'Toni Erdmann' - Phim tuyệt hay về tình cha con

13/12/2016 11:42 GMT+7 | Dạo quanh nước Đức

(lienminhbng.org) - Tại Giải Phim châu Âu (EFA) vừa diễn ra ở Ba Lan cuối tuần qua, bộ phim hài Đức-Áo Toni Erdmann đã giành năm giải thưởng quan trọng. Đạo diễn Maren Ade cũng làm nên lịch sử khi là nữ đạo diễn đầu tiên có phim đứng ở vị trí cao nhất EFA.

30 năm Giải Phim châu Âu: Dùng tiếng cười để truyền tải những thông điệp lớn

30 năm Giải Phim châu Âu: Dùng tiếng cười để truyền tải những thông điệp lớn

Trong 30 năm phát triển, Giải Phim châu Âu đã chứng minh rằng đây là giải độc đáo mang khí chất châu Âu, không bị ảnh hưởng bởi chính trị, là nơi thể hiện sự cam kết và sáng kiến của châu Âu đối với môi trường điện ảnh.

‘Toni Erdmann’ làm nên lịch sử tại Giải Phim châu Âu 2016

Năm giải lớn mà Toni Erdmann chiến thắng gồm: Phim xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (cho Peter Simonischek), Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (cho Sandra Huller), Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản phim xuất sắc nhất (cho Maren Ade).

Cha và con gái trên dây thăng bằng

Đây là một bộ phim hài. Rõ ràng như vậy. Và đó cũng là tài năng đặc biệt của đạo diễn Maren Ade khi có thể trơn tru chuyển những tràng cười sảng khoái thành khoảnh khắc lắng dịu, suy tư.

Phim bắt đầu với Winfried Conradi, một giáo viên âm nhạc đã ly dị và tràn đầy đam mê với những trò đùa không giống ai. Ông đặc biệt thích đội bộ tóc giả kỳ khôi và hàm răng giả lởm chởm. Sau cái chết của chú chó cưng, Conradi quyết định nối lại quan hệ với con gái Ines, người đang theo đuổi sự nghiệp tư vấn kinh doanh và hiện ở Romania.

Ông bố nhí nhố và cô con nghiêm nghị trong Toni Erdmann

Trái với cha mình, Ines là người nghiêm túc và kiểu cách. Khi còn bé, cô tôn thờ cha, nhưng theo thời gian, giữa họ là hố ngăn ngày một rộng.

Thế nên, khi nhìn thấy cha, với đầy đủ bộ dạng chơi khăm quen thuộc, cô đã lờ đi bởi lúc đó còn có sự xuất hiện của thành viên hội đồng ban quản trị khách hàng. Nhưng ngay cả khi chỉ còn hai người, Ines cũng chẳng thể cởi mở với đấng sinh thành. Oái oăm thay, chính những người mà Ines muốn lấy lòng lại rất thích cha cô.

Những nỗ lực hàn gắn của ông Conradi bắt đầu có tác dụng khi ông bất ngờ tới bữa tiệc của con gái và hai người bạn, giới thiệu mình là Toni Erdmann, một nhà tư vấn kinh doanh.

Từ góc nhìn của Toni, ông Conradi bất đầu nhận ra những góc yếu mềm của con gái mình, rằng cô có một cuộc sống buồn tẻ, cô đơn vì tham vọng nghề nghiệp quá mức, thậm chí lạm dụng ma túy. Từ đó, Conradi quyết tâm phá vỡ vỏ bọc cứng nhắc của cô con gái, để cô sống tự do và yêu đời.

Một câu chuyện buồn về sự trưởng thành, khi những đứa con ngày một giấu kín những góc khuất trước cha mẹ. Nhưng như đã nói, Ade lại biến nó trơn tru thành một phim hài, với đầy hình ảnh náo nhiệt, thậm chí là những cảnh nhạy cảm. Có lẽ Ade đã thành công khi biến bộ phim thành một thực thể sống, nơi chứa đầy những mâu thuẫn nhưng luôn có lời giải nếu đủ quan tâm.

Hàn gắn tinh thần châu Âu

Giải Phim châu Âu do Viện Hàn lâm Phim châu Âu trao thường niên cho những thành tựu trong ngành điện ảnh châu Âu, bắt đầu từ năm 1988. Không chỉ vị nghệ thuật, giải còn là sợi dây gắn kết tinh thần các nước trong khu vực.

Maren Ade sinh ngày 12/12/1976, là đạo diễn, nhà viết kịch, sản xuất người Đức và là đồng sáng lập hãng phim Komplizen. Ade bắt đầu sự nghiệp đạo diễn năm 24 tuổi với phim ngắn Level 9. Tính đến nay, bà mới chỉ đạo diễn hai phim ngắn và ba phim truyện; là nhà sản xuất 11 phim khác. Tuy nhiên, giải thưởng bà nhận được rất đồ sộ, cả trong nước lẫn quốc tế; trong đó có giải Gấu bạc. Bà hiện sống cùng chồng, đạo diễn Ulrich Kohler và hai con nhỏ ở Berlin.

Mở đầu lễ trao giải cuối tuần trước, chủ nhà Maciej Stuhr nhấn mạnh rằng giải được thành lập khi “các nhà làm phim cùng đứng bên nhau vì một châu Âu thống nhất và tự do, điều mà đến nay giải thưởng này vẫn hướng tới”.

Trước bối cảnh chia rẽ hiện nay, nữ đạo diễn Ade cũng chung một hi vọng: “Đây là lần đầu tiên một bộ phim của nữ đạo diễn giành chiến thắng ở giải này. Tôi cảm thấy xa xỉ vô cùng khi làm phim vào thời điểm này, khi chúng ta đang gánh chịu những khủng hoảng. Nhưng tôi tin những bộ phim có thể vượt qua biên giới và dễ dàng biến những điều xa lạ thành sự đồng cảm”.

Kể từ khi ra mắt ở LHP Cannes, Toni Erdmannđược đề cử và giành chiến thắng tại nhiều giải thưởng uy tín; đặc biệt, đã tham gia tranh giải Cành cọ vàng ở LHP Cannes 2016. Phim cũng được chọn là đại diện của Đức tham dự Oscar.

Đặc biệt, đây mới chỉ là phim truyện thứ ba mà Maren Ade đạo diễn. Hai bộ phim trước là Everyone Else và The Forest for the Trees cũng giành nhiều giải thưởng và được giới chuyên môn đánh giá cao.

“Tôi nghĩ chúng tôi luôn nỗ lực để làm những nhân vật nghiêm túc – thay vì biến họ thành trò cười, chúng tôi khắc họa họ với đầy đủ những cuộc đấu tranh, thử nghiệm và thất bại” là quan điểm khác thường của Ade về làm phim hài.

Bên cạnh Toni Erdmann, một số phim cũng chiến thắng tại Giải Phim châu Âu năm nay là My Life As A Zucchini (Giải phim hoạt hình xuất sắc nhất), The Happiest Day In The Life Of Olli Maki (Giải khám phá mới), Body (Giải khán giả bình chọn). Giải cống hiến cho điện ảnh thế giới năm nay thuộc về “James Bond” Pierce Brosnan.

Thư Vĩ (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm