quân Syria đã bắt giữ một trong số hai phi công nhảy dù khỏi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga. Trong khi đó, phía Nga đã ngay lập tức điều các trực thăng quân sự tới hiện trường để tìm kiếm hai phi công kể trên.

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định có thể chứng minh máy bay Su-24 bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ không vi phạm không phận nước này.


Trong thông báo mới nhất đưa ra sau khi máy bay chiến đấu bị bắn hạ chiều 24/11 và rơi xuống lãnh thổ Syria, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố máy bay bị bắn hạ khi đang bay ở độ cao 6.000m. Bộ cũng dẫn các thông tin từ các thiết bị kiểm soát khách quan cho thấy trong suốt hành trình, Su-24 luôn bay trong không phận Syria. Người phát ngôn Điện Kremlin gọi đây là vụ việc "vô cùng nghiêm trọng", nhưng cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận.

Trước đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ thông báo bắn hạ một máy bay chiến đấu vi phạm không phận nước này tại khu vực ở vùng núi Turkmen thuộc tỉnh Latakia phía Bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng nước này cho biết đã cảnh báo máy bay vi phạm 10 lần trong vòng 5 phút trước khi quyết định bắn hạ. Cho đến nay, bộ này vẫn chưa xác nhận máy bay bị bắn thuộc quốc gia nào.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm